Đam mê đồ cổ từ lần kiếm đồ sửa xe
Đến chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hỏi về anh Lý Thanh Hiệp (32 tuổi) chuyên sửa sọt thì những tiểu thương nơi đây ai cũng biết. Họ không chỉ biết vì anh làm nghề sửa sọt hơn 10 năm nay mà họ còn biết bởi thú đam mê khác người của anh. Công việc sửa sọt mỗi ngày anh kiếm được từ 250.000đ - 300.000đ, số tiền này cũng chỉ đủ lo cho gia đình. Nhưng anh lại có sở thích chơi, sưu tầm đồ cổ nên nhiều tiểu thương ở chợ Hóc Môn cạnh khóe anh Hiệp như “Con nhà lính nhưng lại đam mê thú vui nhà quan” hay như “anh thợ sửa sọt mê thú chơi của đại gia”.
Tuy công việc sửa sọt có vất vả nhưng anh Hiệp chỉ làm đầu đầu giờ chiều là nghỉ, thời gian còn lại anh làm phụ tại tiệm sửa xe. Đến khi hết giờ làm việc anh Hiệp chưa về nhà ngay mà lang thang đến chợ đồ cũ, vựa ve chai để tìm kiếm những món đồ quý mà gia chủ của nó đã vô tình bỏ đi.
Nghề sửa sọt, làm thêm thu nhập chẳng được là bao nhưng anh Hiệp luôn dành dụm để đưa vợ lo cho gia đình và nuôi 2 con ăn học, ngoài ra anh thợ sọt cũng để cho mình một khoản tiền để thỏa đam mê với thú vui sưu tầm đồ cũ.
Căn nhà nhỏ của anh Hiệp nằm trên đường Dương Công Khi (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) chỉ rộng khoảng 50m2 nhưng được trưng bày nhiều món đồ cổ. Từ chiếc tủ thờ, bộ cồng chiêng có niên đại vài chục năm đến những bộ ấm chén, cây đèn, trống đồng, lư hương có niên đại hàng trăm năm.
Nói về thú sưu tầm đồ cổ, anh chàng thợ sửa sọt Thanh Hiệp cho biết: “Cách đây 4 năm tôi mua lại chiếc xe máy Susuki cũ xuất xứ từ những năm 60 mang về tân trang để xài. Quá trình tu sửa lại, chiếc xe thiếu bộ phận ghi đông nên tôi tìm đến các vựa ve chai, khu đồ cũ để mua thì nhìn thấy những món đồ là lạ. Tôi tìm hiểu thì được biết món đồ này có nguồn gốc lâu năm lắm rồi nhưng do chủ nhân không biết nên bán cho “ve chai”. Từ đó tôi bắt đầu bỏ tiền mua lại những món đồ xưa cũ, đồ cổ và thú sưu tầm đồ cổ cũng bén dần trong tôi”.
Chi trăm triệu cho đam mê
Góp nhặt từng món đồ từ chiếc thìa ăn mạ vàng, chiếc dĩa bằng bạc, cây đèn có xuất xứ từ nước Anh rồi bộ ấm chén uống chà xuất xứ từ Nhật cho đến lư hương, bát xông trầm...Hiện nay anh Hiệp đã sở hữu trong tay khoảng 2000 món đồ cổ. Căn nhà của anh bày kín đồ với các chủng loại làm từ chất liệu bằng đá, đồng, bạc, sứ, bằng gỗ, giấy... Cổ vật từ nhiều nước có niên đại từ vài chục năm đến hàng trăm năm tuổi.
Anh Hiệp tận dụng mọi khoảng trống trong căn nhà từ cửa vào, lối đi để trưng bày. Những món đồ cổ niên đại từ thời Trần, Lê thuộc vào loại cổ vật hiếm hiện nay như chân đèn bằng đồng thời Trần hoặc chiếc dao đồng từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn và những sản phẩm gốm Chu Đậu...được anh bảo vệ cẩn thận trong chiếc tủ kính.
Hơn 4 năm chơi và sưu tầm đồ cổ, hiện tại anh Hiệp đã có hàng nghìn món đồ nhưng mỗi món lại gắn với anh một kỷ niệm khác nhau. Anh Hiệp kể về quá trình sưu tầm bộ tủ thờ có niên đại gần 100 năm, “lúc đó, anh vô tình biết được một gia đình đang bán các vật dụng trong nhà để qua nước ngoài định cư nên tìm đến mua. Họ kêu bán chiếc tủ và bộ đồ thờ nhưng đã có người đặt trước rồi. Nhìn kỹ thì tôi biết bộ đồ thờ bằng đồng có từ thời Vua Tự Đức nên năn nỉ và nói rõ mua về chơi chứ không bán nhưng họ vẫn không đồng ý. Ngày hôm sau tôi lại đến nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu. Tôi đến nhà họ gần một tuần, thấy mình nhiệt tình và chân thật cuối cùng họ cũng gật đầu để lại”.
Hay bộ bình cắm bông màu trắng được khắc tinh xảo cũng vậy, “người sở hữu cặp bình này cũng là dân chơi đồ cổ, họ quý lắm. Họ có ý bán nhưng lại muốn tìm nơi tin tưởng để gửi gắm, biết vậy tôi cũng hay đến chơi và nói chuyện với họ. Gần 1 tháng trôi qua biết tôi mua về để chơi nên họ đồng ý bán và bán với giá gần như cho không. Họ bán nhưng qua đó cũng nhờ mình giữ gìn cẩn thận cặp bình này”.
Anh Hiệp tự nhận mình là người ít hiểu biết nên cũng gặp nhiều khó khăn khi sưu tầm và chọn đồ, có nhiều món đồ anh không hiểu được ý nghĩa, xuất xứ…Tuy nhiên anh biết được với những món đồ cũ, đồ cổ này đều chứa đựng trong nó giá trị về vật chất, giá trị văn hóa.
Cặp bình quý anh Hiệp phải rất khó khăn mới mua được
Số tiền anh bỏ ra để sở hữu 2000 món đồ cổ cũng phải lên đến hàng trăm triệu. Tuy nhiên với anh Hiệp đây là những món đồ “vô giá” anh không có ý định bán bất cứ món nào và coi sưu tầm chỉ để thỏa niềm đam mê của mình.
“Mỗi khi cảm thấy mệt nhọc, hay buồn phiền chuyện gì thì tôi lại ngồi ngắm và tự nhiên thấy lòng thanh thản hẳn, mọi buồn phiền đều tan biến, có lẽ chỉ có những người có thú chơi lâu mới cảm nhận được điều đó”. Anh Hiệp nói.