>>>Anh hùng La Văn Cầu mất ngủ vì bức xúc vụ giàn khoan Trung Quốc
Khi chia sẻ với chúng tôi về những đóng góp bằng cả xương máu của mình trong kháng chiến, anh hùng La Văn Cầu cười và nhẹ nhàng bảo, điều đó không có gì to tát mà chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân khi Tổ quốc gặp nạn ngoại xâm, chủ quyền bị xâm phạm.
"Trong chiến dịch Biên giới 1950, tôi thuộc trung đội bộc phá gồm 25 người. Mỗi người vào trung đội này đều là những quyết tử quân, ra chiến trường coi như đã làm lễ truy điệu sống.
Nhưng đó là nguyện vọng của chúng tôi, chúng tôi muốn được làm nhiệm vụ đó. Tôi tuy là con 1 nhưng sẵn sàng hi sinh, vì người dân mất nước, phải chịu ách nô lệ áp bức thì đau lắm.
Trước khi ra trận, chúng tôi đã làm quyết tâm thư với 3 điều. Thứ nhất, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Thứ hai, đoàn kết, bảo vệ nhau, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thứ ba là nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật chiến trường, chính sách đối với tù hàng binh.
Khi vào chiến dịch, trong lúc đang ôm quả bộc phá chạy, tôi bị hỏa lực địch bắn chéo, sượt vào bên phải và ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy trời tối đen, tôi thấy má phải sưng to, sờ tay phải thì thấy bàn tay, đoạn cổ tay bị dập nát, lủng lẳng.
Tôi cố đứng dậy, tranh thủ sức còn lại ôm tiếp quả bộc phá tiến về lô cốt. Nhưng bàn tay phải lúc đó vướng vào mấy cột dây thép, đau lắm, đau hơn cả lúc bị thương rất nhiều. Kiểm tra lại vết thương thì tôi thấy chỉ còn cách phải chặt bỏ đi. Đằng nào cũng xác định hi sinh rồi, tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng rồi chứ không nghĩ còn có ngày hôm nay ngồi đây nói chuyện được đâu. Cho nên tôi nhờ đồng chí Nông Văn Thêu chặt hộ.
Đồng chí biết tôi là con một nên bảo: “Thôi em về đi cho anh em khác làm”. Tôi nói: “Chí em đã quyết rồi, không thay đổi”. Với lại lúc đó thế trận cần khẩn trương, không có thời gian để tranh luận.
Đồng chí Thêu biết tính tôi rồi nên bảo: “Chuẩn bị nhé”. Đồng chí đã dùng lưỡi lê của Nhật để chặt cổ tay tôi, còn về sau này vết thương hoại tử nên phải cưa lên tận cánh tay. Chặt xong đồng chí lấy băng của anh em đồng đội buộc kín lại, làm caro cẩn thận.
Băng bó xong, tôi ôm quả bộc phá tiến đến lô cốt, đặt quả bộc phá vào lỗ châu mai. Quả bộc phá có 2 kíp, nguyên lý giật kíp 1 không nổ thì giật kíp 2 nhưng lúc đó sắp phá được lô cốt địch tôi sướng quá giật luôn cả 2 kíp rồi quay lại lăn xuống dốc thì quả bộc phá nổ, đẩy tôi bắn ra xa, rơi từ trên cao úp mặt xuống đất và ngất đi...
Anh hùng La Văn Cầu cũng nhấn mạnh, chính tinh thần yêu nước, sự tin tưởng, đoàn kết đã giúp ông và các đồng đội lập lên những chiến công vang dội.
"Thế hệ chúng tôi luôn xác định 3 điều đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, niềm tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta cũng như sự tự lực sẽ giúp giành mọi thắng lợi.
Với những gì theo dõi trong thời gian qua, nhất là tinh thần đoàn kết, sát lại bên nhau của nhân dân ta ở trong cũng như ngoài nước đấu tranh phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng như huy động rất nhiều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, tôi thấy rất tin tưởng, tự hào.
Tôi rất xúc động khi thấy rất nhiều cháu mặc áo cờ đỏ sao vàng hát hợp xướng Quốc ca Việt Nam; rồi các cháu học sinh, sinh viên cả nước ở nhiều trường xếp hình bản đồ Việt Nam, dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” đầy tự hào, cảm động.
Thế hệ trẻ ngày nay với tinh thần yêu nước, tự tin, tự hào chắc chắn sẽ tiếp nối vững chắc truyền thống của cha ông, của thế hệ chúng tôi.
Chân lý, lẽ phải thuộc về chúng ta và với sự ủng hộ của dư luận thế giới, chúng ta sẽ làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn bành trướng, đòi làm bá chủ Biển Đông của Trung Quốc...", anh hùng La Văn Cầu nói.
Khi được hỏi, với gia đình, ông thường giáo dục con cháu như thế nào về lòng yêu nước, anh hùng La Văn Cầu tâm sự:
"Gia đình tôi cũng như các gia đình khác, không có gì đặc biệt cả, chúng tôi giáo dục cho con cháu tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sự tự tin bằng chính những gì chúng tôi đã trải qua, lịch sử đã diễn ra.
Các con cháu của chúng tôi đều thấu hiểu, ý thức rõ điều đó và cùng với mọi người, các cháu đều chăm lo làm ăn để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh", anh hùng La Văn Cầu chia sẻ.
Anh hùng La Văn Cầu cũng khẳng định: "Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh hàng đầu trên thế giới này nhưng nếu một khi tổ quốc bị lâm nguy, bờ cõi bị xâm phạm thì tất cả mọi người dân đều sẵn sàng, quyết chí đứng lên bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Với gia đình tôi cũng vậy, thế hệ của tôi đã trải qua và giờ đây là thế hệ các con, cháu tôi, chúng cũng ý thức điều đó. Những ngày qua, khi theo dõi các hành động ngang ngược của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, các con cháu tôi cũng đều bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ.
Nếu giờ đây, con cháu tôi xung phong tham gia bảo vệ Tổ quốc thì tôi dù chỉ còn một cánh tay cũng sẽ giơ thật cao để ủng hộ, động viên...".
Trước khi kết thúc trò truyện, khi được hỏi có điều gì khiến ông còn tiếc nuối cả trong chiến tranh lẫn hòa bình hiện nay không?, anh hùng La Văn Cầu cho biết, điều khiến ông tiếc nhất là bị thương quá sớm, mất nhiều sức khỏe, không thể tham gia chiến đấu ở những chiến dịch lớn về sau.
"Và giờ đây, khi hòa bình rồi thì sức khỏe không được tốt, quỹ thời gian không còn đáng kể nên tôi cũng ít có điều kiện để tham gia nhiều hoạt động. Vì vậy, với sức của mình, ngoài một vài việc thì mỗi buổi sáng sớm khi chương trình tivi phát lễ chào cờ thì tôi đều dành thời gian đứng nghiêm và cùng hát bài Quốc ca... Đó cũng là một cách để mình tự nhìn lại và bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống, tình yêu đất nước...", anh hùng La Văn Cầu nói cùng với một nụ cười rất tươi.