Những lo âu...
Sau rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, vào ngày 6/3/2008, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô. Theo tờ trình, Bộ Xây dựng đề xuất việc mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội theo hướng: ranh giới Thủ đô Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Tiếp đó ngày 31.3.2008, HĐND tỉnh Hà Tây đã họp bất thường và với 100% biểu quyết, Nghị quyết sáp nhật về Hà Nội được thông qua.
Tại kỳ họp tháng 5/2008, với 458/475 ĐBQH tán thành (chiếm 92,9%), QH khoá XII đã thông qua NQ về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan chiều nay, 29/5. NQ này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008.
Dù vậy, trước thời điểm thực thi Nghị quyết này của Quốc hội, trong dư luận từ cán bộ tới nhân dân của Hà Tây và Hà Nội đã bày tỏ rất nhiều những nỗi âu lo, những băn khoăn.
Một vấn đề được nhiều người dân Hà Tây đặt ra lúc đó là, sau khi sáp nhập thì phải được quan tâm như nhau.
Phát biểu tại kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Hà Tây, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tây khi đó, ông Bùi Xuân Hộ thẳng thắn: "Người dân băn khoăn nhất là về Hà Nội liệu có được lâu không? Hộ nghèo của chúng ta còn nhiều, trên 9%, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc lo lắng sau khi sáp nhập, liệu có được chính quyền quan tâm sâu sát không".
Từng là Bí thư huyện ủy Chương Mỹ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây lúc bấy giờ, ông Nguyễn Trường Tiền chia sẻ băn khoăn này. Trước đây, Chương Mỹ đã từng có hai xã Tiên Phương và Phụng Châu nhập về Hà Nội rồi lại tách ra. Ông Tiền cho biết: "Hai xã về Hà Nội không được quan tâm nhiều, đường sá khi trở về lại Hà Tây mới được củng cố".
"Dân nghĩ là hầu như Thủ đô quan tâm nhiều hơn đến đô thị, các quận nội thành chứ ngó ngàng gì đến nơi xa xôi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh phải đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Dù không thể cào bằng, nhưng người dân Thủ đô phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Về Thủ đô thì dân phải được gì, chứ nếu không bằng khi ở Hà Tây thì không ổn", ông Tiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, đại biểu huyện Hoài Đức lúc đó - nơi từng có 6 huyện sáp nhập về Hà Nội trong 12 năm (1979 - 1991) - tâm tư: "Hà Nội phải có chính sách với ngoại thành, không nên chỉ tập trung cho nội thành. Phải giữ được tốc độ tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài mà Hà Tây có".
Cùng với đó, công tác cán bộ cũng được nhiều cán bộ, lãnh đạo tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ người đặt ra.
Ông Nguyễn Trường Tiền đề nghị "xem xét thấu đáo" công tác tổ chức cán bộ. "Có người nói hợp nhất xong, khả năng chủ yếu là cán bộ Hà Tây chỉ làm cấp phó thôi. Trách nhiệm của chúng ta và của Hà Nội là phải đoàn kết, công tác tổ chức phải công bằng, hợp lý".
Còn ông Bùi Xuân Hộ cũng cho hay, cán bộ tỉnh có nhiều tâm tư. "Trụ sở Hà Nội chật hẹp như thế, làm việc thế nào? Đi lại mất cả tiếng đồng hồ, làm việc, họp hành giờ giấc có đảm bảo không? Từ trước đến nay vẫn về nhà ăn trưa, nay đi họp sẽ phải ăn cơm "bụi". Cán bộ không phải ai cũng thông suốt, nên cần được quan tâm về tư tưởng".
Bên cạnh đó, không ít ý kiến của các nhà văn hoá, kiến trúc, người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về sự xô lệch văn hoá xứ Đoài, phá vỡ không gian làng... khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. Và ngược lại là sự xô lệch của văn hoá Hà Thành...
Không những vậy, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cũng như Vĩnh Phúc lúc bấy giờ cũng bày tỏ nhiều sự băn khoăn, lo lắng khi phải "cắt" những vùng đất trọng điểm kinh tế, du lịch dịch vụ về thủ đô....
Sự lạc quan, kỳ vọng
Bên cạnh những lo âu thì ngay lúc bấy giờ rất nhiều người dân, cán bộ của cả Hà Tây và Hà Nội đã bày tỏ niềm vui phấn khởi, lạc quan, kỳ vọng vào sự khang trang, phát triển hơn của một thủ đô mới.
Chia sẻ trên báo Sài Gòn Giải Phóng lúc bấy giờ, rất nhiều người dân ở Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đang trong tâm trạng hồ hởi, hồi hộp đợi từng ngày được nhập về Hà Nội. Trong quán nước, ngoài đình làng, trên đồng lúa… người ta râm ran kể chuyện, tính toán rằng nếu về Hà Nội thì người dân sẽ được gì, mất gì… và hầu như ai cũng mừng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ngoài 50 tuổi, ở xóm Lũng Vân, xã An Khánh (Hoài Đức), bảo: “Nếu về Hà Nội, chúng tôi sẽ có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất là đất đai sẽ lên giá. Thứ hai là nhiều người sẽ không còn phải mất công “chạy” hộ khẩu về Hà Nội vẫn nghiễm nhiên được trở thành dân Hà Nội. Thứ ba, về Hà Nội, khả năng thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ mạnh hơn nhiều so với Hà Tây hiện nay.
Các dự án sẽ mọc lên, việc làm cho người dân sẽ được cải thiện, thu nhập sẽ cao hơn. Nếu cứ giữ nguyên địa giới hành chính giữa Hà Nội và Hà Tây thì sẽ tạo ra khoảng cách địa lý, dẫn đến không thống nhất, làm khó cho cả Hà Tây và Hà Nội. Nhờ đô thị hóa, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống dân sinh ở vùng nông thôn Hà Tây sẽ đi lên rõ rệt”.
Anh Trần Xuân Long, 40 tuổi, ở thôn La Tinh, xã Đông La (Hoài Đức-Hà Tây) kể rằng, từ nhà anh sang địa giới hành chính của Hà Nội chỉ có 2-3km. Thế nhưng, nhiều năm qua, lúc nào anh cũng đau đáu chuyện làm sao để nhập được hộ khẩu vào Hà Nội.
Bởi chuyện hộ khẩu có liên quan đến nhiều thứ, chẳng hạn như tìm nơi học hành của con em, nếu có hộ khẩu Hà Nội thì sẽ không phải học “trái tuyến” (mức đóng góp thường gấp 1,5-2 lần trong tuyến).
Rồi chuyện đăng ký biển số xe, mang biển Hà Nội, xe bán luôn có giá hơn. Vả lại, có bìa hộ khẩu Hà Nội, hàng ngàn thanh niên sẽ xin việc dễ dàng hơn. Bởi từ trước đến nay là luôn ưu tiên hộ khẩu Hà Nội.
Ngoài ra, cái bìa hộ khẩu Hà Nội còn liên quan đến nhiều thứ khác, chẳng hạn như làm thủ tục vay vốn ngân hàng, phải có hộ khẩu Hà Nội mới được chấp thuận giải ngân… Bây giờ, những rào cản đó sẽ không còn nữa. “Chỉ cần ngủ qua một đêm là bỗng dưng trở thành người Hà Nội”, anh Long hồ hởi nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Đào Văn Bình lúc bấy giờ, khi trao đổi với báo chí cũng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, người dân phấn khởi khi trở thành người thủ đô. Theo dư luận, phần lớn người dân Hà Tây rất phấn khởi nếu được sáp nhập với Hà Nội, trở thành công dân của thủ đô. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, muốn đầu tư vào Hà Tây. Những nhà đầu tư đất đai đã làm giá đất khu vực này tăng lên, đời sống của người dân sẽ thay đổi.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường khi phát biểu tại phiên họp bất thường về việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng đã nhấn mạnh, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và không gian về phía Tây trong thời điểm hiện nay là hợp lý, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng và tạo quỹ đất cho việc xây dựng những công trình, dự án lớn, mang tầm vóc quốc gia, để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.