Đề án được xây dựng với mục tiêu đảm bảo việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, quân và dân trên biển, đảo hiệu quả giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2, đường bờ biển dài 3620 km, có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Mạng lưới y tế biển đảo còn tồn tại nhiều khó khăn như: lực lượng cán bộ y tế còn hạn chế về số lượng, chuyên môn; thiếu hệ thống vận chuyển cấp cứu, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng được và không đủ mở rộng khả năng cứu chữa nếu tăng đột biến số lượng người khám chữa đặc biệt trong mùa mưa bão; chính sách xã hội chưa phù hợp, đào tạo nhân lực còn nhiều bất cập…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị triển khai đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" ngày 24/4.
Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy, chỉ có 33,6% trung tâm y tế huyện được xây mới, 31,1% chưa có cơ sở riêng, nhiều trạm bị xuống cấp nhanh. Nguồn nhân lực khó khăn, chỉ có 46,7 % trạm y tế xã đảo có bác sĩ, số lượng cần bổ sung khoảng 1563 bác sỹ, 265 dược sỹ đại học.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Hệ thống y tế hiện nay được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia, tuy nhiên cũng chưa thống nhất về tổ chức ở một số tỉnh, huyện.
Đề án đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển đảo; trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có thể tự bảo vệ sức khoẻ, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo”.
Đề án thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2020 với tổng kinh phí dự kiến 8200 tỷ đồng, triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương và trên vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.