Bà ngoại 78 tuổi của sát thủ Lê Văn Luyện: Tôi chỉ có một ước mơ

H.Đan - N.Huệ |

(Soha.vn) - "Mẹ nào mẹ chẳng thương con, thương cháu nhưng giờ có thương thì tôi cũng chẳng biết làm gì cả...", bà ngoại Lê Văn Luyện nói trong sự nghẹn ngào.

  Tuyến bài đặc biệt: NHỮNG SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN SAU THẢM ÁN

LTS: Vụ thảm sát kinh hoàng tiệm vàng Ngọc Bích chấn động dư luận của sát thủ Lê Văn Luyện đã trôi qua được hơn hai năm. Cái tên của Luyện đã dần dần lùi xa mặt báo, nhưng với những người thân của hung thủ và nạn nhân thì nỗi ám ảnh, sự đau đớn tột cùng mà họ phải gánh chịu, chưa bao giờ nguôi ngoai.

Họ đã sống vật vã, ám ảnh ra sao trong suốt hai năm qua? Mời Quý độc giả lần lượt đón đọc tuyến bài công phu của nhóm phóng viên báo điện tử Trí thức trẻ: NHỮNG SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN SAU THẢM ÁN.

Bài 1: Tận mắt "ngôi nhà hoang phế" của sát thủ Lê Văn Luyện

Bài 2: Hình ảnh mới nhất trong "ngôi nhà hoang" của Lê Văn Luyện

Bài 3: Tìm đến nơi "ở ẩn" đặc biệt của người mẹ sát thủ Lê Văn Luyện

Bài 4: Cậu ruột Lê Văn Luyện: Gia đình chị tôi tan nát hết rồi

Đã hơn 2 năm từ khi Lê Văn Luyện gây ra tội ác tày đình cũng là từng ấy thời gian mà nỗi đau, sự tủi hổ đè nặng lên vai những người thân, gia đình của hắn.

Cũng chỉ vì suy nghĩ nhiều, lo sợ trả thù nên từ một người phụ nữ tháo vát, khỏe mạnh, bà Trương Thị Thơm (mẹ Lê Văn Luyện - PV) đã bị bệnh thần kinh và phải bỏ nhà đi ở nhờ nơi khác.

Giờ đây, người phụ nữ gặp bất hạnh quá lớn trong cuộc đời này còn không dám gặp người lạ và chỉ biết lao vào đi làm thuê, kiếm tiền nuôi con nhỏ ăn học...

Nỗi đau đớn mà bà Thơm phải chịu đựng, có lẽ, người thấu hiểu rõ hơn ai hết chính là mẹ đẻ của bà, người đã luôn ở bên đứa con gái tội nghiệp của mình trong những lúc khó khăn nhất.

Khi chúng tôi trở lại ngôi nhà của cậu ruột Lê Văn Luyện là anh Trương Văn Thắng, cụ Nguyễn Thị Khánh (mẹ đẻ bà Thơm, ông Thắng - PV) đang chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Thấy khách lạ vào nhà, người mẹ già đã ở cái tuổi 78 vội vàng dừng việc bước từ dưới bếp sau nhà lên tiếp chúng tôi.

Bà Nguyễn Thị Khánh, bà ngoại của Lê Văn Luyện.

Cụ Nguyễn Thị Khánh, bà ngoại của Lê Văn Luyện.

Biết chúng tôi có mong muốn được thăm hỏi và tặng quà bà Thơm, cụ Khánh thoáng có chút buồn nhưng rồi cũng không ngần ngại trả lời: "Các bác về tìm cô Thơm nhưng cô ấy đi làm thuê cho người ta mấy hôm nay rồi đã thấy về đâu. Mà làm ở đâu thì tôi cũng chẳng biết vì cô ấy đi cũng không dặn gì cả..".

Khi nhắc đến hoàn cảnh của người con gái tội nghiệp, khuôn mặt cụ Khánh toát rõ vẻ khắc khổ, mệt mỏi, liên tục nhìn xa xăm ra phía ngoài cửa và giọng nói chùng xuống như sắp khóc:

"Vợ chồng tôi sinh được 9 người con, cô Thơm là con gái thứ 3. Vợ chồng cô ấy lấy nhau rồi chăm chỉ làm ăn, kinh tế cũng khá nhưng chỉ vì thằng Luyện gây nên tội tày đình mà cả nhà thành ra cơ sự như thế...

Sau khi sự việc xảy ra, cô Thơm suy sụp, lo lắng đến phát bệnh và cũng vì sợ nên không dám ở một mình trong ngôi nhà của gia đình mà về đây ở với tôi và em trai. Tuy vậy, cô ấy ở cũng không thường xuyên, nay chỗ này, mai chỗ khác, tôi cũng không nắm được.

Giờ cơ sự như thế thì phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta để kiếm tiền mà nuôi con chứ chẳng còn biết làm thế nào bây giờ.

Nhưng mọi thứ giờ đều đắt đỏ mà công sá thì thấp, không liên tục nên cũng chỉ đủ tiền đóng học cho con. Người con trai của tôi ở đây làm nhôm kính cũng chỉ đủ thuốc thang cho bệnh cho tôi chứ không giúp chị gái được gì thêm cả.

Con dại thì cái phải mang, đau đớn, xót xa cho cháu lắm... Còn mẹ nào mẹ chẳng thương con, thương cháu nhưng giờ có thương thì tôi cũng chẳng biết làm gì cả, cơ sự nó đã như thế rồi...", người mẹ già chia sẻ.

Hơn hai năm qua, ngôi nhà khang trang của gia đình Lê Văn Luyện đã bị bỏ hoang vắng.

Hơn hai năm qua, ngôi nhà khang trang của gia đình Lê Văn Luyện đã bị bỏ hoang.

Cũng theo lời cụ Khánh, hiện con trai thứ hai của bà Thơm đi làm ở đâu thì gia đình cũng không rõ, còn đứa em út đang học mẫu giáo trong làng.

Đứa út cũng quấy và hay đòi theo mẹ lắm nên mẹ nó (bà Thơm - PV) cứ phải gửi ông bà nội rồi gửi tôi hoặc cậu nó trông cho sau khi tan lớp để đi làm kiếm tiền chứ không thì chả làm gì được...", cụ Khánh giãi bày.

Ngậm ngùi trước hoàn cảnh của con nhưng cụ Khánh cũng vơi bớt phần nào nỗi lòng khi hàng xóm, làng giềng hiểu và thông cảm với con gái mình.

"Người ta cũng hiểu và thông cảm nên cũng không ai nói gì cả và giờ có việc làm thuê ở đâu là mấy người trong làng vẫn sang rủ Thơm đi làm cùng để có thêm thu nhập và khuây khỏa đi...", cụ Khánh tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi về mong ước lớn nhất của cụ bây giờ thì người mẹ già trầm ngâm một lúc rồi đáp: "Tôi cũng như ông bà Ngà, Nhủng (bố mẹ chồng bà Thơm - PV) đều đã già hết cả rồi, sống cũng chẳng được bao lâu nữa nên tôi chỉ có một ước mong là sao cho mọi người trở lại bình thường để con cháu đỡ khổ hơn và cũng mong mẹ con nó được bình yên, làm lụng nuôi nhau ...".

Bóng tối đã dần bao trùm nơi xóm nhỏ, ánh sáng leo lét của chiếc đèn điện phía dưới nhà hắt lên khuôn mặt người mẹ già càng làm khuôn mặt ấy thêm khắc khổ.

Lỗi lầm riêng của một con người có thể đập nát vụn uy tín, tiền bạc, danh dự, nhân phẩm của cả đại gia đình, họ mạc. Nếu mỗi người đều lường trước được hậu quả này, chắc chắn nhiều thảm án sẽ không xảy ra...

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại