Với kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, TS miễn dịch học Trần Bắc Hải đã có nhiều cảnh báo và chia sẻ hữu ích về việc ngăn ngừa và ngăn chặn bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam:
Ông đánh giá như thế nào về dịch sởi vừa bùng phát tại Việt Nam? Việc dịch sởi bùng phát có phải do công tác tiêm phòng dịch có vấn đề không? Ông có lời khuyên, khuyến cáo gì để giúp ngành Y tế Việt Nam sớm khống chế được dịch sởi hiện nay?
TS Trần Bắc Hải: Trên thế giới, dịch sởi thường có nguyên nhân do tỷ lệ tiêm chủng trước đó thấp. Năm 1998, sau một bài báo gây nhiều tranh cãi trên tạp chí khoa học danh tiếng “The Lancet” cho rằng có liên quan giữa vacxin MMR với bệnh tự kỷ, tỷ lệ tiêm chủng ở Anh Quốc bị giảm sút. Hậu quả là dịch sởi trở lại với 971 trường hợp được ghi nhận trong năm 2007. Ở nước Mỹ, bệnh sởi được coi là đã bị thanh toán từ năm 2000. Trong những dịch địa phương xuất hiện gần đây ở Indiana (2005), San Diego (2008), New York, North Carolina, Texas (2013), nguyên nhân cuối cùng đều được truy ra là gia đình cố tình từ chối không cho con tiêm chủng (thông thường vì lý do tôn giáo). Ở Bắc Nigeria, tỷ lệ tiêm chủng vốn đã thấp, lại thêm có sự tuyên truyền là vacxin là âm mưu của phương Tây nhằm triệt sản người Hồi giáo. Hệ quả là dịch sởi đầu năm 2005 đã lấy đi mạng sống của ít nhất 500 trẻ.
Về nguyên nhân bùng phát dịch sởi ở Việt Nam tôi không dám bình luận. Có thể là với hệ thống báo cáo, thống kê như hiện nay, với dịch sởi cũng như nhiều thứ bệnh dịch khác trong xã hội, chúng ta sẽ khó truy tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
TS miễn dịch học Trần Bắc Hải - hiện đang sống và làm việc tại Úc.
Ông phân tích cho người dân hiểu do về loại virus sởi cũng như cơ cấu gây bệnh của loại virus này được không ạ?
TS Trần Bắc Hải: Virus sởi được John Endes (giải Nobel 1954 do các nghiên cứu trước đó) và Thomas Peeble phân lập lần đầu tiên năm 1954. Virus lây lan rất mạnh qua đường hô hấp, nếu bạn chưa được tiêm chủng mà lại sống cùng một bệnh nhân sởi thì khả năng nhiễm bệnh của bạn là 9/10. Phần lớn bệnh nhẹ tự khỏi, nhưng có một tỷ lệ biến chứng nguy hiểm qua phổi và não.
Tôi có nghe bác sĩ điều trị sởi giải thích với người nhà bệnh nhân rằng do chủng sởi biến chứng, 40 năm nay chưa từng có nên mới xảy ra nhiều trường hợp trẻ tử vong như hiện nay. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này? Sởi có phải là bệnh dễ gây tử vong không?
TS Trần Bắc Hải: Bệnh sởi ở trẻ có dinh dưỡng đầy đủ, không bị mắc chúng suy giảm miễn dịch (AIDS) và trong điều kiện được săn sóc y tế hiệu quả thì tỷ lệ tử vong rất thấp. Chẳng hạn ở Úc tỷ lệ này là dưới 1/1000. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này có thể lên tới 28%; nguyên nhân của sự khác biệt này là bệnh suy dinh dưỡng và hệ thống y tế yếu kém.
Về tử vong do dịch sởi hiện nay ở Việt Nam, có thể vì năm nay chứng kiến con số tử vong cao mà có người suy diễn rằng nguyên nhân là do một chủng mới có độc lực mạnh hơn. Tuy nhiên tổng số mắc bệnh là bao nhiêu thì vẫn chưa có con số thống kê chính thức, do vậy chúng ta chưa thể kết luận tỷ lệ gây ra biến chứng là bao nhiêu, tỷ lệ tử vong là bao nhiêu, chủng mới có độc lực cao hơn trước hay không? Là người làm nghề nghiên cứu y học, tôi nghĩ rằng ngành y của chúng ta còn nợ xã hội một (hoặc nhiều) công trình khoa học, khách quan về câu hỏi này. Những công trình có ý nghĩa thiết thực cho xã hội như vậy chắc chắn cũng được giới khoa học quốc tế quan tâm.
Những trẻ bị bệnh sởi sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sau này thưa ông?
TS Trần Bắc Hải: Bệnh sởi nếu không có biến chứng thì qua đi không để lại di chứng gì, hay chính xác hơn là để lại cho trẻ khả năng miễn nhiễm bệnh sởi trong tương lai. Ngày xửa ngày xưa khi chưa có vacxin phòng sởi, hầu như trẻ nào cũng bị nhiễm sởi trong tuổi đầu tiên sau khi cai sữa mẹ. Số sống sót thì khi lớn lên đều miễn nhiễm với sởi.
Tại Úc, cứ khoảng 1000 trường hợp bị sởi mới có 1 trường hợp biến chứng não, và khoảng 10 trường hợp biến chứng não thì có 1 trường hợp nhiều năm sau mới phát triển một chứng bệnh rất hiếm, gọi là bệnh viêm xơ toàn não bán cấp (SSPE). Bệnh này hiện nay chưa có cách chữa.
Theo ông, môi trường không vô trùng, không đủ an toàn ở bệnh viện Việt Nam có phải là nhân tố chính tác động lên bệnh nhi khiến các em mắc phải dịch sởi hay không? Những môi trường dễ lây lan sởi nhất là gì? Trẻ như thế nào thì dễ mắc sởi nhất?
TS Trần Bắc Hải: Môi trường tự nhiên thì không thể vô trùng. Ở các bệnh viện thì cũng vậy thôi. Trong hoàn cảnh hiện tại của nước mình thì đừng đổ lỗi đầu tiên cho bệnh viện mà hãy tự cứu con mình. Trong mùa dịch thì nên cân nhắc kỹ có nên đưa con đến ngay tuyến trung ương hay chưa vì ở đó đã quá tải, có khi con mình chưa được chữa chạy thì đã nhiễm thêm bệnh mới. Bệnh viện, nhà trẻ, trường học... là những môi trường dễ lây lan dịch nhất.
Trẻ chưa đươc tiêm chủng thì dễ mắc sởi nhất. Với trẻ trước tuổi tiêm chủng (ở ta quy định là 9 tháng tuổi), sữa mẹ là nguồn kháng thể giúp trẻ phòng bệnh sởi (trừ khi mẹ không có miễn dịch). Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chống thiếu vitamin A (có nhiều trong khoai lang, cà rốt, bí đỏ, các loại rau lá xanh như súp lơ xanh, dầu cá, trứng...) cũng tăng đề kháng với các biến chứng do sởi.