Những tháng đầu năm, hàng trăm ngư dân tỉnh Quảng Ngãi dong tàu ra khơi, đi về các vùng biển hoang để săn sò tai tượng (thường gọi là sò tượng).
Đây là loài thuỷ sản quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Thế nhưng, nhiều ngư dân vẫn bất chấp lệnh cấm để mong đổi đời, vì mỗi con sò tượng bán với giá từ 500.000 đồng đến 40 triệu đồng. Thực tế, đời chưa đổi đã vội đổi nhà (vào tù)!
Những thương vụ lén lút
Buổi sáng đầu tháng 3, mặt trời vừa nhô lên khỏi biển, cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) rộn ràng hẳn lên bởi những con tàu cập bến. Trái ngược với cảnh mặc cả “rầm rầm” giữa chủ tàu và thương lái bên các con tàu đánh cá, chuyện mua bán ở các con tàu chuyên săn sò tượng diễn ra khá kín đáo. Ai không có chủ tâm tìm hiểu thì khó biết.
Rón rén lắm, chúng tôi mới tiếp cận được nhóm người đang rỉ tai nhau giá cả từng con sò tượng cạnh tàu QNg 963…TS của ngư dân Trần T vừa cập bến. “Soạt, soạt!”, T kéo tấm bạt phủ trên boong ra. Lập tức, mắt những người xung quanh trợn tròn, miệng há hốc. Họ cùng ồ lên một tiếng dài và nhỏ khi thấy hàng chục con sò tượng đường kính từ 0,5 - 1m được cột chặt trên khoang tàu. Mỗi con nặng chừng 50 - 70kg, vỏ sần sùi, phủ rêu phong… Sau năm phút mặc cả, hai thương lái Trung Quốc định giá tổng số sò trên 1 tỷ đồng và thương vụ kết thúc.
“Các thương vụ lén lút như trên gần như tuần nào cũng diễn ra ở cảng cá này. Bởi một số tiền quá lớn đối với một chuyến ra khơi trên dưới một tháng. Theo đó, đã có hàng chục tàu ở cảng cá Sa Kỳ bỏ nghề đánh cá chuyển qua săn sò tượng, bất chấp lệnh cấm cũng như hiểm nguy rình rập”, ông Trần Quốc Thanh - “thổ địa”, người giúp chúng tôi trong chuyến thực tế - chia sẻ.
Đã có những ngư phủ gặp nạn khi đi săn sò tượng nhưng luôn được chủ tàu cũng như gia đình giấu kín, nhằm tránh rắc rối với các cơ quan chức năng. Không gặp nguy hiểm sao được khi loài sò này sống ở các vùng biển ít ai đặt chân tới và thường dính chặt vào những tảng đá ở các rạn san hô dưới đáy đại dương. Do đó, thợ dù là lành nghề nhiều năm ở biển, nhưng sơ sẩy một chút là coi như tiêu.
“Chưa hết, do phải đi săn ở những vùng biển “hoang vu” vắng người, nên cả chủ tàu và ngư phủ dễ trở thành “con mồi” cho phường bất lương là chuyện sớm muộn gì cũng xảy ra; bởi thông tin về các thương vụ mua bán sò tượng lén lút lên đến hàng tỷ đồng ngày nào cũng được ngư dân truyền khẩu”, ông Trần Đầy, một ngư dân xã Bình Châu, cảnh báo.
Cái “bẫy”của thương lái Trung Quốc?
Những người săn sò đều không biết thương lái Trung Quốc mua vỏ sò tượng để làm gì. Ngư dân hỏi thì họ chỉ nói mua về để làm đồ mỹ nghệ, một số khác nói mua về để làm trang trí các đồ gỗ cao cấp trong những gia đình giàu có hay làm bồn, chậu rửa tay, bồn tắm… “Mình làm biển, thấy thương lái mua được giá nên đổ đi khai thác, chứ quan tâm đâu mấy chuyện kia”, ngư dân Trần T nói.
“Kiểu này coi chừng trước sau gì cũng rơi vào bẫy như nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài chuyện tay trắng coi chừng lại vô tù”, ngư dân Trần Đầy tiếp tục cảnh báo.
Và theo ông Thanh, thời gian gần đây đã có những tàu trúng đậm sò tượng nhưng hẹn hoài không thấy thương lái xuất hiện. Hay có những trường hợp thương lái không đến trực tiếp cảng cá Sa Kỳ mà điều tàu của ngư dân xã Bình Châu ra Nha Trang hay Quy Nhơn để xem hàng. Thực tế, có những ngư dân vì nôn nóng bán được hàng nhằm bù đắp cho chuyến đi săn, nên đã đi theo sự điều khiển của thương lái người Trung Quốc, để rồi bị bắt khi sản phẩm chưa được tiêu thụ, đã vướng vòng tù tội.
Cụ thể, chiều 17.3, tàu cá QNg 95841-TS của ông Nguyễn Hoa, 40 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã bị cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh Bình Định bắt giữ khi đang vận chuyển 150 con sò tai tượng cập cảng cá Hàm Tử, Quy Nhơn.
Hay trước đó, vào tối ngày 1.3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng phát hiện tàu cá QNg 95337-TS của ngư dân Trương Tày, 40 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đang vận chuyển 20 con trai tai tượng…“Bị bắt cũng đồng nghĩa với trắng tay và vô tù như ông Trần Đầy cảnh báo”, ông Thanh chua xót.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Ngư dân khai thác số lượng lớn sò tượng ở các vùng biển trong nước và vùng biển nước ngoài, đều vi phạm pháp luật Việt Nam lẫn quốc tế và có thể bị phạt đến 7 năm tù.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng ngăn chặn nạn khai thác sò tượng trái phép, bảo vệ loài sò tượng có nguy cơ tuyệt chủng này. Bên cạnh đó, kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân đừng quá tin vào thương lái người Trung Quốc, đổ xô đi săn sò tượng, để rồi phải trắng tay khi bị bắt hay khi thương lái người Trung Quốc lặn mất tăm; vì ở Việt Nam không mua loại sản phẩm đó, hơn nữa đó lại là hàng cấm”.