Thực trạng trên đang xảy ra đối với nhiều hộ dân tại xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Dù biết việc làm trên là vi phạm pháp luật, nhưng cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã phải lựa chọn phương án này để có chỗ cư trú qua ngày.
Không có chỗ ở, nhiều hộ dân xã Cự Khê muối mặt xây nhà tạm trên đất lấn chiếm hành lang đê sông Nhuệ...
Tiếng là làng “cự phú”, nhiều doanh nhân có tên tuổi thành đạt ở các khu buôn bán, kinh doanh sầm uất ở các phố cổ của Hà Nội; tiền bạc họ đầu tư về xây làng khiến ngôi làng khang trang, đẹp đẽ như phố thị…, nhưng, những người nông dân ở lại làng thì không phải như thế.
Ngoài diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp được chia theo khẩu, người Cự Đà, Khe Tang, Khúc Thủy sống bằng nghề làm tương, làm miến. Kinh tế thị trường mở ra, các làng nghề truyền thống lâm vào cảnh bĩ cực. Cự Đà cũng không ngoại lệ.
Nghề truyền thống thất truyền dần. Ô nhiễm làng nghề càng khiến môi trường sống của hàng ngàn hộ dân làng cổ thêm ngột ngạt, bức bối.
Tiếng là làng nông thôn, nhưng quỹ đất của Cự Khê rất hạn hẹp. Nhà cửa san sát như nêm cối, bậu cửa cũng... ăn ra sát ngõ xóm, đường làng.
Khi dự án xây dựng khu đô thị mới “nhắm” đến Cự Khê, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và đền bù cho người dân với số tiền 351 triệu đồng/1 sào Bắc Bộ. Những hộ dân nhiều ruộng, dù mất đi tư liệu sản xuất, nhưng có món tiền đến tỷ đồng. Có tiền, họ mở bung xóa nhà cổ xây nhà mới khang trang khiến Cự Đà rơi vào “cơn sốt” phá nhà cổ.
Chủ tịch UBND xã Cự Khê, ông Vũ Thanh Ngọc, lý giải về việc quy hoạch làng cổ bị xâm hại: “Đấy là do người dân có tiền đền bù từ việc thu hồi đất nông nghiệp. Còn, bảo bà con đừng phá nhà cổ, xây nhà mới thì xã cũng đành… buông xuôi!”.
Tuy nhiên, đối với các hộ dân không có nhà ở, họ lại… loay hoay trong một vòng luẩn quẩn khác.
Ngôi nhà xây dựng trên đất lấn chiếm của gia đình chị Tống Thị Liên "ăn" ra sát mép sông Nhuệ. Chị Liên bảo, ngay việc ngửi mùi hôi thối của dòng sông ô nhiễm cũng đủ bệnh tật chứ chẳng sung sướng gì...
Rất thật thà, các chị Nguyễn Bích Liên, Lưu Thị Miến… rành rọt kể: từ năm ngoái đến giờ, chán cảnh chờ đợi được cấp đất giãn dân, nhiều người trong làng đã chấp nhận… “bán ruộng non” để làm nhà tạm, lấn chiếm đất đê sông Nhuệ.
Giá tiền bán “một sào ruộng non” cho người đi thu gom là 80 triệu đồng/sào – một con số rất nhỏ so với số tiền 351 triệu/sào đền bù đối với đất bị thu hồi của chủ dự án khu đô thị, nhưng người dân vẫn “cắn răng” phải bán.
“Giờ, dự án xây khu đô thị mới bị bỏ hoang, chẳng ai màng đến việc đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng. Thế nên, các “đầu nậu” trong xã, họ “nắm thóp” được nên đã đi thu gom với giá rẻ như thế. Mà, họ cũng “đi đánh bạc”, vì biết bao giờ họ mới “được” thu hồi để nhận đền bù?” – chị Liên chân thật.
Đấy là một sào đất ruộng. Còn với đất “phần trăm” có diện tích 72m2, họ bán được giá cao hơn: 350 triệu/ 1 suất “phần trăm”.
“Nhà anh Đặng Văn C., anh Trần Thanh S., ông Đặng Hồng L. cũng đều bán ruộng non cả rồi. Chúng tôi cũng biết, làm nhà tạm, lấn chiếm trên đất hành lang đê, đất đê… đều sai pháp luật, người ta có thể đập bỏ đi lúc nào thì phải chịu lúc đấy, nhưng không có chỗ ở, biết làm sao bây giờ?”.
Gia đình chị Tống Thị Liên là một trong năm hộ lấn chiếm đất đê sông Nhuệ để làm nhà tạm. Thửa đất bé xíu, sát mép sông, chị phải dựng cột bê-tông cao ba, bốn mét để làm “giá đỡ”. Sống đã phải phập phồng vì “biết là sai pháp luật nhưng vẫn phải làm”, cái hiểm họa mà “cứ mở mắt ra lại phải chịu”, đấy là mùi hôi thối, nồng nặc của dòng sông chết do ô nhiễm.
“Có ai bảo ngày xưa nó là đoạn sông Nhuệ chảy qua làng cổ trữ tình nhất mực, các cụ còn thả thuyền nan, mời cô đầu lên thuyền hát ả đào uống rượu thưởng trăng, rồi thả thuyền dọc sông cho xuôi ra tận Hà Đông mới quay thuyền trở lại đâu. Mà bây giờ, nó lại ô nhiễm đến thế… Từ ngày “nhảy dù” ra đây ở tạm, tôi bị thêm cái bệnh hoa mắt chóng mặt vì không chịu được cái mùi xú uế” – chị Liên nói.
Đây là bốn trong số 37 hộ dân thuộc diện được giãn dân, nhưng 5 năm nay phải mòn mỏi chờ đợi để được chính quyền địa phương cấp đất, dù chủ trương, quyết định đã được huyện Thanh Oai ban hành.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, làng cổ Cự Đà đang đối mặt với một vấn nạn khác, đó là ô nhiễm môi trường, khi cả làng trở thành "túi" đựng nước thải không qua xử lý của thành phố đổ về.
Nguyên nhân các hộ thuộc diện được cấp đất giãn dân, đã có đơn gửi chính quyền, đã được giải quyết nhưng chưa nhận được đất, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Hồng Yên giải thích: Không phải huyện không cấp đất giãn dân cho các hộ dân của xã Cự Khê, trong quá trình cấp đất, hội đồng xét duyệt của thôn, xã và huyện đã để lọt một số hộ không đúng đối tượng. Huyện đang chỉ đạo xã Cự Khê xét duyệt lại quy trình để giải quyết nguyện vọng của người dân”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, Vũ Thanh Ngọc, giải thích: Khi tiến hành cấp đất giãn dân thì xảy ra khiếu kiện vì một số hộ dân không thuộc đối tượng. Vì lẽ đó, UBND huyện Thanh Oai dừng việc cấp đất và giao cho xã rà soát lại. Đến tháng 7/2010, UBND xã có tờ trình gửi UBND huyện xin cấp đất giãn dân cho 26 hộ đủ tiêu chuẩn nhưng huyện lại không chấp nhận vì lý do việc xét duyệt lại không đúng quy trình. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Chi bộ thôn Khúc Thủy tổ chức xét duyệt lại nhưng Chi bộ này vẫn chưa ra được nghị quyết!!!
Theo chủ tịch xã Cự Khê, “đây là những hộ xứng đáng được cấp đất giãn dân. Hiện nay họ đang sống trong tình cảnh hết sức khó khăn”.
Trong lúc chính quyền cơ sở vẫn đang… loay hoay thì những hộ dân không có nhà ở cũng tiếp tục… loay hoay. Trong lúc nhiều hộ dân “nhắm mắt” lấn chiếm đất đê làm nhà tạm, chung sống với “dòng sông thối”, nhiều hộ khác phải đi thuê mướn nhà để ở, dù họ đang ở giữa một làng quê, chẳng phải cảnh phố thị, và nhiều hộ dân khác cắn răng… bán ruộng non để có tiền… làm nhà tạm trên đất lấn chiếm sống qua ngày…