Với đôi mắt chỉ nhìn được 2/10 và 4/10, Duyên phải đeo kính để có thể nhận diện mọi vật và nhìn rõ được con chữ. Nhưng với bức tranh “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, cô bé 11 tuổi ấy đã vẽ lên bằng tất cả trái tim và tâm hồn rộng mở.
Bức vẽ của học sinh lớp 6 Đinh Thảo Duyên.
Mặc dù chưa mất hẳn ánh sáng nhưng đôi mắt của em Đinh Thảo Duyên (học sinh lớp 6A2, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) phải cần cặp kính dày cộp mới có thể nhìn thấy nhập nhòa từng nét vẽ… Ngại ngùng khi thấy tôi đứng xem, Duyên cố lấy tay che đi và nói: “Đây là lần đầu tiên cháu vẽ về người lính Trường Sa. Cháu chưa lần nào được gặp các chú, nhưng qua ti vi, tranh vẽ cháu tưởng tượng để vẽ theo”.
Đinh Thảo Duyên (11 tuổi) cặm cụi vẽ bức tranh "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam".
Duyên bật mí, bức tranh của em sẽ có những người lính ngoài đảo xa đang canh giữ biển đảo, bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.
Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo xã Minh Hóa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, em Đinh Thảo Duyên không may mắn như đứa trẻ bình thường khác. Duyên bị cận bẩm sinh như người chị gái, bác sỹ chẩn đoán em bị thoái hóa củng mạc, nhược thị, vừa loạn vừa cận thị nên không thể mổ được.
Trò chuyện với chúng tôi, mẹ của Duyên, chị Nguyễn Thị Thịnh (41 tuổi, người dân tộc Mường), tâm sự rằng: “Khi bắt đầu biết cầm đồ chơi, Duyên đưa đồ chơi lên sát mắt để nhìn. Đi mẫu giáo cháu nói chỉ nhìn lóa lóa, đi hay vấp ngã. Thấy vậy, năm 2006 khi Duyên 4 tuổi, hai vợ chồng cắn răng vay mượn họ hàng, bán con gà, con vịt đưa cháu xuống Bệnh viện Mắt Trung ương để khám chữa và cắt kính đeo..
Sau những ngày tháng chạy chữa cho em dưới Hà Nội, người mẹ tội nghiệp đã khóc ròng, không còn đủ sức bước ra khỏi cổng viện khi nghe bác sỹ nói Duyên sẽ bị khiếm thị cả đời.
Lúc ấy, kính của cháu phải đặt ở nước ngoài giá 1,5 triệu. 4 tuổi cháu phải đeo kính để nhìn được như bình thường. Chị gái của cháu cũng mắc chứng bệnh này và lớp 3 đã phải đeo kính” - người mẹ thổn thức.
Đinh Thảo Duyên (ngoài cùng bên trái) tham gia lớp học vẽ cùng các bạn.
Nhìn hai con bệnh tật, chị Thịnh lặng lẽ khóc ròng nhiều đêm. Tuy nhiên, sự hy sinh, tình yêu của người mẹ không cho phép chị gục ngã. Chỉ bươn trải với mấy sào ruộng để sống qua ngày, kinh tế gia đình chị Thịnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chồng chị (cũng là người dân tộc Mường) mắc dị tật nói khó nghe phải bỏ làng ra thành phố làm thuê, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học.
“Bố cháu làm công nhân ngoài Hà Nội vất vả lắm, tháng chỉ về 1 lần. Hai vợ chồng thắt bụng, chắt chiu mỗi tháng được 3 - 4 triệu để nuôi 6 miệng ăn. Cháu gái đầu của tôi đang học ở Trường PTTH Nội trú Hà Nội (Bà Vì), Duyên đang học lớp 6 trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và 1 cháu út đang học ở nhà.
Gom góp được đồng nào là chúng tôi lo chữa mắt, ăn học cho các cháu. Một năm hai lần, tôi đều vay mượn thêm để dẫn 2 cháu xuống Viện Mắt Trung Ương kiểm tra, thay kính”, mẹ của Duyên nuốt nước mắt vào trong bày tỏ.
Như bạn bè cùng trang lứa, Duyên theo học mẫu giáo, lớp 1 tại Trường Tiểu học Minh Hóa (xã Minh Hóa, huyện Ba Vì). Nhưng do mắt mờ dần, Duyên học kém đi không theo được kịp bạn bè và phải nghỉ học.
Thương con, chị Thịnh đăng ký cho Duyên tham gia lớp học chữ nổi của một tổ chức của Nhật và thi vào Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Chị Thịnh kể, ngày nhập học lớp 2 dự bị của trường, cháu nằng nặc khóc lóc ôm mẹ không muốn đi, xin ở nhà với mẹ, với chị. Thương con, chị Thịnh xuống Hà Nội ở 2 tuần với con để con làm quen với môi trường mới. Hàng ngày, chị động viên con bằng những câu chuyện về người bạn cùng trường hoàn toàn không thấy được dù chỉ một tia sáng nhỏ nhưng vẫn tự mò mẫm đi lại, tự học tiếng Anh rất giỏi, chơi đàn ghi ta rất hay…
Đến nay, Thảo Duyên đã quen với rất nhiều bạn, thích đến lớp. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, Duyên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi liên tiếp nhiều năm và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng chị Thịnh luôn tâm niệm: “Mình đã không được học hành gì, giờ chỉ mong muốn, ấp ủ cho con được đi học bằng mọi cách dù cuộc sống có vất vả đến đâu”.
Xem chi tiết tại: ĐẤU GIÁ TRANH BIỂN ĐẢO CỦA TRẺ KHIẾM THỊ ỦNG HỘ NGƯ DÂN LÝ SƠN
Sau buổi vẽ tranh với chủ đề: "Hoàng Sa, Trường Sa trong mắt em", đã có hơn 10 bức tranh đặc biệt ý nghĩa được giáo viên và các em học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) gửi báo điện tử Trí Thức Trẻ - Soha.vn nhờ báo tổ chức bán đấu giá.
Tất cả số tiền thu được từ việc bán đấu giá tranh sẽ được tòa soạn trích một phần gửi cho các tác giả. Phần còn lại, lãnh đạo báo sẽ trao cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vừa bị tàu Trung Quốc đâm va, tấn công gây thiệt hại tài sản và sức khỏe.
Mức giá khởi điểm cho mỗi bức tranh là 500.000 đồng.
Đến thời điểm hiện tại, văn phòng luật Interla của luật sư Trương Quốc Hòe đã mua ủng hộ 3 bức tranh với tổng giá là 6 triệu đồng.
Ông Lê Tôn Thực - cựu đặc công quân khu 5 (Cam Ranh - Khánh Hòa) đã mua ủng hộ 1 bức tranh với giá 5.700.000 đồng.
Ngày mùng 10.7 vừa qua, đại diện báo điện tử Trí Thức Trẻ - Soha.vn đã vào huyện đảo Lý Sơn trao 117 triệu đồng quyên góp được qua nhiều hoạt động thiện nguyện với sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm đến tận tay các ngư dân.
Các nhà hảo tâm, các đơn vị có tấm lòng thiện muốn tham gia hoạt động này xin vui lòng liên hệ qua email:[email protected] hoặc hotline 0943 113 999.
Mọi sự ủng hộ ngoài hoạt động bán đấu giá trên xin gửi về: Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.