Gần đây hiện tượng giới trẻ tự tử ngày càng có xu hướng tăng và trẻ hóa, thậm chí nhiều trường hợp quyên sinh do bị bố mẹ, thầy cô chửi mắng, do sức ép gia đình, do bị đánh mất tiền quỹ lớp, gia đình phản đối bạn đời…Đó không chỉ là chuyện của cá nhân, của gia đình, nhà trường mà còn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Hiện tượng lạm dụng, bạo hành trẻ em ngày càng tăng. Nhiều bậc cha mẹ, giáo viên vô tình lạm dụng trẻ mà không hề biết. (ảnh minh họa).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều thầy cô giáo, bố mẹ vô tình bóc lột sức lao động của trẻ em, vi phạm luật trẻ em mà không biết.
Ông Nguyễn Trọng An - Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH.
“Ví dụ như bố mẹ bắt con quỳ, dùng lời lẽ sỉ nhục đứa trẻ.Những đứa trẻ có thần kinh yếu nếu bị sỉ nhục có thể nghỉ học, trầm cảm, tự tử hoặc bị sang chấn khác.
Tại sao cô giáo vừa mắng, một em học sinh lao ngay ra hành lang nhảy tự tử? Hay đứa trẻ treo cổ tự vẫn trong nhà khi bố mẹ mắng không đỗ đại học?
Tất cả hình thức xâm hại đều để lại thương tích trên cơ thể hoặc tâm hồn đứa trẻ. Vấn hại xâm hại trẻ em ở Việt Nam vẫn đang xảy ra và không hề giảm”, Phó Cục trưởng khẳng định.
Và theo ông An, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ có xu hướng tự tử cao, tình trạng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam ngày càng gia tăng mặc dù chính quyền, tổ chức đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, đó là:
Thứ nhất, vấn đề giáo dục gia đình của Việt Nam còn kém, bị coi nhẹ.
Hiện tượng bố bị con đẩy ra ngoài đường, mẹ bị con chửi mắng đòi đất, đuổi ra khỏi nhà bắt đi ăn xin... khiến nhiều người xót xa.
Chúng ta có khẩu hiệu “gia đình là tế bào của xã hội”, là “pháo đài”, nhưng kỳ thực chúng ta đã làm gì để có văn hóa gia đình? Phải giáo dục đạo đức trong gia đình, bố mẹ nói con cái nghe, ông bà, bố mẹ phải là gương cho con cháu.
Những trường hợp bức tử con (mẹ ôm con tự tử), giết con (cho con uống thuốc trừ sâu) nguyên nhân là do văn hóa.
Hay văn hóa trọng nam khinh nữ (vụ việc bố đốt con) và tại sao 5 em học sinh buộc khăn đỏ vào tay rồi nhảy xuống sông tự tử? Đó là quan niệm văn hóa trọng nam khinh nữ.
Thứ 2, do pháp luật Việt Nam chưa kiện toàn, chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và xử lý chưa nghiêm.
Điều khoản nào quy định nếu bố mẹ mắng mỏ con thì bị phạt? Những lời nói sỉ nhục, đánh đập là nguyên nhân gián tiếp gây ra trẻ em bị chết, đó là bức tử con.
Nhưng quy định pháp luật đã có chưa? Nếu có quy định thì xử thế nào? Chúng ta xử chưa nghiêm minh, công bằng, bình đẳng trước pháp luật.
Thứ 3, vấn đề gốc rễ bao trùm chính là do đói nghèo, sự tăng trưởng quá nhanh của nền kinh tế, mặt trái của kinh tế thị trường.
Một số gia đình bức bách quá, túng quẫn quá giết con, bỏ con. Rồi kinh tế quá nghèo, bố mẹ mải làm ăn bỏ con ở nhà, con bị hiếp dâm, tự tử xảy ra không ít. Hơn nữa, sự tác động xấu của truyền thông, phát triển internet khiến ngày càng có nhiều tội phạm trẻ hóa.
Cuối cùng, là do mạng lưới cộng tác viên làm công tác tuyên truyền, ngăn chặn xâm hại trẻ em ở vùng miền mỏng, kinh phí thiếu và hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Đó cũng là khó khăn lớn nhất trong việc hạn chế số lượng trẻ bị xâm hại.
“Chúng tôi có triển khai một chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015, một trong những hoạt động đó là phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em.
Chúng tôi đã triển khai bằng các văn bản đến từng địa phương, hướng dẫn cho người lớn biết được thế nào là xâm hại trẻ em, vi phạm các điều công ước quốc tế bảo vệ trẻ em như đánh đập, sỉ nhục, bắt lao động nặng nhọc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đa phần đều can thiệp chậm, không phòng ngừa được”, Cục phó chỉ rõ.
Về vấn đề này, ông Trọng An cho rằng, hiện nay mạng lưới con người cộng đồng mỗi địa phương phát hiện, ngăn ngừa và can thiệp sớm trường hợp có nguy cơ lạm dụng còn thiếu; rất ít người đủ tâm huyết và kiên trì để làm công tác này.
Trước đây là 162 nghìn cộng tác viên trên 11 ngàn xã nhưng hiện nay còn khoảng 40 ngàn (trước 1 xã ít nhất 10 cộng tác viên, giờ 1 xã chỉ được 1 – 2 người).
Thay cho lời kết, Cục phó Cục Bảo vệ trẻ em kiến nghị: “Chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn các địa phương, xây dựng mạng lưới đội ngũ để làm thế nào có ngăn ngừa, phát hiện sớm trước khi em bé bị xâm hại”.