Ông Trần Văn Hà, hiện đã 61 tuổi, đang sống ở ấp 2, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Ông Hà được xem là một trong số ít người trên chiến hạm Nhật Tảo HQ10 còn sống đến nay sau trận hải chiến 40 năm trước.
Khi ấy ông mới 21 tuổi, chưa có vợ và tâm lý rất phấn khởi khi nhận được lệnh ra Hoàng Sa đánh tàu Trung Quốc. “Không riêng gì tôi mà anh em trên hạm đều hăng hái lên đường đánh tàu Trung Quốc. Lúc đó là chiều 18.1.1974 khi hạm đang ở Đà Nẵng để sửa máy điện ở hầm máy số 2”, ông Hà nhớ lại.
Ông Hà thời trẻ.
Hạm chạy suốt đêm, từ chập choạng tối 18.1 đến rạng sáng 19.1.1974 thì gặp hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 ngoài Hoàng Sa. Lúc này HQ-10 và HQ-16 bên trục Bắc, HQ-4 và HQ-5 bên trục Nam.
“Chúng tôi liên tục phát loa, tìm mọi cách xua đuổi tàu Trung Quốc nhưng không được. Đến hơn 9h sáng 18.1.1974, HQ-10 nhận lệnh khai hỏa và bắn trúng mục tiêu”, ông Hà nhớ lại. Cùng với HQ-10, các khẩu pháo của HQ-16 cũng tác xạ dữ dội khiến lôi hạm 389 của Trung Quốc hư hại nặng và bốc cháy.
Trong đó, đài chỉ huy của đối phương bị tiêu hủy, nhiều thủy thủ đoàn thiệt mạng. Lúc này, thế áp đảo của HQ10 gặp trở ngạy khi khẩu đội pháo chính phía trước chiến hạm bị trục trặc. Hầm máy 1 bị trúng đạn làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có hạm trưởng là Hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà.
“Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. HQ10 lao vào đối phương làm chiếc của Trung Quốc nghiêng sang một bên”, ông Hà kể.
Theo ông Hà, trong tình thế nguy cấp, hạm phó ra lệnh bỏ tàu, xuống bè được 28 người. Lúc đó, hạm phó Nguyễn Thành Trí không muốn rời tàu nhưng anh em nài nỉ nên viên sĩ quan này mới xuống bè và đã tử vong vào 1h sáng 20.1.1974.
Ông Hà hiện tại.
Xuống bè thả trôi được một lúc, ông Hà và những người đi cùng thấy thêm 2 tàu Trung Quốc xuất hiện. Tuy nhiên, những tên lính trên tàu không nã đạn vào 28 người lênh đênh trên biển mà bắn xối xả vào chiếc Nhật Tảo như để trả thù.
Lúc này, đạn cũng khạt ra liên tục từ hạm Nhật Tảo và ông Hà không còn nghe tiếng súng nữa khi trời chập choạng tối. “Có lẽ lúc ấy HQ-10 bị chìm. Chúng tôi trôi trên biển suốt 3 ngày, 2 đêm trong tình trạng thiếu lương thực. Đến khi được tàu buôn của Hà Lan cứu vớt thì chỉ còn 21 người sống nhưng sức khỏe rất nguy kịch”, ông Hà cho biết thêm.
Sau 5 tháng điều trị, ông Hà trở về đơn vị đóng ở Bến Lức. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hà lấy vợ là cô bạn cùng quê Long An. “Năm 1979 tôi ở Bến Lức, làm việc trong nhà máy cơ khí. Cuộc sống khó khăn quá xuống Bạc Liêu mưu sinh và ở lại vùng đất này cho đến giờ”, ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, khi chiến hạm HQ-10 chìm xuống biển đã kéo theo rất nhiều thi thể chiến hữu của ông. Ngoài ra, trong túi hành trang của thủy thủ cơ khí này có cả thư từ của người yêu mà ông mang theo bên mình. Ông hi vọng có dịp đặt chân trở lại Đà Nẵng, thăm lại Hoàng Sa – nơi ông nhiều lần tham gia tuần dương. Trong đó kỷ niệm không thể quên là rất tự hào khi tham gia đánh tàu Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.