Bán gấp nhà máy, Chủ tịch Vinaxuki “rất đau”
Mấy ngày gần đây, thông tin về việc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.HN cho biết, suốt cả tuần nay, ông đã cố gắng để liên lạc với ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki nhưng không được.
"Anh ấy đã tắt máy. Với anh Huyên, tôi cũng đã khuyên rất nhiều lần rồi. Phải bán gấp nhà máy, anh ấy cũng rất đau. Đây thực sự là một cú sốc với anh Huyên và với Vinaxuki”, ông Liên cho biết.
Thời gian vừa qua, vị Chủ tịch này tuy khó khăn nhưng đã rất nỗ lực để tìm nguồn vốn, xoay sở các cách để không phải bán doanh nghiệp đi.
“Nhưng không có sự hỗ trợ của Nhà nước, việc bán nhà máy đi là tất yếu. Chứ chúng tôi cũng rất đáng tiếc” – ông Liên nhấn mạnh.
Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kêu gọi hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng Nhà nước hỗ trợ qua hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, các ngân hàng nhận thấy đầu tư cho Vinaxuki gặp nhiều rủi ro (khó thu hồi vốn, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường,…) nên đã “ngoảnh mặt” không cho vay.
Theo tìm hiểu, hiện tại, tổng nợ của Vinaxuki đã lên tới 1.618 tỷ đồng. Trong đó nợ vay tại BIDV là 763 tỷ đồng, tại VIB là 53 tỷ đồng.
Các khoản nợ tại Vietinbank (159 tỷ đồng) và tại Vietcombank (643 tỷ đồng) đã được các ngân hàng này bán cho VAMC.
Sau khi nhận được các thông báo nợ của các ngân hàng và các tổ chức, mới đây, ban lãnh đạo Vinaxuki đã quyết định bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ.
Hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị,...
Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của hội đồng quản trị Vinaxuki.
“Vinaxuki nằm trên đất Hà Nội nhưng Hà Nội cũng không giúp gì được cho Vinaxuki hoặc có nhiều đoàn đến đàm phán nhưng rồi lại về không.
Hiệp hội chúng tôi cũng không giúp gì được, chỉ có đề xuất với anh Huyên là sản xuất loại xe nhỏ dùng cho nông thôn nhưng anh không quan tâm đến nên chúng tôi cũng đành chịu” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.HN bộc bạch.
Vì sao Vinaxuki đứng trước nguy cơ phá sản?
Theo ông Liên, việc sản xuất ô tô “made in Viet Nam” là giấc mơ được ấp ủ từ lâu của vị Chủ tịch Vinaxuki.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế, cơ chế thị trường hiện nay không có bao cấp, doanh nghiệp phải tự quyết định phương hướng sản xuất của mình cho phù hợp.
Từ đó, doanh nghiệp phát triển không bền vững phải phá sản là chuyện thường tình.
“Nhà máy phá sản, Vinaxuki mất bao công sức để xây dựng đến giờ phải bán đi, đó không chỉ là mất mát của Vinaxuki mà còn là một thiệt thòi cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Anh Huyên là người có tâm huyết trong việc hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt nhưng không có sự hỗ trợ của nhà nước. Anh đầu tư chiều sâu nhưng không được cảnh báo trước về sự phá sản.
Cả Chủ tịch HĐQT tới Giám đốc Vinaxuki đều không tính được bất cập trong vay vốn ngân hàng, không lường trước được hậu quả.
Nên khi đầu tư nửa vời, ngân hàng cắt vốn vay, doanh nghiệp lao đao” – ông Liên nhận định.
Nói về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Huyên cũng đã từng than thở, đã hơn 3,5 năm nay ngân hàng không cho Vinaxuki vay vì phía ngân hàng cũng phải đi vay và phải cho vay ngắn hạn, nếu như cho vay đầu tư công nghệ hiện tại thì rủi ro lớn.
Ngoài lý do chính sách ngân hàng không cho vay dài hạn, các chuyên gia trong ngành cho rằng: việc phải bán đất, bán nhà máy, thế chấp tài sản của Vinaxuki còn bao gồm một nguyên nhân khác đến từ chính sách Nhà nước.
Đó là đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành không thực hiện một cách đầy đủ.
Bởi đề án có nêu sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên, cho đến nay, công nghiệp phụ trợ không có.
Doanh nghiệp sản xuất ô tô phải nhập khẩu phụ kiện nước ngoài về, trong khi đó, nhập khẩu lại liên quan tới thuế khóa, vốn vay nên làm khó cho doanh nghiệp nội địa.
Bản thân ông Bùi Ngọc Huyên trước đây khi chia sẻ với báo chí cũng đã chỉ ra rằng: chính sách đánh thuế của Việt Nam hiện còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Ví dụ như phí đường, xe 4 chỗ, động cơ nhỏ cũng có phí như xe động cơ lớn. Ở nước ngoài họ phân định rõ hơn, xe to và nhỏ đánh thuế khác nhau...
Ngoài ra cũng có sự không thống nhất khi Bộ Công Thương thì ủng hộ phát triển ngành công nghiệp ô tô còn ngành giao thông lại muốn hạn chế vì sợ quá tải hệ thống đường, dẫn tới các chính sách thuế, phí chồng chéo nhau.
Cũng theo ông Huyên, chính sách nuôi dưỡng ngành vẫn còn ít, gần như chỉ có những ưu đãi về lắp ráp. Mà nếu chỉ ưu đãi về lắp ráp thì khó hình thành ngành công nghiệp ô tô vì nó chỉ chiếm 6% giá trị một chiếc xe.
Việc sản xuất những phụ tùng cốt lõi như thân, vỏ xe và hộp số động cơ cũng chưa được chú ý.