5 năm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội: "Tôi chưa thấy có gì mất cả!"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - "Những tinh hoa văn hoá xứ Đoài đã “bồi” thêm cho văn hoá Thăng Long. Văn hoá Thăng Long ngày càng giàu có lên nhưng vẫn giữ được các đặc trưng của mình".

LTS: Không chỉ là một nhà báo, ông còn là một nhà nghiên cứu văn hoá Hà Nội và "gia tài" lên đến 30 đầu sách riêng, hàng trăm đầu sách ký tên đồng tác giả về Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương nhưng ông lại gắn bó phần lớn cuộc đời mình với Hà Nội. Có ai đó đã nói rằng ông “phải lòng” Hà Nội. Ông chính là nhà bao, nhà nghiên cứu Giang Quân.

Ngày 1/8 vừa qua là tròn 5 năm ngày sáp nhập Hà Tây và một số địa phương vào Hà Nội. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân về những điều được mất của quyết định mở rộng Thủ đô.

	Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân (Ảnh: Tuấn Nam)

Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân (Ảnh: Tuấn Nam)

PV: Thưa ông, là nhà nghiên cứu văn hoá Hà Nội, sau 5 năm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông có thể chia sẻ đôi điều được, mất của quyết định lớn này không?

Nhà báo Giang Quân: Sau 5 năm sáp nhập Hà Tây và một số địa phương về Hà Nội, tôi thấy được nhiều hơn mất. Việc sáp nhập này cũng không phải lạ gì khi trước đây, xứ Đoài (tỉnh Sơn Tây cũ thường được gọi là xứ Đoài - PV) đã được sáp nhập vào Hà Nội rồi lại tách ra.

Cách đây 5 năm, khi sáp nhập Hà Tây - một tỉnh lớn vào Hà Nội, có nhiều người lo lắng nhất là những vị quan chức ở tỉnh Hà Tây cũ. Ngày ấy tôi đã được đọc một bài phú "Khóc Hà Tây" viết theo lối biền ngẫu tỏ ý tiếc cho văn hoá xứ Đoài, sợ rằng khi nhập về Thăng Long (Hà Nội) sẽ bị biến hoá và không còn chất của xứ Đoài nữa. 

Nhưng thực chất, qua 5 năm, văn hoá ấy không hề mất mà còn được tôn vinh thêm. Ví dụ như Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia, mặc dù có những vấn đề về phát triển và bảo tồn còn đang được giải quyết. Việc đó TP. Hà Nội đang và sẽ giải quyết được. 

Bên cạnh đó, lễ hội Chùa Hương - lễ hội kéo dài suốt cả mùa xuân bây giờ đã trở thành lễ hội được đồng bào cả nước biết đến. Trật tự giao thông cũng như chất lượng phục vụ tại đây đã khác hẳn 5 năm trước.

Cách đây khoảng 1 tháng, tôi có đi khảo sát 4 xã của huyện Lương Sơn được nhập về Hà Nội, thấy cơ sở vật chất khác hoàn toàn với thời kỳ còn thuộc tỉnh Hoà Bình. Tất cả đường cái vào làng đều được trải nhựa, các đường trong làng, ngõ xóm được bê tông hoá. Các công sở, trường học được xây dựng khang trang. 

Tôi gặp đồng bào dân tộc Mường ở đó là chủ yếu, thấy bà con phấn khởi lắm. Họ nói rằng: “Trước đây chúng tôi ở Lương Sơn, Hoà Bình như một nơi heo hút, bây giờ chúng tôi đã có điện, nước, trường học, trạm y tế được xây dựng.

Tôi cũng lên mấy xã miền núi của Ba Vì có đồng bào người Dao và Mường, thấy bà con phấn khởi khi được trở lại với Hà Nội. Cuộc sống đã có nhiều thay đổi khi phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển. Đồng bào Mường vẫn giữ được những đội cồng chiêng. Đồng bào Dao có Tết nhảy. Tức là họ vẫn bảo tồn được văn hoá dân tộc mình.

PV: Theo ông, khó khăn lớn nhất khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là gì?

