Tượng Phật Di Lặc thuộc chùa Phật Lớn, tọa lạc uy nghiêm, thanh thoát giữa không gian núi rừng trên núi Thiên Cấm Sơn (cao 710m so với mặt nước biển), ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí.
Tượng có chiều cao từ dưới chân đến đỉnh đầu tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Bức tượng này được thực hiện từ tháng 2/2004 đến tháng 12/2005 với khoảng 60 nhân công làm việc liên tục.
Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương.
Đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.
Ông Ngô Quang Láng – Phó Giám đốc Sở VH – TT và DL tỉnh An Giang cho biết: “Đây là sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam nói chung, của An Giang nói riêng, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp, nhất là ngành du lịch, giới thiệu, quảng bá về văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch độc đáo của Khu du lịch Núi Cấm - An Giang đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước”.
Hôm nay ngoài việc trao chứng nhận xác lập kỷ lục Châu Á cho tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm An Giang, BTC còn trao chứng nhận cho 7 kỷ lục Việt Nam được xác lập kỷ lục Châu Á, gồm: Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (An Giang); Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất Châu Á (Bình Thuận); Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á (Bình Dương), bức tranh “Cửu Long tranh châu” bằng ngọc nguyên khối lớn nhất và 3 kỷ lục gia: Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng là đạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước – con người miền biển đảo nhiều nhất”; Hoạ sĩ Trương Hán Minh với tác phẩm “Bức tranh thuỷ mặc về hoa dài nhất”; Hoạ sĩ Đặng Ái Việt là “Nữ hoạ sĩ vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất”.