Cần có hợp đồng cần mẫn, hảo ý
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Dân sự, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) đưa ra đề nghị, trong Luật Dân sự cần phải có một hợp đồng được coi là hợp đồng cần mẫn.
Theo ông Thuyền, thực tế, giáo viên dạy học, bác sỹ chữa bệnh, luật sư cãi cho mọi người chỉ làm hết sức mình còn được hay không được thì cũng phải trả tiền.
"Trong thực tiễn có trường hợp, bác sỹ chữa bệnh đã hết sức nhưng người bệnh chết nên không trả tiền hay giáo viên dạy học hết sức nhưng con không lên lớp, không đỗ tốt nghiệp, đại học, do đó, bố mẹ không trả tiền.
Hoặc luật sư cãi nhưng không thắng nên không trả tiền. Vì thế, tôi cho rằng, cần phải có một hợp đồng cần mẫn để đảm bảo tôi chỉ làm hết trách nhiệm của mình còn được hay không cũng phải trả tiền", ông Thuyền nói.
Cùng với đó, ông Thuyền cũng cho rằng, cũng cần có thêm một loại hợp đồng nữa là hợp đồng hảo ý.
"Ở đây, chẳng hạn, tôi gửi nhờ xe, anh không lấy tiền nhưng chẳng may mất cắp cả xe tôi và anh, sau đó, tôi kiện anh phải bồi thường. Hoặc tôi đang đi đường có cháu nhỏ xin đi nhờ, tôi cho đi nhưng không may sau bị tai nạn, cháu qua đời, gia đình cháu kiện.
Vì thế, tôi đề nghị cần phải có một hợp đồng là hợp đồng hảo ý, làm giúp hết sức mình để nêu rõ vấn đề này", ông Thuyền nói thêm.
Vị này cũng cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh ở Điều 1 và Điều 2 là công nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền dân sự.
"Ở đây, chúng ta phải phân biệt được giữa chủ thể quan hệ và chủ thể hưởng quyền. Do đó, trong điều này, tôi cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Không chỉ điều chỉnh về cá nhân và pháp nhân mà phải sửa thêm là chủ thể quan hệ khác để đầy đủ, chặt chẽ hơn", ông Thuyền chia sẻ.
Liên quan đến việc bảo vệ quyền dân sự, ông Thuyền thông tin, trước khi đi họp Quốc hội, ông đã họp cử tri của ba ngành là công an, kiểm sát và tòa án.
"Có người nêu ra tình huống, anh này nhìn vợ tôi đắm đuối quá, bây giờ tôi kiện ra tòa đòi bồi thường mấy triệu, liệu tòa có xử không?
Có người nói là không xử, bởi vì không có luật nào quy định nhìn cả. Có người nói rằng, nếu không xử, tòa trả lại đơn, ông này ghen quá đâm ông kia chết, xảy ra hậu quả hết sức lớn.
Nếu chúng ta thụ lý, đưa ra xử thì phân tích có lý, có tình, nói rõ không có quy định nhìn và không gây thiệt hại gì mà phải bồi thường, đồng thời, giáo dục cho ông bị kiện là họ đã thành vợ chồng rồi, không thể chia sẻ.
Thông qua phiên tòa đó, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề dân sự và góp phần ổn định xã hội tốt hơn.
Ngành tòa án cũng đề nghị là có tranh chấp về dân sự thì việc gì cũng giải quyết, còn việc dân sự thì cần phải xem xét, nghiên cứu", ông Thuyền nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho hay, về quy định bảo vệ quyền dân sự ở các Điều 2, 5, 6, 14, ông đồng ý về việc:
"Cần quy định bảo vệ quyền dân sự, thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Việc quy định cho phép áp dụng tập quán tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ Luật Dân sự là cần thiết. Điều này đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân và phù hợp với thông lệ quốc tế".
Liên quan đến quy định áp dụng tập quán tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ Luật Dân sự, Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, điều này là cần thiết.
"Đối với Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, thực tế Bộ Luật Dân sự hiện hành đã quy định và tổ chức thực hiện không có khó khăn gì, điều này cũng phù hợp với thông lệ quôc tế, do đó quy định như dự thảo bộ luật là phù hợp", ông Út nói.
Cần công nhận chuyển đổi giới tính
Đối với việc chuyển đổi giới tính, ông Thuyền cho biết, đã gặp 3 người là doanh nhân, bác sỹ và ca sỹ.
"Họ nói với tôi, trông họ có bình thường không thì đúng là rất bình thường. Người doanh nhân nói là giải quyết được 100 lao động, một năm đóng thuế 2 tỷ đồng nhưng lại bị phân biệt đối xử.
Người bác sỹ nói là chữa bệnh cho nhiều người, được tặng huân chương nhưng vẫn bị phân biệt. Còn người ca sỹ hát hay, nhiều người khen, nhưng không được công nhận chuyển đổi giới tính.
Theo tôi nghĩ, ở đây nên công nhận người chuyển đổi giới tính còn ở đây quy định thế này sẽ dễ dẫn đến việc làm chui", ông Thuyền nhấn mạnh.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng bày tỏ, ông hoàn toàn đồng tình với tiếp thu và xử lý ở đây tách ra làm 2 điều: Điều 36 quy định về xác định giới tính và Điều 37 quy định về chuyển đổi giới tính.
"Quy định như này là phù hợp, bảo đảm tính nhân văn và phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam chúng ta đã tham gia", ông Thảo nói.
Còn đại biểu Huỳnh Thành chia sẻ thêm, chúng ta hạnh phúc khi được sinh ra là con người bình thường về giới tính. Do đó, cũng phải thông cảm và quan tâm đến những người không bình thường về giới tính.
"Vì vậy, tôi đề nghị pháp luật sớm quy định cụ thể, thấu tình đạt lý về vấn đề này. Trước mắt, tôi đồng ý với dự thảo là việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Cá nhân để chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và các luật khác có liên quan", ông Thành nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu và tiếp tục giao cho cơ quan soạn thảo chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua.
Đồng thời, sẽ có phiếu lấy ý kiến gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để xin ý kiến.