Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra rất tích cực.
Theo ông Đương, năm nay ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 50 nghìn tỷ, gần 2 nghìn ha đất. "Số tài sản đó, số đất đó mà thu hồi được thì thừa sức tăng lương".
Cũng theo ông Đương, mấy năm nay, ngành thanh tra đã kiến nghị và thu hồi rất tốt. Vậy chứng tỏ rằng, việc sử dụng tải sản công, tiền nhà nước còn thất thoát rất nhiều.
Nợ đọng thuế của các doanh nghiệp như báo chí phản ánh trên 68 nghìn tỷ, riêng số doanh nghiệp cố tình trây ỳ đến 34 nghìn tỷ, nếu triệt để thu hồi được thì nguồn ngân sách nhà nước rất lớn.
Bấy lâu nay còn chưa siết chặt kỷ cương trong thu hồi thuế. Mà nợ thuế này thì cũng liên quan đến tham nhũng.
Nhìn vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ nhìn vào các vụ án mà phải nhìn tổng thể cả việc xử lý hành chính.
Vì ẩn giấu sau đó là có dấu hiệu tham nhũng, nhất là liên quan đến việc quản lý tài nguyên, than, sắt, vàng, bạc, cát, đất đai, rừng. Tất cả cái đó phải quản lý chặt chẽ thì mới làm lành mạnh môi trường đâu tư kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước.
Tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp
PV: Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp nhận định “tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tăng”, ông có đánh giá như thế nào về điều này?
ĐB Đỗ Văn Đương: Như tôi đã nói, ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã rất tích cực. Đánh giá chung của Đảng và cử tri thì tình hình tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp.
Đi vào thực tế, số vụ việc phát hiện, xử lý có xu hướng giảm, đặc biệt giảm nhiều. Nhưng số vụ việc phát hiện ra không đồng nghĩa với việc tham nhũng trên thực tế xảy ra. Vấn đề là phải làm sao để nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng.
PV: Cũng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp có nhận định, hoạt động của các cơ quan trong phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, trong đó có chỉ đích danh Kiểm toán Nhà nước?
ĐB Đỗ Văn Đương: Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện được tham nhũng, nhưng ít, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ của họ.
PV: Ông đánh giá thế nào về con số hơn 1 triệu người kê khai tài sản tham nhũng, chỉ xác minh được hơn 1.200 trường hợp, phát hiện 5 trường hợp có vi phạm, xử lý 2 trường hợp?
ĐB Đỗ Văn Đương: Theo tôi kiểm soát kê khai tài sản chỉ là một phương diện, quan trong là phải kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ cao. Chứ cán bộ, công chức bình thường thì việc kê khai mang tính hình thức.
Đơn thuần cán bộ công chức thu nhập bằng tiền lương không thì không có chức vụ quyền hạn để quyết định vấn đề gì thì việc kê khai cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng người quyết định cấp dự án, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ…
PV: Có một thực tế, kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn hình thức và các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này lại thiếu, ông nghĩ sao về điều này?
ĐB Đỗ Văn Đương: Pháp luật không loại trừ ai. Vấn đề là phải thực hiện thế nào, phát hiện ra làm sao, sai làm, làm đến đâu, có làm đến đâu.
Theo tôi phải đổi mới để kiểm soát thực thi, phải đi vào thực tế. Trước hết phải đề ra văn bản, trong quá trình thực hiện thấy cái gì chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung.
Nhưng tôi cho rằng, quan trọng là phải làm thế nào để đi vào thực tế được thì phải có biện pháp tổ chức thực hiện và phải có những con người biết cách chống tham nhũng, được độc lập và được trao quyền mạnh mẽ như Bao Công ngày xưa.
PV: Có nghĩa cần phải trao quyền mạnh cho cơ quan chống tham nhũng?
ĐB Đỗ Văn Đương: Đúng thế. Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập cao. Tôi đã nhiều lần kiến nghị phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập. Ví dụ, cơ quan điều tra chống tham nhũng phải độc lập với cơ quan điều tra cấp tỉnh.
"Những người tham nhũng kể cả 75 tuổi trở lên vẫn phải tử hình"
PV: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thì việc sửa đổi Bộ Luật hình sự sẽ như thế nào thưa ông? Và tới đây còn có việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng?
ĐB Đỗ Văn Đương: Nói đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, cương quyết, nghiêm mình thì trong Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung một số tội về tham nhũng. Không chỉ tham nhũng trong lĩnh vực công mà trong lĩnh vực tư.
Hiện nay cái rắc rối là công, tư đối khi phức tạp lắm. Đối với tội tham ô, hối lộ là tội nghiêm trọng không áp dụng thời hiệu, “râu dài đến rốn” vẫn bị bắt, xử lý chứ không phải 5 năm, 10 năm như các tội khác. Không bỏ từ hình đối với tội tham ô, hối lộ.
Quan điểm của tôi, những người tham nhũng kể cả 75 tuổi trở lên vẫn bị tử hình, không loại trừ.
Anh về hưu, phát hiện ra khối tài sản tham ô hàng trăm tỷ thì phải tử hình chứ, đừng hy vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà chỉ tìm cách tẩu tán tài sản.
PV: Vậy khi sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng phải siết chặt hơn việc kê khai tài sản, thu nhập?
ĐB Đỗ Văn Đương: Không chỉ sửa đổi Bộ Luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng và các luật quản lý, cán bộ, công chức cũng phải sửa đổi để không chỉ kiểm soát thu nhập, tài sản mà còn liên quan đến việc đề bạt cán bộ, chống “mua quan, bán chức”.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng, nhưng chưa cao như vụ Vinashin không thi hành án thu hồi được hay vụ Giang Kim Đạt?
ĐB Đỗ Văn Đương: Phải phân biệt, trong vụ Vinashin là truy tố về tội cố ý làm trái, trong đó có mảng tham ô. Nhưng cố ý làm trái là sử dụng đồng tiền nhà nước không vào mục đích chính ngạch, kinh doanh đúng nghề nên thất thoát.
Ở đây là thất thoát trong kinh doanh và rủi ro mà không phải chiếm đoạt nên khi phát hiện ra thì mất hết rồi. Đây là có yếu tố khách quan nữa nên nhìn 86 nghìn tỷ thì phải đánh giá cho đúng, chứ không phải tham ô cả số tiền này.
Còn vụ Giang Kim Đạt thì các cơ quan đang triển khai với các nước để thu hồi.
PV: Vậy làm thế nào để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng?
ĐB Đỗ Văn Đương: Tôi đề nghị chứng cứ còn phải tính đến chứng cứ điện tử, chứ không phải vật chất bình thường.
Để thu hồi tài sản, rất coi trọng phong tỏa tài khoản của người bị nghi tham nhũng ngay từ đầu, áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để xem dòng tiền đó đi đâu. Nếu đấu tranh trực diện thì rất khó.
Tới đây Bộ luật tố tụng hình sự sẽ đề nghị các biện pháp đặc biệt ví dụ thu giữ điện tử bí mật, khám xét bí mật, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài sản, kê biên tài sản ngay thời khâu điều tra để kết nối với thi hành án để bảo đảm bồi thường, thi hành án.
Chứ nếu không ra tòa, hỏi tiền đi đâu thì mất hết rồi.
PV: Có ý kiến cho rằng, khi giải trình không được nguồn gốc tài sản thì cũng phải tính đến việc thu hồi, ông đánh giá thế nào?
ĐB Đỗ Văn Đương: Các nước trên thế giới nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì có thể xem đó là tài sản bất hợp pháp để thu hồi. Còn ở Việt Nam chưa có quy định.
Nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa vào Bộ Luật Hình sự một tội làm giàu bất chính.
Tất nhiên, trong luật phòng, chống tham nhũng cũng có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản do đâu mà có, nhưng muốn là muốn đưa vào Bộ luật hình sự là làm giàu bất chính để xử lý hình sự nếu không giải trình được. Tôi ủng hộ quan điểm này.
PV: Trong báo cáo cả Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đều nhận định tham nhũng có tích chất lợi ích nhóm, ông có thấy thế?
ĐB Đỗ Văn Đương: Đây không phải là cái mới. Ngay trong Bộ luật hình sự đã có rồi, đó là tham nhũng có tổ chức, tham nhũng đông người, tình vi, cấp trên, cấp dưới, ngang dọc, trong, ngoài.