Vì sao công văn lại viết tắt tên bác sĩ?
Mới đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế Phú Thọ báo cáo lại nội dung và quá trình xử lý vụ việc bác sĩ T.Q.H giẫm chân lên giường bệnh.
Cụ thể, công văn này nhắc đến bài viết "Bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh từ chức và bị kỷ luật".
Nội dung bài báo phản ánh bác sĩ H (Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao) đã bỏ dép, giẫm chân lên giường để thăm khám cho người bệnh.
Sau khi Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao tổ chức họp hội đồng kỷ luật bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, ông T.Q.H đã tự nguyện xin từ chức.
Bác sĩ H cũng chịu hình thức kỷ luật cắt 1 năm không được thưởng bổ sung thu nhập đồng thời kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc trước toàn thể bệnh viện.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị, Bệnh viện Đa Khoa Lâm Thao phải khẩn trương xác minh thông tin nêu trong bài báo, xem xét kỹ tính chất sự việc thấu tình đạt lý.
Ngoài ra, các bên liên quan phải báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế nội dung vụ việc và quá trình xử lý, rút kinh nghiệm của bệnh viện về sự việc trước ngày 3/7/2015.
Ngay sau khi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh vào cuộc, nhiều độc giả đã lên tiếng cho rằng, công văn có nhiều điểm chưa hợp lý.
"Trong văn bản, Cục lại viết tắt tên bác sĩ H. Về thể thức văn bản hành chính là sai. Về cảm quan là tù mù, gây khó cho cấp thực hiện", độc giả Chiến Văn viết trên trang facebook cá nhân.
Cũng theo độc giả này, trước đó, chính Sở Y tế Phú thọ đã có công văn chỉ đạo bệnh viện làm rõ, xử lý vụ việc. Giờ Cục lại yêu cầu Sở chung chung rằng xem xét vụ việc thấu tình đạt lý là rất mơ hồ.
"Chỉ cần yêu cầu báo cáo là đủ. Nếu thấy cần thiết nên cử đoàn cán bộ về trực tiếp xác minh vụ việc.
Về lý là vậy, còn thực tế, bệnh viện đã lập hội đồng kỷ luật hẳn hoi, bác sĩ kia đã tự xin nhận hình thức kỷ luật nặng hơn mức đề xuất, vậy giờ yêu cầu xem xét là xem xét điều gì?
Không cần kỷ luật bác sĩ H? Mời bác sĩ H về vị trí cũ? Kỷ luật cả hội đồng kỷ luật bệnh viện vì đã kỷ luật sai?
Như thế, chẳng phải chỉ làm sự việc rối hơn lên? ", độc giả này nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Hòa Bình (Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội) đặt câu hỏi, công văn trên liệu có phải đang "đua theo dư luận" hay không, khi mà những nội dung đưa ra có phần chung chung và được đưa ra ở thời điểm "sự đã rồi".
Theo độc giả Ngọc Liên, với tình hình dư luận và truyền thông như hiện nay thì công văn này giống như "con dao 2 lưỡi", vừa có lợi nhưng cũng vừa tạo hình ảnh chưa tốt cho ngành.
Nhiều người ủng hộ công văn của Bộ Y tế
Mặc dù có người phân tích như vậy, nhưng theo quan sát của chúng tôi, số ủng hộ công văn của Bộ nhằm xử lý thấu tình đạt lý, đông hơn gấp nhiều lần... số ý kiến phản đối.
Ai cũng muốn có một cái kết khác đối với vị bác sĩ chỉ vì một hành động vô ý mà bị xử lý nặng.
Bạn Thuthuy Nguyen chia sẻ: "Mong Bộ Y tế xử lý sự việc thấu tình đạt lý. Làm sao để những bác sĩ có tâm, có tài yên tâm cống hiến, phục vụ chữa trị cho bệnh nhân, chứ không phải lo đối phó những mưu hèn, kế bẩn của những kẻ tiểu nhân, bất tài".
Theo bạn Minh Đức, có những bác sĩ tính tình cởi mở, suồng sã nhưng tình cảm và tận tâm với bệnh nhân thì dẫu có đặt chân lên giường như thế còn dễ chấp nhận hơn nhiều trường hợp khác.
"Hãy xem xét cụ thể vị bác sĩ này thuộc trường hợp nào để có ứng xử thích hợp chứ chưa hẳn phải kỷ luật để... làm đẹp lòng những ai đó", Minh Đức viết.
Đồng quan điểm, độc giả Lê Vinh bày tỏ mong muốn Bộ Y tế giải quyết lý thấu tình đạt lý sự việc.
Tư đó, để không phải vì một hành động chưa đẹp trong mắt người khác mà làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của một trưởng khoa cũng như những cống hiến của vị bác sĩ này trong công việc.
"Thật may khi Bộ trưởng có tiếng nói kịp thời. Mong Bộ trưởng Bộ Y tế điều tra xử lý để sự việc được công tâm", bạn Dương Phạm viết.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, mức kỷ luật với bác sĩ H thế nào?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
(Tổng hợp)