3 thủ khoa đại học chia sẻ bí quyết thi tốt nghiệp THPT

Thiên Di |

(Soha.vn) - Chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản sách giáo khoa và tạo tâm lý thoải mái khi làm bài, các bạn có thể đạt được điểm cao 6 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trần Xuân Bách - thủ khoa ĐH Y 30 điểm: Không nên học quá nhiều

Với số điểm thi tốt nghiệp: Toán và Hóa 10 điểm, Xuân Bách cho rằng, để đạt điểm cao các môn thi tốt nghiệp là điều đơn giản, chỉ cần nắm vững lý thuyết trong sách giáo khoa, luyện tập nhiều các đề thi năm trước và khi làm bài cần cố gắng bình tĩnh, đọc kỹ đề để tránh nhầm lẫn vì nhiều bạn chủ quan làm nhanh sẽ dẫn đến sai sót.

Trần Xuân Bách (thủ khoa ĐH Y Hà Nội năm 2012 với tổng điểm 30).

Trần Xuân Bách (thủ khoa ĐH Y Hà Nội năm 2012 với tổng điểm 30).

“Đối với môn Toán cần làm đủ ý, trình bày rõ ràng, không làm tắt. Vì là thi tốt nghiệp nên kiến thức cũng hoàn toàn trong SGK. Môn Hóa cần chú ý đọc kỹ đề bài, làm nhiều bài tập trong cuốn hướng dẫn ôn tập. Đối với những môn không phải sở trường, phải học thuộc như Sử, Địa thì em tập trung ôn nhiều hơn, tập trung nghe thầy cô giáo giảng trên lớp và xoay quanh kiến thức SGK”, Xuân Bách bật mí.

Nhận thấy tâm lý chung nhiều bạn học sinh cuối cấp cố gắng “cày đêm”, “cày ngày” trong tuần cuối cùng bước vào kỳ thi tốt nghiệp, Bách khuyên các bạn nên kết hợp nghỉ ngơi, chơi thể thao hợp lý tránh có tâm lý lo lắng, hồi hộp trước khi thi.

“Khi vượt qua kỳ thi, ai cũng bảo hai kì thi không quá sợ hãi như họ đã nghĩ. Chính vì thế, các bạn cần đối mặt với các cuộc thi đó một cách bình tĩnh, không quá lo lắng đánh giá quá cao đề thi và cũng không chủ quan dẫn đến nhầm lẫn sai sót. Trước kỳ thi, các bạn cần có một kiến thức vững, không cần phải học quá nhiều, tập trung vào ôn lại và khắc sâu kiến thức. Nhưng cũng nên nghỉ ngơi thư giãn, chơi thể thao để tâm lí thoải mái, không bị căng thẳng”, chàng trai thủ khoa đại học 30 điểm đưa ra lời khuyên.

Thủ khoa khối C ĐH Luật: Bằng Giỏi tốt nghiệp không khó

Nguyễn Thị Hương, thủ khoa khối C của Trường ĐH Luật năm 2012 với 26 điểm (Văn: 8.75; Sử: 8.5; Địa: 8.75) và trong kỳ thi tốt nghiệp, Hương đạt bằng Giỏi với tổng điểm 55/60.

Nguyễn Thị Hương - thủ khoa khối C, ĐH Luật năm 2012 đưa ra lời khuyên cho các sỹ tử.

Nguyễn Thị Hương (trái) - thủ khoa khối C, ĐH Luật năm 2012 đưa ra lời khuyên cho các sỹ tử.

Để có được thành tích đó, Hương chia sẻ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, trình bày sạch đẹp, không lan man, dài dòng, theo kinh nghiệm 1 điểm tương đương với 1 mặt giấy. Hãy nghe Hương về cách đạt điểm cao môn Địa, Văn nhé!

Môn Văn: Cấu trúc đề thi thường có 3 câu gồm: câu 1 (tái hiện kiến thức); câu 2 (nghị luận xã hội) và câu 3 (nghị luận văn học).

Ở câu 1 (2 điểm) khi ôn cần tập trung phần ghi nhớ tổng kết mỗi bài về tác giả, tác phẩm, giá trị nghệ thuật, nội dung tư tưởng. Phần này chỉ cần đủ ý và đúng.

Ở câu 2 (3 điểm) giành 1/3 thời gian để làm, tránh lan man mất thời gian (làm khoảng 2 – 3 mặt giấy thi). Để làm được câu nghị luận xã hội cần học sinh có kiến thức xã hội tương đối rộng về các vấn đề nhạy cảm, thiết thực hay đạo lý xã hội hiện nay.

Ở câu 3 (5 điểm) dễ ăn điểm nhưng cũng là câu khó nhất. Câu nghị luận văn học nên giành nửa thời gian để làm.

Môn Địa: có 5 câu bao gồm: địa tự nhiên, địa dân cư, địa kinh tế xã hội, biểu đồ và dựa vào atlat. Trong đó, câu khai thác atlat dễ kiếm 2 điểm vì học sinh được phép mang atlat vào phòng thi và cần thời gian làm quen với atlat.

Phần vẽ biểu đồ (3 điểm): cần chú ý đọc đề để hiểu yêu cầu thể hiện như thế nào, gạch chân những từ quan trọng và vẽ biểu đồ miền, hình tròn hay cột, đường cho đúng với yêu cầu. Ví dụ: thể hiện cơ cấu tỷ trọng thì vẽ biểu đồ hình tròn, chuyển dịch cơ cấu vẽ biểu đồ miền…

Hơn nữa, cần chú ý đến việc chú thích biểu đồ ngắn gọn, rõ ràng, viết tên biểu đồ và học cách vẽ biểu đồ bằng bút bi (bút chì không được sử dụng trong bài thi viết). Không nên viết lan man, chỉ cần đủ ý và đúng là đạt điểm cao.

Đối với 6 môn thi tốt nghiệp đều nằm trong kiến thức cơ bản, các bạn chỉ cần tập trung tiếp thu trên lớp, làm bài tập đơn giản, tổng hợp lại kiến thức, dạng bài đề hay ra. Tạo tâm lý thoải mái là quan trọng nhất (tự tin+ tâm lý= 50% chiến thắng). Nhiều bạn thường hoang mang, lo lắng quá nên kết quả không được tốt.

Trước ngày thi 1 tuần, Hương không tập trung học nhiều, ôn lại kiến thức căn bản, không đặt nặng thời gian học mà quan trọng là hiệu quả và hứng thú học để đầu óc thoải mái. Thời gian mình học từ 7h tối – 11h tối và không hề thức khuya, dậy sớm.

Đặc biệt, giành thời gian đi chơi với bạn bè, gia đình để tạo tâm lý thoải mái kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Những ngày sắp thi, Hương luyện dậy sớm để quen tránh việc muộn giờ thi hoặc cảm thấy uể oải khi thay đổi đột ngột giờ giấc.

Thủ khoa khối D ĐH Luật 27, 5 điểm: Lập thời gian biểu học xen kẽ các môn

Với số điểm Toán: 9; Văn: 9 và tiếng Anh: 10 thi đại học, Đặng Vũ Thùy Linh giành thủ khoa khối D1, ĐH Luật Hà Nội năm 2012. Hơn nữa, Linh còn đạt 10 điểm Toán và tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp 2012. (Sử:8,5; Địa 8 điểm; Văn: 8,5).

Đặng Vũ Thùy Linh - thủ khoa khối D1, ĐH Luật cho rằng: Để ôn hiệu quả, cần lập ra thời gian biểu cho 6 môn để học.

Đặng Vũ Thùy Linh - thủ khoa khối D1, ĐH Luật cho rằng: Để ôn hiệu quả, cần lập ra thời gian biểu cho 6 môn để học.

Đối với Linh, để có kết quả thi tốt nghiệp tốt, các bạn cần lên thời gian biểu học 6 môn thi xen kẽ, quay vòng chứ không tập trung vào 1 -2 môn, tránh học nhồi nhét kiến thức. Đối với các môn học thuộc nên học buổi sáng, chiều và tối làm đề luyện sẽ hiệu quả hơn.

Đưa ra một số lưu ý khi làm bài thi, Linh nói: “Cần nắm chắc vùng kiến thức cơ bản nhất và trình bày logic, khoa học nhất là các môn học thuộc sẽ gây ấn tượng cho người chấm nên dễ được điểm cao. Nội dung bài thi cần đủ ý, ngắn gọn và xúc tích. Đặc biết, trước khi vào phòng thi, sáng không nên cầm sách vở học mà nên để đầu óc thư giãn tránh tạo tâm lý lo lắng, gây áp lực khi làm bài”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại