Nghe tin cầu Ghềnh bị sà lan làm sập, người bạn của tôi ở Châu Âu đã bay nửa vòng trái đất về để chia tay với cây cầu của thời niên thiếu.Lần về sau, anh sẽ không thấy Ghềnh nữa thay vào đó là cây cầu khác, hoành tráng hơn.
Hơn 10 năm rồi anh mới về quê, một thời gian đủ dài, đủ xa để thấy sự thay đổi mà những người trụ chân tại chỗ như tôi không cảm nhận được vì đã quen từ từ, dần dần.
Anh này có sự say mê kỳ lạ với những cây cầu kiểu vòm của người Pháp, anh dự định sẽ dành toàn bộ thời gian hơn tháng ở VN để đi thăm và chụp những cây cầu sắt:
- Đơn giản là nó sẽ mất đi.
- Đúng thôi vì nó cũ kỹ lạc hậu rồi, phải biến mất thôi, nhường chỗ cho những cây cầu mới. Quy luật đào thải.
- Vậy thì sự tử tế cũng bị đào thải? tôi thấy người Việt mình ngày càng ác với nhau hơn!
Thật đau lòng nhưng cái nhìn của người đi xa, có thời gian đủ xa khá chính xác, người Việt đã mất dần sự tử tế và ác độc hơn bào giờ hết.
Vì sao vậy?
Độc ác hồn nhiên… như cô tiên!
Tôi có người bạn ở ngoại thành, ăn chay trường cũng hơn 10 năm rồi:
- Mình quay đầu rồi ông Linh ạ. Sống trên đời phải có cái tâm.
Có vẻ như không gì để chê trách anh, ông bố tốt, người chồng gương mẫu, không cờ bạc rượu chè, không trai gái…
Chỉ còn vết xăm trên u bàn tay đã bị xóa là dấu tích của một thời ngang dọc: Ph.Hai Dao, cái tên làm khiếp sợ dân giang hồ một thời vì sự liều lĩnh, tàn bạo khi ra tay cướp giật.
Cũng là 10 năm, anh Ph sống như một nông dân hiền lành. Anh dẫn tôi ra coi mấy nhà mát trồng rau, không gian được quay lưới để ngăn côn trùng, rau sạch đúng tiêu chuẩn để lên kệ siêu thị.
Có mấy người làm công đang phun sương lên mấy luống giá, mồng tơi, tía tô, rau mầm lú nhú trông ngộ lắm…
- Phun thuốc tăng trưởng.
- Như thuốc tạo nạc cho heo? Kích thích tăng trưởng là thuốc bị cấm mà? Phun vô rau như vậy ăn vào có nguy hiểm cho người ăn không?
- Hồn nhiên như cô tiên đi ông Linh! Có ai chết vì ăn rau sạch không? Ông Linh chỉ được cái lo xa.
Ph dẫn tôi đi một vòng xem cơ ngơi, bề thế của khu vườn, quay lại nhà rau cũng gần nửa giờ.Tôi không tin vào mắt mình, giá to và no tròn như thổi, mồng tơi, tía tô cũng phát triển trông thấy. Đúng là rau sạch?
Nhưng lát sau khi mâm cơm dọn lên, rau giá khô héo, don don không như ngoài nhà mát…
Con nhỏ người làm đáo để thấy tôi nhìn dĩa rau ra vẻ thắc mắc nên giải thích ngay:
- Cậu yên tâm, rau này trồng sau hè, không phun thuốc, ăn không bị ung thư đâu!
Có nghĩa ai cũng biết “rau sạch” no tròn phun thuốc tăng trưởng, lên kệ ở siêu thị ăn vào có thể ung thư còn rau đèo, rau sâu ăn vô tư vì không phun thuốc. Hóa ra cô tiên…không hồn nhiên!
Buổi cơm trở nên kém vui, lát sau khi uống vài chung rượu, tôi nói luôn:
- Ông ăn chay làm gì mà bán ba cái mớ rau độc hại đó cho đồng bào mình?
