“Kinh doanh đa cấp: Trò lừa đảo”
Khi nói tới loại hình kinh doanh đa cấp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long luôn miệng nhắc đi nhắc lại 3 từ “trò lừa đảo”.
Bởi với ông, trong nền kinh tế này, không bao giờ có công việc nào lại có lợi nhuận hấp dẫn với mức lãi cao đến như vậy và cũng không bao giờ có cảnh “ngồi mát ăn bát vàng”.
Ông Long tâm sự: “Một số người bạn quen biết tôi nghĩ tôi có tiền nên thường xuyên mời mọc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh của họ, nhưng tôi phải từ chối khéo rằng: “Tôi không có tiền”.
Với những người đó, lợi nhuận 100%, họ bắt đầu suy nghĩ, 200% họ hăng máu và khi lợi nhuận 300%, có treo cổ, họ cũng không biết cái gì nữa.
Vì lợi nhuận, họ có thể bất chấp mọi thứ, chẳng còn tình nghĩa bạn bè, chẳng nghĩ tới quan hệ anh em”.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng: Thực chất, kinh doanh đa cấp là mô hình giống như 1 cái cây, có nhiều tầng, nhiều nhánh. Người tham gia vừa là thành viên của công ty, vừa là khách hàng.
Họ sẽ hưởng lợi từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được của họ và những cấp dưới của họ.
“Họ càng dụ được nhiều người vào càng tốt, người trước lừa người sau, người sau lừa người sau nữa. Cứ như vậy theo cấp số nhân.
Khi người A đi tuyên truyền mời người B vào, người B làm thì cũng chỉ được hưởng lợi một phần còn phần nhiều lợi nhuận rơi vào túi ông chủ cao nhất. Đây là trò lừa đảo thực sự” – ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, khác với mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh đa cấp không tuân theo quy luật cung cầu.
Bởi lẽ, hầu hết các “thủ lĩnh” trong nhóm bán hàng đa cấp dù chưa bán được hết hàng nhưng đến kỳ vẫn phải mua hàng vào, đôi khi chỉ để xếp xó.
Trong khi, phương pháp kinh doanh truyền thống là đi theo quy luật kinh tế cơ bản, có cầu mới có cung.
Nếu thị trường có nhu cầu lớn thì mới mua nhiều vào để bán ra, hàng ế thì phải giảm nhập, không mua nữa và đầu tư vốn vào loại hàng hóa khác hoặc loại hình kinh doanh, dịch vụ khác.
Dù nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân “nhẹ dạ cả tin” rơi vào bẫy lừa của kinh doanh đa cấp nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào.
Tại Hải Dương, anh Nguyễn Thế Hưng, một viên chức nhà nước đã không khỏi ái ngại kể, anh đã từng chứng kiến cảnh gia đình một người bạn có vợ dính vào kinh doanh đa cấp, cuộc sống đang yên ổn bỗng nhiên đổ vỡ.
Người vợ bị cuốn hút bởi lời mời "có cánh" như ma thuật với cam kết đem đến thành công, thay đổi cuộc sống từ mạng lưới Công ty A, chị đã tin để rồi lao vào như thiêu thân mặc sự can ngăn của người chồng.
Kết quả sau 7 tháng tham gia mạng lưới, chị như lột xác hoàn toàn, chị tuyên bố: thà bỏ chồng chứ không thể bỏ công việc này.
Nhận định về vấn nạn trên, chuyên gia Ngô Trí Long lý giải: “Theo tôi, những người lao vào đó đều là những người hám lợi hoặc không hiểu biết”.
Thêm vào đó, theo ông Long, một chiêu bài nữa của những người kinh doanh đa cấp sử dụng là: “Khuyếch trương thông tin sản phẩm và thương hiệu của công ty lên, người nào ngộ nhận, không tỉnh táo sẽ bị lừa”.
Các dược phẩm khi được quảng cáo đều được thần thánh hóa, phù phép thành thuốc tiên, đa di năng, chữa bách bệnh, đại bổ, nhưng tất cả chỉ là "truyền miệng".
Ngoài ra, “cách đưa ra các khuyến mại hay các giải thưởng cao nhằm lôi kéo các thành viên cũng là một chiêu trò.
Thậm chí, thưởng đến nơi rồi nhưng sau đó lại bảo “hết rồi”. Chiêu lừa này rõ ràng, ai cũng nhận thấy nhưng nhiều người vẫn bị bịt mắt” – ông Long chia sẻ.
“90% công ty đa cấp ở Việt Nam không chân chính”
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Vinh Phú, nguyên đại biểu hội đồng nhân dân, nguyên Phó GĐ Sở thương mại, nguyên Phó ban chống buôn lậu Tp.Hà Nội cho biết: Ở các nước khác, kinh doanh đa cấp rất lành mạnh và có nguyên tắc về giá bán.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình kinh doanh này đã bị biến tướng thành hành vi lừa đảo, giá bán bị đẩy lên một cách vô tội vạ.
Ông Phú phân tích: "Trên thế giới, người ta chặn giá bán dựa vào lợi nhuận từ gốc tới thu mua. Ví dụ: Giá bán = giá mua + 20%, dù có qua 10 cấp, mức giá bán cũng không được vượt phạm vi này.
Nhưng đa cấp ở Việt Nam bị hiểu sai lệch đi, đa cấp nghĩa là nhiều cấp bậc, nhiều lợi nhuận, giá bị đẩy lên không tưởng.
Như một lọ sâm có giá trị khoảng 500 nghìn đồng nhưng sau đó bị đẩy lên 5 triệu đồng, từ đó, giá đa cấp lũy tiến liên tiếp".
“Theo tôi, có tới 90% công ty đa cấp ở Việt Nam không chân chính. Nghìn lẻ các chiêu trò của họ đang giết sự chân chính của đa cấp quốc tế” – ông Phú thẳng thắn.
Theo ông Phú, một trong những chiêu trò đó là dùng những lời hoa mỹ, bóng bẩy nhằm dụ dỗ người dân, chủ yếu là ở các tỉnh lẻ.
“Nhiều cuộc hội thảo tại các hội trường lớn ở quận Thanh Xuân, Ba Đình (Hà Nội), với hàng nghìn người tham dự, các diễn giả tuyên truyền, quảng bá rất “bốc”, rất “kêu”, nghe “chối tai”, giới thiệu công việc kinh doanh mà khi thêm vài “đai” lãi trăm triệu tới hàng tỷ đồng.
Thêm vào đó, công ty đa cấp luôn có hình thức hứa thưởng. Nếu giới thiệu thêm cho bác, cho chú thì họ hứa sẽ thưởng X triệu đồng, trong khi chất lượng hàng hóa lại không được như công bố” – ông Phú nói.
Có thể thấy, tại các công ty đa cấp, những buổi gặp mặt để “vinh danh” hay trao thưởng một cách hoành tráng, rầm rộ được diễn ra khá thường xuyên nhằm cổ vũ tinh thần cho những người mới đến.
Và những phần thưởng như đi du lịch nước ngoài hoặc chuyến nghỉ mát tại các khách sạn đẳng cấp 5 sao, nghỉ ngơi trên siêu du thuyền sang trọng,…luôn được đưa ra để làm “mồi nhử” cho những người trong cuộc.
Nhằm đạt được điều đó, các thủ lĩnh sẵn sàng bằng mọi giá để cố gắng leo lên thứ hạng cao, không ngại “ôm” hàng để duy trì hệ thống chỉ với hi vọng được khoác lên mình chiếc áo danh hiệu viển vông.
Điều nguy hiểm và đáng nói là những chiêu lừa của kinh doanh đa cấp này đang diễn ra một cách ngang nhiên.
“Kinh doanh đa cấp đang ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng, dụ dỗ người dân, hoạt động công khai nhưng không ai chịu trách nhiệm. Công an kinh tế địa phương cũng đang buông lỏng.
Trong một cuộc hội nghị chuyên gia trên tivi, tôi có ngồi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Lê Xuân Nghĩa, họ nói thế này: Bây giờ, nhiều việc ai cũng biết nhưng không ai làm và không ai chịu trách nhiệm.
Đây chính là mầm mống dung dưỡng cho đa cấp cũng như những tội ác khác. Kinh doanh đa cấp thực ra là một hình thức của hàng lậu, lậu về giá” – ông Phú nhấn mạnh.
Vì vậy, theo vị nguyên Phó ban chống buôn lậu Tp.Hà Nội này, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng ngăn chặn các cơ sở kinh doanh đa cấp bát nháo.
“Trước hết, công an kinh tế, đơn vị quản lý thị trường, chính quyền địa phương phải vào cuộc và chịu trách nhiệm, để những người làm ăn chân chính có chỗ đứng” – ông Vũ Vinh Phú kết luận.