Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, chuyện ông bay vào vũ trụ là “đi ké” nhà du hành vũ trụ Gorbatko, hay chuyện ông mang bèo hoa dâu lên vũ trụ vì thiên vị quê hương Thái Bình, thực chất chỉ là những câu chuyện tiếu lâm.
Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, từ lâu ông đã nghe những chuyện tiếu lâm như vậy, nhưng mỗi lần nghe xong ông chỉ cười xòa!
Hai kỉ lục không bao giờ bị phá
Ra đi để học làm thợ máy nhưng khi về nước, ông đã là một phi công được đào tạo cơ bản. Ông cũng từng tâm sự “thi trượt làm thợ nên mới làm phi công”, vì sao lại có chuyện như vậy?
Ngay cả khi chưa về hưu, nhiều người hay nói với tôi, là phi công vũ trụ thì phải khỏe lắm, nhưng họ không biết lai lịch của tôi.
Trước đó, tôi đi khám tuyển phi công hai lần đều bị trượt vì bác sỹ cho rằng mắt tôi không đảm bảo, lúc thì bảo bị bệnh tim, vì thế tôi đi học thợ máy.
Đến lúc nhiều phi công trượt không bay được, người ta lại tuyển từ thợ máy lên, lúc này là người Nga trực tiếp tuyển tôi, chứ nếu để bác sỹ Việt Nam tuyển có khi tôi vẫn trượt, vì bác sỹ Việt Nam tuyển chặt hơn.
Khi trúng tuyển bay vũ trụ cũng như vậy. Tôi cũng không phải là người được tuyển từ đầu, mà theo kế hoạch, yêu cầu bốn người, nhưng chỉ tuyển được ba người, thiếu một nên lại được tuyển. Có lẽ tôi có duyên với người Nga!
Nhưng ở đây có thể lý do là ngày trước tôi ở quê, là thanh niên nông thôn không được rèn luyện, thiếu dinh dưỡng nên không có được thể lực tốt.
Có thể, khi tôi sang Nga được rèn luyện, chế độ ăn uống tốt nên sức khỏe dần nâng lên, đó cũng là yếu tố giúp tôi trúng tuyển. Bên cạnh đó, cũng có cả yếu tố may mắn nữa.
Được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND sau khi bắn hạ B52, ông từng chia sẻ, chiến công của ông có 80% là may mắn. Nhưng phải chăng may mắn ở đây là có thời cơ và phải biết chớp thời cơ đó thì mới làm nên chuyện?
Trong tất cả mọi thứ, đặc biệt là trong chiến đấu phần nào đó có may mắn, nhưng không phải ai may mắn cũng tận dụng được thời cơ. Nếu nói dân dã là may mắn, nhưng nói một cách khoa học đó là thời cơ.
Cũng thời cơ như vậy, con người có bản lĩnh tốt sẽ chớp được thời cơ và làm nên chuyện, chứ không phải có thời cơ thì mọi người đều làm được như nhau.
Vì trong chiến đấu, địch vào áp sát ta, chỉ một vài giây nếu ta không chớp thời cơ thì không thể bắn hạ được máy bay địch.
Muốn chớp được thời cơ thì ta phải có ý chí, có trình độ nghĩa là ta phải có bản bản lĩnh, chứ không phải ai cũng như ai được, và đó mới chính là may mắn.
Được biết, ông đã chuẩn bị bốn cuốn sách để khi bay vào vũ trụ có cái để đọc và nhớ về Tổ quốc. Ông có thể cho biết, đó là những cuốn sách gì?
Không phải là bốn cuốn sách, mà khi đi tôi mang theo bản Tuyên ngôn Độc lập, bản Di chúc của Bác Hồ, một nắm đất Ba Đình, một lá cờ Tổ quốc, hai Huy hiệu của Bác Hồ và ảnh của Bác.
Tất cả những ảnh, cờ và sách đều được đóng dấu trong vũ trụ. Nắm đất Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác và ảnh của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đều thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam đưa lên vũ trụ, đóng dấu ở trên vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế và đã có mặt trên vũ trụ.
Sau đó, một lá cờ tôi để lại con tàu trên vũ trụ, còn một lá cờ tôi trao lại cho bảo tàng. Một con dấu của Tổng cục Bưu điện Việt Nam đem lên đấy đóng dấu, sau về tôi cũng đã trao lại cho bảo tàng.
Có hai kỉ lục của ông sẽ không bao giờ bị phá: Người lái máy bay chiến đấu đầu tiên bắn rơi B52 và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Đã có nhiều người đồn thổi ông chỉ “đi ké” nhà du hành vũ trụ Gorbatko chứ không có vai trò gì. Nếu gặp những người đó, ông sẽ nói gì với họ?
Hai kỉ lục đó đúng là đến nay vẫn không có người nào phá được. Vì bắn hạ máy bay B52 của địch, tôi là người đầu tiên, hay người châu Á đầu tiên lên vũ trụ, tôi cũng là người đầu tiên.
Vì nếu có ai bay nữa hoặc ai chiến đấu đi chăng nữa thì vẫn là người thứ hai chứ không phải là người đầu tiên. Tất nhiên là nói thế cho vui, vì tôi có thời cơ thì tôi bay lên vũ trụ thôi. Phải hiểu đó chỉ là đặt viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu thôi.
