Cả làng... nuôi hổ
Theo tiết lộ, tại xã Đô Thành, không chỉ có nhà C. nuôi hổ mà còn có khoảng trên chục hộ cũng làm nghề này.
Nguồn thu nhập từ việc nuôi hổ thành công là rất lớn. Mỗi lứa khi xuất chuồng, trừ chi phí rồi cũng lãi trên mấy trăm triệu.
"Nhà quê không biết làm chi, máu liều chứ biết làm chi. Hiện ở xóm em có hơn chục nhà nuôi. Trung bình mỗi hộ nuôi 1 cặp (2 con). Do vốn ban đầu rất lớn, độ rủi ro quá cao nên chỉ những nhà có tiền, am hiểu, và lo lót được thì mới dám đầu tư’’, H., em trai C. kể.
Theo C. tiết lộ, để nuôi nhốt số hổ trong thời gian dài thì phải ‘’lo lót’’.
Theo H., nhà nào có vốn thì tự bỏ tiền mua cả cặp. Còn những ai yếu kinh tế hơn thì có thể vay ngân hàng rồi chung nhau nuôi.
Thế nên ở đây mới có khái niệm ‘’nuôi con rưỡi’’ khi hai nhà chung nhau nuôi 3 con.
"Ở xã này nhà em nuôi nhiều nhất. Có người chung vốn nên bọn em mua 4 con, lúc mua có giá gần 800 triệu", H. nói tiếp.
Lợi nhuận của việc nuôi hổ rất lớn. Theo H., tiền lãi từ nuôi hổ cũng tuỳ vào từng người nuôi.
Có người mát tay thì mỗi năm hổ nuôi sẽ đạt được 1 tạ. Còn những tay kém nuôi thì chỉ tăng được 7-8 yến.
"Khi xuất chuồng, trừ chi phí ra mỗi con cũng lãi được mấy trăm triệu", H. nói.
H. tiếp tục tiết lộ, ngoài Đô Thành thì tại Yên Thành còn có xã Tr. Thành cũng có nhiều hộ dân nuôi hổ.
Theo H., phong trào nuôi hổ ở Đô Thành mới xuất hiện 2 năm nay. Do nhiều nhà kiếm ra hàng trăm triệu mỗi năm nên dần thành phong trào.
"Hổ chủ yếu mua trong Hà Tĩnh ra nhiều, nhất là ở Hương Sơn. Mua trực tiếp bên Hương Sơn.... Muốn mua hổ con thì phải đặt hàng một thơi gian mới có", H. cho biết về nguồn gốc.
‘‘Bao từ A - Z’’
Tôi hỏi H.:‘‘Hơn chục hộ nuôi mà xã không biết à?’’."Cái ni mình lo lót hết cả rồi, nhờ có bảo kê hết rồi. Nói chung ai nuôi thì bọc rồi, bao từ A đến Z rồi’, H. nhanh nhảu đáp.
"Xã ở đây có biết (việc nuôi hổ) không?", tôi hỏi tiếp.
Dư luận đặt nhiều nghi vấn có "tập thể bảo kê" cho việc nuôi nhốt hổ trái phép?
"Biết chứ, nói chung là mình có tay trong...Họ biết rồi nhưng mà họ bỏ qua vì đây là việc làm ăn, họ nói việc làm ăn thì kệ chứ đừng mang những tệ nạn về xã là được, đừng buôn thuốc phiện là được. Buôn thuốc phiện là bắt liền", H. nói về việc được bảo kê.
H. kể tiếp, đến giai đoạn xuất chuồng thì thường người mua sẽ yêu cầu chủ nuôi lo lót luôn khâu vận chuyển.
Tuy nhiên, cái này còn tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa hai bên, tuỳ thuộc vào số lượng mỗi lần mua bao nhiêu con.
"Mua 1 con thì khác và mua 1 lần 4 con thì nó khác", H. nói thêm.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với những người nuôi hổ kết thúc bằng câu chuyện, anh bạn tôi hứa sẽ môi giới bán hổ và những "mặt hàng xịn" như sừng tê giác, mật gấu Nga, hổ con chết ngâm đá cho H.
"Bất cứ giờ nào cũng có. Chỉ cần có người đến mua là được, còn chuyện vận chuyển thì các anh khỏi phải lo. Chúng em làm nhiều rồi’’, H. khẳng định chắc nịch.
Bẵng đi một thời gian sau khi thực hiện việc đột nhập điểm nuôi nhốt tại Đô Thành, một người trong số chúng tôi nhận được điện thoại của H., bảo rằng có nhà vừa đưa hổ con về nuôi nhưng đã bị chết.
Trọng lượng 5kg, hiện đang ngâm đá. Nếu ai có nhu cầu thì giới thiệu dùm. Giá khi mua về còn sống là gần 200 triệu, nay khoảng 20 triệu là bán.
Ai bảo kê?
Trong quá trình thực hiện loạt bài này chúng tôi không khỏi phân vân, vì sao việc nuôi nhốt hổ trái phép như vậy diễn ra trong nhiều năm lại không được phát giác?
Vụ vận chuyển 4 con hổ sống còn nhỏ vừa bị CSMT Hà Tĩnh bắt giữ.
Rõ ràng theo như C. cung cấp thì ít nhất thì chính quyền cơ sở đã biết nhưng đã làm ngơ cho họ.
Và một điều nữa, nguồn gốc số hổ trên được C. tiết lộ là từ Lào, được mua tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nơi lâu nay được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán động vật hoang dã.
Nhất là mới đây, khi lực lượng cảnh sát môi trường bắt giữ vụ vận chuyển 4 con hổ con. Người trực tiếp buôn hổ có địa chỉ ở Nghệ An, vận chuyển hổ từ huyện Hương Sơn xuống.
Cứ cho là thông tin về việc cả làng nuôi hổ là 'chưa được kiểm chứng', nhưng những thông tin, tài liệu mà PV ghi lại được tại một hộ gia đình ở xã Đô Thành là bằng chứng sống về tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép đã diễn ra từ rất lâu nhưng chẳng cơ quan chức năng nào ở Nghệ An biết đến.
Dư luận có quyền đặt ra nghi vấn về việc có cả ‘’tập thể’’, có đường dây bảo kê cho việc vận chuyển, nuôi nhốt trái phép. Bởi, ngay tại cơ sở thì có thôn, có xã với đủ ban bệ.
Còn tại huyện, tỉnh thì có đủ thành phần, từ chính quyền cho đến công an, kiểm lâm...
Thế nhưng, không hiểu sao việc nuôi nhốt hổ trái phép này lại không được phát giác.
Đó là chưa nói đến việc, tiết lộ của những người nuôi hổ về việc có việc "lo lót từ A đến Z" để được thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tất cả những thông tin, hình ảnh trên xin được chuyển tới các cơ quan chức năng tại tỉnh Nghệ An, Bộ Công an, Cục kiểm lâm, Cục Hải quan và các tổ chức bảo vệ môi trường, động vật hoang dã.
Về nguồn gốc, đường dây vận chuyển hổ này đang được chúng tôi tiếp tục điều tra. Sẽ chuyển tới bạn đọc trong thời gian sớm nhất.