Đã quá nửa đêm, dòng người qua lại trên đường đã thưa thớt, những hàng quán đã tắt đèn, đóng cửa. Phía ngoài nhiều tầng cửa kiên cố là "nhà" của những người vô gia cư. "Nhà" của họ là vỉa hè, góc đường, nhà ga, bến xe hay ghế đá công viên…
Hơn 12h đêm, sương bắt đầu xuống, từng cơn gió rét giá buốt thổi qua, những mảnh chăn cũ, rách, mỏng, tấm áo mưa đắp phía trên người họ không thể chống lại thời tiết giá buốt dưới 10 độ C.
Thấy bà Phương đang loay hoay cất chiếc chăn mỏng vào túi ni lông trên vỉa hè ở ngã tư Lê Duẩn (đối diện ga Hà Nội), tôi gặng hỏi, bà tâm sự rằng, ở cái tuổi gần 70 tuổi bà vẫn phải lên Hà Nội mưu sinh. Bà sống bằng nghề lượm nhặt chai lọ, giấy vụn...
Mảnh đất Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội gần 10 năm nay đã không còn giữ được chân bà. Bà lên thành phố kiếm sống hết nghề này nghề khác, từ buôn bán rau cỏ ở chợ ngõ Văn Chương (Khâm Thiên, Hà Nội) cho đến nhặt đồ đồng nát để thêm dăm ba chục.
“Cách đây 6 -7 năm thuê nhà có 200 nghìn/ phòng, tôi ở cùng mấy người cùng quê người bán nước, người đi chợ, người rao mua giấy vụn. Thuê nhà giờ đắt lắm, hơn triệu một phòng, tôi làm gì có tiền thuê. Ngày đi nhặt chai lọ, tối nằm ngủ tạm ở vỉa hè ga Hà Nội”, bà Phương nói.
Chia sẻ về cuộc sống nay đây mai đó, có quê nhưng vẫn lên thành phố mưu sinh, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, bà Phương thật thà bộc bạch: “Con cái cũng không cho đi, nhưng chúng khó khăn, chỉ cho mình được phần nào thôi. Ông trời ban cho mình sức khỏe, còn đi lại được thì lên đây kiếm vài chục nghìn để tiêu vặt. Chứ chúng nó cũng chẳng có tiền lại còn nuôi con cái ăn học”.
Bà Phương có 5 người con, trong đó có 4 trai, 1 gái đều đang làm ruộng, buôn bán ở quê. Ở tuổi này bà vẫn đi bộ hàng ngày dọc con phố để nhặt nhạnh kiếm sống, tối ngủ vỉa hè dù trời nóng bức hay rét mướt.
Bà cho rằng, làm ruộng ở quê chẳng ăn thua, buôn bán rau cỏ cũng ế ẩm nên bà Phương phải quẩy đôi quang gánh lên thành phố… để có vài chục một ngày.
Bà bật mí rằng, để kiếm được nhiều, bà phải tranh thủ đi vào lúc xế chiều từ 16h đến 21h và từ 12h đêm đến 6h sáng. Hôm nào may mắn, bà kiếm được đầy tải phế liệu.
“6h sáng đem bán ở đại lý thu mua trên đường Lê Duẩn với giá 5 – 6 nghìn đồng/ kilogam. Ngày nào nhặt được nhiều kiếm hơn 100 nghìn đồng. Trung bình chỉ được 2- 3 chục nghìn/ngày, chỉ đủ ăn qua loa 3 bữa”, bà Phương tâm sự.
Nhắc đến Tết, bà Phương kể ngày 23 này Tết ông Công ông Táo, bà về quê để trông nhà cho con cái bán đào quất.
Nói đến đây, bà chào chúng tôi rồi lại lục đục gập chăn, mặc áo lao động, bịt khẩu trang, chuẩn bị quang gánh để lên đường thu lượm chai lọ, bìa giấy cho kịp trời sáng.
Chúng tôi nhìn sang góc đường bên cạnh, một cụ già ngồi trầm ngâm thu mình, lặng lẽ nhìn xa xăm phía ánh đèn đường lúc nửa đêm.
Bà cụ năm nay đã hơn 80 tuổi, mái tóc bà đã bạc trắng, người bà khẽ run lên.
Trò chuyện với chúng tôi, bà cho biết, quê ở Lào Cai nhưng không có nhà cửa nên đã 3 năm nay bà lấy vỉa hè này làm nhà. Ban ngày bà đi bộ dọc tuyến đường để nhặt chai lọ, giấy vụn ngoài lề đường để bán lấy tiền qua ngày.
Khi chúng tôi nhắc đến con cái, bà lặng đi không nói gì rồi buông tiếng thở dài: “Chúng nó đuổi tôi đi rồi, làm gì có nhà mà về”. Sau đó, bà lắc đầu tỏ vẻ không muốn nhắc lại chuyện quá khứ buồn.
Bà cụ kể rằng, từ lúc xuống Hà Nội mưu sinh, lúc ốm đau cũng tự lo được, đau ở đâu thì tự đi bệnh viện. Tôi hỏi tại sao bà không xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội để có người chăm sóc, có mái ấm lui ra lui vào lúc tuổi già, bà cương quyết nói: “Tôi còn chân, còn tay, còn sức khỏe đi lại, để được kiếm vài đồng bạc hàng ngày thì việc gì tôi phải vào đó sống. Còn sống ở vỉa hè ngày nào hay ngày đó, đến lúc nào không đủ sức thì thôi”.