Nhà báo Giang Quân: Sự sáp nhập Hà Tây về Hà Nội ban đầu có nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề cán bộ. Nhưng sau 5 năm, vấn đề này đã được giải quyết ổn thoả. Công tác điều hành cán bộ đã giải quyết được những nghi ngờ, ngần ngại về sự bố trí cán bộ. Điều này thể hiện được tinh thần trách nhiệm của các cán bộ ở cả hai địa phương. Chính sự ổn định về bộ máy hành chính đã tạo sự thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.

Các lễ hội của Hà Tây (cũ) đã đóng góp cho Hà Nội rất lớn. Xung quanh núi Tản có biết bao nhiêu các khu du lịch sinh thái. Các ngôi chùa, đình lớn của xứ Đoài đã trở thành di tích của Hà Nội và được quan tâm, tu bổ, sửa chữa. Tôi thấy văn hoá xứ Đoài được gìn giữ và phát triển. Dù sáp nhập vào Hà Nội nhưng không bị hoà tan. Những tinh hoa văn hoá xứ Đoài đã “bồi” thêm cho văn hoá Thăng Long càng giàu có lên mà vẫn giữ được các đặc trưng của mình.

Ngược lại, văn hoá xứ Đoài cũng được tiếp thu thêm nhưng tinh tuý của văn hoá Thăng Long. Sự giao thoa này tạo điều kiện cho Hà Nội đi lên một cách vững chắc. Với tình thế hiện nay, tôi nghĩ bước đầu gay go nhất đã qua. Bây giờ việc đi lên cần sự đoàn kết và trách nhiệm chung của cán bộ đảng viên của hai đơn vị sau khi được sáp nhập. Tôi tin là sẽ có những triển vọng mới.

PV: Cái được thì nhiều như vậy nhưng còn những điều mất thưa ông?

Nhà báo Giang Quân: Những cái mất ư? Tôi chưa thấy có gì mất cả.

PV: Có một số ý kiến cho rằng cái mất chính là ở chỗ khi các di tích lịch sử được tu sửa nhưng không đến nơi đến chốn đã làm mất đi nhiều giá trị lịch sử không thể lấy lại. Trong đó, việc liên quan đến Chùa Trăm gian và Làng cổ Đường Lâm là những ví dụ sinh động. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà báo Giang Quân: Đó chỉ là do yếu tố cán bộ, chính quyền cơ sở. Mà chính quyền cơ sở không phải là do người Hà Nội (ở địa phận cũ) đến. Chính Đường Lâm là do TX. Sơn Tây giải quyết chậm, báo cáo chậm nên không có hướng giải quyết sớm. 

Còn chùa Trăm Gian nằm trong địa phận của xứ Đoài, nhưng địa phương ấy, ban quản lý di tích ấy tại sao lại không báo cáo rõ cho TP. Hà Nội. Việc giải quyết chậm là một thiếu sót mà đáng lẽ phải giải quyết sớm hơn nhưng tôi cho đó cũng không phải là một cái mất. Đó là sự chệch choạc về quản lý.  Đó là bài học rất đau cho các nhà quản lý.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, các nhà quản lý của Hà Nội cần phải làm gì để việc sáp nhập Hà Tây và Hà Nội không đơn thuần chỉ là phép cộng số học?

Nhà báo Giang Quân: Tôi không nghĩ việc sáp nhập này là một phép cộng số học mà đó là một sự giao lưu, trao đổi với nhau. Tôi không nghĩ trong sự sáp nhập này có bên mất và bên được, mà nghĩ chúng ta cùng đi lên trên một bước phát triển mới với sự cộng lực từ hai địa phương. Với các nhà quản lý, cái đầu tiên phải là sự đoàn kết, thấy rõ trách nhiệm của nhau trong sự nghiệp chung.

PV: Suy nghĩ của ông về Hà Nội mới sáp nhập cách đây 5 năm so với bây giờ có khác nhau nhiều không, thưa ông?

Nhà báo Giang Quân: Tôi vẫn nghĩ như cách đây 5 năm.

PV: Ông hy vọng điều gì vào Hà Nội trong thời gian tới?

Nhà báo Giang Quân: Tôi hy vọng giao thông của Hà Nội sẽ tốt lên. Chúng ta đã bước đầu thấy rõ được sự cần thiết phải hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Thứ hai là quy hoạch xây dựng Thủ đô đã có. Bây giờ quy hoạch cũ của Hà Tây và quy hoạch mới của Hà Nội phải hợp và thống nhất với nhau. Tôi tin rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển tốt theo hướng như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại