Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ - Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng:
"Việc Việt Nam giành quyền được đăng cai tổ chức Asiad 18 vào năm 2019 sau cuộc cạnh tranh giữa các nước, tôi cho rằng đây là niềm vinh dự và hết sức tự hào khi giành được sự tin tưởng của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA).
Đây sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời việc tổ chức đăng cai Asiad còn đem đến cho Việt Nam một cơ hội để nâng cao hình ảnh, quảng bá về đất nước, con người, đặc biệt là phát triển du lịch ở Việt Nam. Hơn nữa, nền thể thao nước nhà cũng có thêm cơ hội để nâng tầm.
Tuy nhiên, khi xem xét một vấn đề bao giờ cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Tôi cho rằng tổ chức Đại hội thể thao Châu Á chỉ thực sự đem lại những thuận lợi, lợi ích cho người dân, cho đất nước khi đất nước đó có đủ cơ sở hạ tầng, vật chất, giao thông, công trình, sân vận động ở mức khá trở lên.
Mặt khác, kinh phí chi cho việc tổ chức đại hội là con số khá lớn. Điều này đối với Việt Nam thực sự vẫn còn rất rất nhiều vấn đề khúc mắc, khó khăn, nhất là khi kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, cuộc sống người dân nhiều nơi còn chưa đáp ứng nổi điều kiện bình thường.
Hạ tầng cơ sở còn thiếu, còn yếu; các khu vui chơi, khu tổ chức thi đấu các môn thể thao giành cho Asiad hầu như không có nhiều, hoặc có thì ở tình trạng xuống cấp trầm trọng, phải tu sửa, nâng cấp.
Xét về điều kiện như vậy, tôi thiết nghĩ rằng việc Việt Nam đăng cai Asiad 18 vào năm 2019 là chưa đúng thời điểm. Do đó mặc dù phải nói thật suy nghĩ là cá nhân tôi cũng rất thích nếu chúng ta tổ chức đăng cai nhưng xem xét trên tổng thể thì tôi đồng tình với ý kiến “Việt Nam nên rút đăng cai tổ chức Asiad 18”. Cơ hội sẽ còn rất nhiều chứ không chỉ có một ở Asiad 18", Luật sư Bách nói.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Bách đã đưa ra 5 lý do để Việt Nam nên rút đăng cai tổ chức Asiad 18.
"Thứ nhất, thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn. Năm 2013 vừa qua là năm thứ 6 nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Thử hỏi, kinh tế phát triển như vậy thì Việt Nam lấy nguồn kinh phí ở đâu để đầu tư cho việc đăng cai Asiad?
Thứ hai, chúng ta đều biết, các công trình giao thông, hạ tầng cơ sở, cầu cống còn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân ở một số nơi. Nhiều học sinh, giáo viên ở vùng cao, vùng núi phải đối mặt với nguy hiểm khi cắp sách tới trường, vượt sông mà không có cầu, lội nước đến ngập bụng, ngập đầu, thậm chí giáo viên còn phải chui vào túi nilong để vượt sông, học sinh thì trượt dây để băng qua sông suối tới trường.
Thử hỏi, đời sống nhân dân còn nhiều cực khổ như vậy chúng ta còn chưa đáp ứng mà lại dành hơn 5.000 tỉ đồng đăng cai Asiad là không ổn.
Có lẽ các vận động viên và bản thân các nhà tổ chức, các đoàn thi đấu nếu biết thực trạng của chúng ta còn đang khó khăn thì tinh thần thi đấu thể thao của họ cũng kém hào hứng.
Mà kém hào hứng tức là thành tích sẽ có thể bị ảnh hưởng và mục đích của kỳ thi đấu, của đại hội không đạt được thì chúng ta có nên tổ chức không?
Tôi nghĩ cần phải xem xét trên góc độ tổng thể của nền kinh tế và sự phù hợp với các vấn đề phát triển của các ngành mà ưu tiên cho hợp lý, nếu không sẽ khập khiễng và có lỗi với nhân dân.
Thứ ba, thực tế cho thấy, bài học về tổ chức Seagames 22 vẫn còn đó, khi kinh phí dự trù ban đầu là 90 triệu USD, nhưng thực chi đến 300 triệu USD (gấp hơn 3 lần kinh phí dự trù).
Con số dự trù ban đầu cho Asiad để thuyết phục Chính phủ là 4.162 tỉ đồng, trong đó thực chi là 3.149 tỉ đồng tương đương 150 triệu USD. Nhưng đến bây giờ, như tính toán sơ khai thì con số này vọt lên đến 5.800 tỉ đồng, đó là chưa kể chi phí tu sửa các công trình có sẵn. Thử hỏi với đồng tiền mất giá, với lạm phát như hiện nay thì đến năm 2019, con số này sẽ lên tới bao nhiêu?
Thứ tư, như sau khi tổ chức Seagames, nhiều công trình thể thao được xây dựng, nhưng hiện nay, số lượng không được sử dụng đến còn rất nhiều, nhiều công trình bỏ không. Vậy nên, nếu xây dựng nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo, trường bắn súng, khu đua thuyền, làng vận động viên thì công năng sử dụng các công trình này sau khi Asiad tổ chức xong cũng kém hiệu quả.
Một số môn thể thao đến VĐV nước mình còn chưa có thì thử hỏi xây xong thì người dân có tham gia tập luyện thi đấu hay không?
Thứ năm, thực tế trong lịch sử, không phải là chưa có tiền lệ xin rút không đăng cai Asiad. Đã có hai nước xin rút đăng cai Asiad ngay ở phút chót. Đầu tiên đó là Hàn Quốc với Asiad năm 1970, khi dư luận đất nước lên tiếng về tình hình kinh tế khó khăn ở Hàn Quốc thì nước này đã phải xem xét lại việc đăng cai Asiad 1970.
Sau đó là Pakistan, Singapore với Asiad năm 1978. Sau đó Thái Lan đã đứng ra tổ chức với sự hỗ trợ kinh phí của các nước và của AGF. Như vậy, nếu Việt Nam từ bỏ quyền đăng cai Asiad 18 thì cũng không phải là trường hợp đầu tiên.
Tất nhiên nếu từ bỏ thì chúng ta mất đi một cơ hội nhưng chúng ta lại tránh được nhiều hậu quả khó khăn trong tương lai. Tôi nghĩ rằng với kinh tế khó khăn như thế này thì chính phủ phải nhìn vào thực tế để yêu cầu các đơn vị tham vấn và có một quyết định đúng đắn, tránh hình thức lãng phí và có lẽ cũng không có gì là mất mặt với các nước khi lý do kinh tế của Việt Nam còn khó khăn.
Từ 5 lý do trên, tôi đồng tình với quan điểm Việt Nam nên rút đăng cai Asiad, thay vào đó dành kinh phí để hoàn thiện đời sống, cơ sở vật chất, hạ tầng cho người dân", Luật sư Bách nhấn mạnh.
Trân trọng mời quý độc giả gửi ý kiến thảo luận và viết bài xung quanh vấn đề đăng cai hay xin rút không đăng cai tổ chức Asiad 18. Những bài hay của quý độc giả (hoặc giới thiệu được bài hay) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ [email protected].