Bạn buồn buồn:
- Ai cũng làm vậy hết, mình làm khác có nước đem rau ra sông đổ đi!
Rồi Ph tự thú nhận:
- Lắm lúc nằm đêm suy nghĩ mình thấy bây giờ mình còn ác hơn lúc đi cướp nữa ông Linh ạ!
Một thú nhận đáng sợ vì quá đúng, như vậy có bao nhiều người như bạn tôi, có bao nhiều người nông dân còn ác hơn cả kẻ cướp khi ngày ngày giết dần giết mòn đồng bào, anh em ruột thịt mình bằng rau bẩn.
Mở rộng hơn là thịt heo (lợn) ăn chất cấm, hải sản giữ tươi bằng chất độc hóa học…, đến con ruốc nhỏ bé cũng bị nhiễm bẩn khi ngư dân “làm mặt” nó bằng thuốc nhuộm màu hóa học..
Tất cả đều biết sự nguy hại, nhưng họ vẫn làm bởi lẽ “ai cũng làm vậy mà!”
Khi cái ác đã thành cộng đồng
Trên mạng xã hội, ý thức được tính nguy hại cho cộng đồng những người viết có tâm huyết đều lên tiếng báo động:
- Báo Tuổi trẻ ngày 22/03/2016 đăng một bản tin khiến người Việt Nam choáng váng: “Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng dân Việt”.
Dù rằng hai thập niên qua người Việt Nam vẫn ngày ngày phải xơi thực phẩm độc, từ rau, thịt, cá ướp hóa chất đến mọi loại thực phẩm nhiễm độc khác với một mức độ ngày một tăng dần.
Thậm chí đôi lúc người ta đành tặc lưỡi chấp nhận vì hình như chẳng còn lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên bản tin trên vẫn gây một tâm lý thảng thốt đến mức gây sốc: Cuộc diệt chủng và thoái hóa giống nòi của người Việt Nam đang diễn ra với quy mô công nghiệp, sức khỏe người dân bị tàn sát bởi các hành vi mang tính hàng loạt, quy mô cực lớn chứ không còn là đơn lẻ.
Một con quạ trắng sẽ bị bầy quạ đen rỉa mổ, đuổi đánh vì không cùng màu, cũng vậy khi tội ác mang tính cộng đồng thì làm một người tốt đơn lẻ cực khó, nguyên tắc này có lẽ không sai với tình trạng rau bẩn và thực phẩm bẩn.
Nhưng chúng ta sẽ đứng nhìn cả dân tộc bị nhấn chìm trong cuộc tự diệt chủng bằng thực phẩm bẩn sao?
Tôi cứ ám ảnh mãi nụ cười của Trần Lập trong đêm nhạc "Đôi bàn tay thắp lửa". Vâng, chỉ thắp một tia hy vọng rất nhỏ, và rồi người thủ lĩnh ấy ra đi.
Rồi đồng loại của anh cũng dần quên đi một con người đã thành quá vãng như lẽ thường tình. Và quên luôn cả những khát vọng cuối cùng của con người ấy? Và căn bệnh ung thư do đồng loại mang lại vẫn cứ tiếp tục hoành hành?
Chúng tôi không nói các quyết sách lớn, chúng tôi muốn nói với chính mình, với bạn bè, với người nông dân… Và nói với nhau. Khi lòng tham và sự độc ác hồn nhiên vẫn còn tiếng nói tập thể, thì tính mạng đồng loại vẫn luôn bị tước đoạt.
Không còn chuyện “trời kêu ai nấy dạ”, nếu chúng ta vẫn giữ nhịp độ nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, buôn bán như hiện nay thì con cháu chúng mai sau sẽ biến thành... quái thú!
Và mỗi người chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong bệnh dịch, muốn chết mà không chết được và khi tha thiết được sống thì phải chết.
Hãy sống tử tế với xã hội cũng là tự cứu chính mình, ném những gói thuốc tăng trưởng, chất tạo nạc, dừng tay khi có ý định tẩm hóa chất hải sản, thực phẩm…
Vì đó là liều thuốc độc cho chính chúng ta.