Nhưng nó lại mang lại ý nghĩa lớn và từ khi tôi bay vào vũ trụ thì cả thế giới biết rằng Việt Nam đang bay vào vũ trụ. Như vậy thể hiện chúng ta không chỉ có khả năng chiến đấu và chiến thắng quân thù, mà chúng ta làm được nhiều việc to lớn khác.
Tuy nhiên, việc đàm tiếu rằng tôi chỉ “đi ké” tôi cũng có nghe, nhưng thực chất nó chỉ là chuyện tiếu lâm. Khi bay, ở trên vũ trụ qui định phải có hai người, mỗi người đảm nhận một việc. Vì vậy, việc họ nói như vậy về tôi chỉ là đồn thổi.
Sắp tới dịp kỷ niệm 35 năm chuyến bay vào vũ trụ, người bay cùng với tôi năm nay đã 80 tuổi, tôi đã mời vợ chồng ông Gorbatko sang thăm Việt Nam và vợ chồng ông đã nhận lời.
Ông cũng bị đàm tiếu về việc mang bèo hoa dâu lên vũ trụ. Một số người cho rằng, ông “thiên vị” quê nhà Thái Bình chuyên “băm bèo cho lợn ăn”. Thực tế thì chuyện mang bèo hoa dâu lên vũ trụ là do ai quyết định?
Có thể nói, lỗi ở đây là lỗi của tuyên truyền, vì những người tuyên truyền cũng chưa hiểu hết mang sinh vật lên vụ trụ để làm gì, đôi khi lại cho rằng ông Phạm Tuân quê ở Thái Bình nên mới mang bèo hoa dâu lên, như thế là hoàn toàn không đúng.
Vì trong chuyến bay lên vũ trụ của tôi không chỉ có mang mỗi bèo hoa dâu, mà còn rất nhiều loại cây như lạc, đậu,… và một số cây của các nước khác, vì trong vũ trụ không gian bé nhỏ, ô xy không có mà thở.
Mỗi chuyến bay vũ trụ đều là một thí nghiệm. Bởi vậy người ta muốn mang lên vũ trụ một số loại cây để trồng xem cây gì có thể sống ở vũ trụ.
Ngoài cây, người ta còn mang cả chó, mèo nữa, nhưng khi ấy điều đó có thể là bí mật nên không tuyên truyền.
Một Trung tướng không quân khi nhận nhiệm vụ mới là Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, những khó khăn ông gặp phải là gì?
Sau một thời gian làm ở Bộ Tư lệnh Không quân, tôi được điều về làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng. Khi mới sang, thực sự tôi rất bỡ ngỡ. Cũng may cho tôi là công nghiệp quốc phòng sản xuất vũ khí cho quân đội.
Khi tôi học thợ máy, tất cả các thứ đó trên máy bay đều có. Tất nhiên tôi không phải là người sản xuất nhưng những nguyên lý, tính năng hoạt động như thế nào tôi đều biết.
Còn việc tổ chức quản lý trong quân đội, do đã có kinh nghiệm tổ chức quản lý từ trung đoàn, sư đoàn, quân chủng nên cũng thuận lợi cho tôi trong việc điều hành công việc. Điều quan trọng là chúng ta phải học.
Đi xuống nhà máy, học từ sách báo, học đồng chí đồng đội, động viên được anh em và các đồng chí có chuyên môn giỏi, đoàn kết thống nhất trong nội bộ, cùng một ý chí, quyết tâm để thành công.
Chuyển sang làm Chủ tịch Ngân hàng Quân đội, ông có cảm thấy quá sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ?
Thực sự đây là một khó khăn đối với tôi. Vì lĩnh vực quản lý bộ đội, quản lý sản xuất khác hẳn với quản lý ngân hàng.
Nhưng với tư cách là Chủ tịch Ngân hàng, tôi suy nghĩ mình chỉ làm quản lý, xây dựng chiến lược phát triển của ngân hàng, xây dựng đội ngũ con người để họ thực hiện nhiệm vụ cụ thể.
Chứ làm sao mình biết được làm thế nào, lãi suất ra sao, kinh doanh cái gì…, tôi không thể biết hết được.
Vì thế, trước hết mình phải học, đồng thời thu hút được các đồng chí cấp phó, tập hợp các chi nhánh với nhau để làm sao họ giúp mình giải quyết mọi công việc.
Còn mình chỉ cho họ biết đi theo hướng nào, chấp hành pháp luật ra sao để họ có thể phát huy được hết sức mạnh của mình. Chính những điều cụ thể như vậy đã giúp tôi hoàn thành công việc trong những năm làm Chủ tịch của Ngân hàng Quân đội.
Cảm ơn ông!
Ba lần nhận danh hiệu Anh hùng
Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đi bộ đội, được tuyển vào Quân chủng Không quân năm 1965.
Vào đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ. Ông trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Ông được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 3/9/1973.
Phạm Tuân, cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7.
Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Năm 1980, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh.
Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lenin.
Từ năm 1999, ông mang quân hàm Trung tướng không quân, đến năm 2000 giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Quân Đội và về hưu năm 2008.