Bà bế cháu ruột đi cho người khác: "Anh ơi, sao có người lại khổ thế này?"

Minh Ngọc |

(Soha.vn) - “Có cách nào giúp em thêm hy vọng nữa không hả anh?!”. Trên giường bệnh, chị Thơm nằm bất động, hai chân co quắp, chụm hai tay lại, khuôn mặt trắng bạch.

Người phụ nữ bạc mệnh

Được biết chị Vũ Thị Hồng Thơm - mẹ cháu bé 28 tháng tuổi bị bế đi cho, đang mắc bệnh nặng, điều trị tại Khoa nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa Ninh Bình, chúng tôi tìm đến để động viên thăm hỏi. 

Lời kêu cứu nghẹn ngào của người mẹ không thể nuôi con nhỏ
"Ước gì cánh tay của em cử động được để bế con.." chị Thơm có mong ước nho nhoi.

Chị Thơm chia sẻ với chúng tôi: Năm 2005, chị lấy chồng là anh Đinh Văn Phương (Sn 1984). Cuộc sống vợ chồng tuy không khá giả nhưng cả 2 đều rất mực yêu thương và đã có với nhau 2 mặt con, đứa con gái đầu lòng năm nay đã lên 7, còn đứa con út cũng đã được 28 tháng tuổi.

Để kiếm tiền vun vén cho cuộc sống gia đình, ngoài hai mùa gặt, thì vợ chồng anh chị còn làm thêm nghề phụ hồ, có lúc chồng chị phải đi làm xa. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã ập lên đầu chị khi người chồng - người trụ cột của gia đình mắc bệnh thận. Số tiền ít ỏi kiếm được đều mang đi lo thuốc thang chữa trị cho chồng.

Cầm cự chẳng được bao lâu, chồng chị đã ra đi khi đứa con thứ 2 - bé Ngọc Trâm chưa đầy 1 tuổi. Nỗi đau mất chồng còn chưa kịp nguôi ngoai, chị Thơm lại thêm 1 lần đau đớn khi nhận kết quả khám sức khỏe - chị mắc căn bệnh "Luput ban đỏ" quái ác. Sức khỏe chị ngày một yếu dần, cách duy nhất để duy trì sự sống là phải thường xuyên tới bệnh viện điêu trị. Cũng chính vì căn bệnh này mà gia đình nội ngoại 2 bên đã suy kiệt kinh tế.

“Có lẽ hiện tại em không thể nói được gì nhiều đâu anh ạ, con em chính là hy vọng sống nhỏ nhoi của em. được nhìn thấy con, được ở bên cạnh con, thiếu nó là buồn, nhưng nếu phải cho con em đi làm con nuôi, thì em có cơ hội được nhận lại không? Em chỉ muốn nếu cho con đi làm con nuôi thì hai mẹ con vẫn thường xuyên được gặp nhau.” Chị Thơm nhìn đứa con bên cạnh, buồn bã hỏi chúng tôi những câu lấp lửng.

Chị Thơm co quắp chân tay và gắng gượng nói thêm vài câu: "Nay mai, em chỉ hy vọng giơ được cánh tay lên để bế bé một tí thôi cũng được, em chỉ mong các con em được hạnh phúc , được ăn học như các đứa trẻ khác, nhà em bây giờ chẳng còn thứ gì để bán, bệnh của em chắc không thể khỏi…”

Bi đát vì căn bệnh hiểm nghèo

Chị Thơm gắn bó với chiếc giường bệnh nhiều hơn cả những năm tháng ở nhà chồng, bệnh viện giống như nơi ở thứ 2 của chị. Tất cả những ai cùng phòng bệnh với chị Thơm cũng đều xót xa và cám cảnh trước số phận của người phụ nữ trẻ. 

Căn bệnh Lupud ban đỏ sẽ bủa vây chị Thơm đến khi nào?
Căn bệnh Lupud ban đỏ sẽ bủa vây chị Thơm đến khi nào?

"Anh ơi, sao có người lại khổ thế này, chúng tôi khổ còn có chỗ để tựa, còn Thơm thì chồng mất, bố đẻ lại mới mất, chỉ có hai bà mẹ cứ thay nhau vào chăm sóc. Thơm không ăn uống được nhiều, các bác sỹ cũng thường xuyên chăm sóc, động viên, mà có ăn thì cũng chẳng mấy thứ tươm tất, nhà có tiền đâu mà ăn, chẳng biết bệnh tình thế nào, nhưng chúng tôi biết căn bệnh này rất nguy hiểm, nhà Thơm chắc chẳng còn gì ngoài những bộ quần áo cũ” – Bà Minh một bệnh nhân cùng phòng với chị thơm kể.

Khi được hỏi về chuyện chị Thơm có đứa con gái 28 tháng tuổi, bà ngoại của cháu đang muốn tìm người để cho đi làm con nuôi, nhiều người tỏ ra xót xa và cảm thông.

“Bà mẹ của Thơm cũng tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi có khuyên để đứa bé lại nuôi, nhưng xét cho cùng thì nhà này cũng không còn thứ gì đáng giá đồng tiền, có gửi hàng xóm thì cũng nay đây mai đó, nuôi thì còn được, nhưng sau này ai cho tiền đi học, ai dạy bảo…” bà Minh tâm sự.

Theo bác sỹ điều trị cho biết, chị Vũ Thị Hồng Thơm bị căn bệnh Lupud ban đỏ hệ thống - là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. 

Chị Thơm trước đây đã 3 lần ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị, sau đó về nằm tại Khoa nội tổng hợp. Cũng tại bệnh viện này, cách đây hơn 1 năm chồng của chị Thơm đã mất vì bệnh thận. Các bác sỹ ở đây đều biết rõ về hoàn cảnh nên thường xuyên theo dõi động viên chị Thơm.

Mọi đóng góp, chia sẻ độc giả vui lòng gửi vào địa chỉ email: [email protected] hoặc [email protected]

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại