Ba năm, 6 người thiệt mạng vì cây đổ
Thống kê sơ bộ, từ năm 2013 tới nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 6 trường hợp thiệt mạng vì cây đổ đè chết người.
Tháng 8/2012, tại quận Hai Bà Trưng, một cây xà cừ trên phố Lò Đúc đổ đè bẹp chiếc taxi, khiến tài xế chết tại chỗ.
Ngày 5/9/2013, một cây xà cừ lớn trên phố Bà Triệu bất ngờ bật gốc, đè lên chiếc xe buýt đang lưu thông trên đường.
Trước đó, sáng 8/8/2013, một cây muồng trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) bất ngờ đổ xuống làm chết một người đi đường.
Ngày 07/6/2014, cây đổ trên đường Hùng Vương (quận Ba Đình) khiến một tài xế taxi tử vong.
Gần đây nhất, chiều 13/6/2015, trận dông lốc với mức gió giật cấp 9 đã khiến 2 người thiệt mạng vì cây đổ.
Sau mỗi vụ việc xảy ra, ngoài bài học cảnh báo người đi đường phải tự bảo vệ mình, tránh lưu thông qua các khu vực có cây cổ thụ già yếu thì câu hỏi đơn vị nào chịu trách nhiệm về những vụ việc đáng tiếc trên luôn nhức nhối, chưa được giải đáp (?)
Trên news.zing.vn, người đứng đầu UBND TP Hà Nội nhận trách nhiệm “là người chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên địa bàn thành phố”.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội - đơn vị chủ quản cây xanh trên địa bàn TP, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, với những thiệt hại sau cơn dông vừa xảy ra là sự cố bất khả kháng.
Và, những trường hợp này sẽ do công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm.
Đối với các vụ cây xanh đổ do thiên tai, gây thiệt hại đã từng xảy ra, đơn vị này cho rằng, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh.
Công ty chỉ được giao quản lý theo đơn đặt hàng của thành phố.
Đại diện Cty TNHH MTV Cty cây xanh còn viện dẫn, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do hạ tầng đô thị bị “biến dạng”.
Nhiều tuyến phố cải tạo, thi công vỉa hè lòng đường đào lên lấp xuống liên tục làm cho rễ cây lâu năm bị nông cạn.
Thông tin tới VietNamNet, bạn đọc N.Q.H chia sẻ:
Ngoài thông tin về cách trồng cây “đặc biệt” vừa được trận giông chiều 13/6 “chỉ ra”, còn có nguyên nhân khác khiến cây lâu lớn và không trụ được vững, đó là việc trong lúc thi công làm đường, đơn vị thi công còn cho xe đổ phế thải xây dựng xuống dưới nền, vừa “ăn tiền” được cả hai phía, sau đó chỉ đổ một lớp đất màu mỏng ở bên trên.
Vì vậy, cây trồng không lớn được và rất dễ bị đổ”.
“Xem xét trách nhiệm của chủ tài sản”
Theo Luật sư Hoàng Tùng (VPLS Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP Hà Nội), ngoài nguyên nhân thiên tai bất khả kháng, việc cây đổ đè chết người, gây thiệt hại về tài sản kinh tế của người dân, cần xem xét trách nhiệm của chủ tài sản, trách nhiệm của đơn vị được giao quyền quản lý tài sản đó.
“Cây xanh, các hạ tầng công cộng…khi được nhà nước giao quyền quản lý, chăm sóc…cho một tổ chức, đơn vị cụ thể thì có thể hiểu, đó là tài sản của nhà nước giao cho các đơn vị, tổ chức đó.
Đơn vị, tổ chức được giao quản lý sẽ có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản…cũng như chịu trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đối với những hậu quả do tài sản mà mình quản lý gây ra”.
Cụ thể đối với trường hợp cây đổ đè chết người trong đợt giông vừa xảy ra tại Hà Nội, luật sư Hoàng Tùng phân tích:
Loại trừ yếu tố thiên tai bất khả kháng, cần quy kết, xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản ở việc những cây đó là cây khỏe hay cây sâu bệnh; vị trí trồng cây có đúng theo quy hoạch – phân bố được cơ quan chủ quản đó lập ra; xem xét việc trồng cây có đảm bảo kỹ thuật để cây sống, vừa đảm bảo an toàn tính mạng người dân, đảm bảo an toàn giao thông…hay không.
“Hàng năm trước mùa mưa bão, các đơn vị quản lý cây xanh đều phải kiểm tra, chặt tỉa những cây không đảm bảo, cây sâu bệnh…để đề phòng cây gẫy đổ khi mưa bão, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân.
Nếu những cây đổ trong đợt giông vừa rồi là cây sâu yếu, chưa được chặt tỉa; cây trồng sai, không đúng quy hoạch, phân bổ…thì đó là trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh” – luật sư Hoàng Tùng phân tích.
Cùng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ý kiến: tại Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định:
"Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây đổ gãy gây ra, trừ trường hợp hoàn toàn xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, điều quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân xảy ra để xác định lỗi cố ý hay do sự kiện bất khả kháng.
Tức là cần chứng minh được rằng trong trường hợp này, phía công ty cây xanh biết trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần nhưng không tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao.