27 điểm vẫn trượt đại học: “Không có gì đáng ngạc nhiên”

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Nói về hiện tượng “27 điểm vẫn trượt đại học”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: "Chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên…".

Chiều nay, 20/11, buổi chất vấn tại Quốc hội tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Mở đầu buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã “chia lửa” với Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình bằng việc trả lời một số câu hỏi liên quan đến ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (Ảnh: Báo Người lao động)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (Ảnh: Báo Người lao động)

Trước ý kiến về việc dường như đang có “nghịch lý” khi có những thí sinh thi đại học 27 điểm vẫn trượt Đại học Y trong khi đó, nhiều khu vực của đất nước còn thiếu bác sỹ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: “Việc tuyển sinh vào các trường đại học, các trường tự quyết định điểm chuẩn vào trường (cao hơn hoạc bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT). Với tư cách Bộ trưởng, tôi không có quyền tham dự vào việc đó. Việc có những em 28-29 điểm mới đỗ vào trường Đại học Y và có những em 27 điểm thì trượt, chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên. Và về mặt luật tôi không thể can dự vào”.

Về “giải pháp” cho vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho rằng: “Với các cháu này (các thí sinh thi đại học đạt 27 điểm vẫn trượt đại học – PV) hoàn toàn có khả năng để đậu vào các trường khác. Đào tạo nguồn nhân lực nói chung, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế cho các vùng khó khăn, chúng tôi đã thực hiện chính sách cử tuyển dành cho các vùng ưu tiên. Qua theo dõi thực tế, tôi xin khẳng định không có một cháu nào thuộc diện ưu tiên, cử tuyển thi được 27 điểm mà không đỗ đại học”.

Bên cạnh đó, giải thích ý kiến cho rằng khu vực trường mầm non có số biên chế tăng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Về vấn đề các cô nuôi dạy trẻ như đã nêu, chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan để xây dựng thông tư hướng dẫn xác định vị trí việc làm ở các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non.

Theo đó, định hướng của chúng tôi là không tách riêng 1 cô nuôi, 1 cô dạy, mà cô giáo mầm non vừa có nghiệp vụ nuôi vừa có nghiệp vụ dạy nhưng có thêm một số các nhân viên cấp dưỡng. Biên chế của khu vực mầm non tăng lên vì còn phải biên chế những người làm nhiệm vụ nuôi nữa. Giờ làm việc của các cô cá biệt không chỉ 8h mà thậm chí 10h, vì các mẹ thường hay gửi sớm để đi làm hay đón con muộn nên tính toán hệ số giờ làm cho các cô cao hơn”.

Về vấn đề bằng giả và mua bán bằng cấp, vị Tư lệnh ngành Giáo dục cho hay: “Gần đây Cục Xuất nhập cảnh phát hiện khá nhiều bằng giả của các cháu tốt nghiệp THPT, ngành GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành phát hiện những vụ việc nghiêm trọng như báo chí đăng.

Đến thời điểm này chưa phát hiện có trường nào tổ chức buôn bán bằng giả. Đây là việc ngoài xã hội. Về biện pháp xử lý việc, Bộ chỉ đạo tất cả nhà trường đại học, cao đẳng, THPT…tiến hành công khai danh sách học sinh, sinh viên của mình tốt nghiệp, THPT, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ để cơ quan quản lý và sử dụng lao động có thể đối chiếu”…

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại