Tính đến 17h (10/11), công tác chuẩn bị phòng tránh bão Haiyan (bão Hải Yến) tại các địa phương ở Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn tất.
Tại huyện Hậu Lộc, tính đến 17h, mọi công tác phòng chống bão đã hoàn thành về cơ bản. Ông Nguyễn Văn Hoằng – Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết: “Sau khi có thông tin bão số 14 chuyển hướng lên phía Bắc và đi dọc bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa, chúng tôi đã gấp rút triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống bão.
Tính đến cuối giờ chiều nay, tất cả tàu thuyền của ngư dân tập trung chủ yếu các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc đều đã vào bờ và tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức di dời cho hơn 10.000 dân ven biển, chủ yếu ở xã Ngư Lộc, đi sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm trước khi bão vào”.
Tại huyện Nga Sơn – một huyện ven biển của Thanh Hóa, công tác phòng tránh bão Haiyan cũng được triển khai gấp rút.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đình Cam – Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết: “Sáng nay sau khi có tin bão sẽ đi qua vùng biển Thanh Hóa và có công điện của tỉnh, huyện Nga Sơn đã họp để chỉ đạo phòng chống bão. Chúng tôi đã kêu gọi tàu thuyền vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện tại chỉ còn lại khoảng hơn 10 chiếc thuyền trong tổng số 344 cái còn cách đất liền khoảng 6- 7 km, nhưng khoảng vài tiếng nữa sẽ vào nơi an toàn.
Các thôn cách mép nước ven biển khoảng 200m có 2 xã, một là thôn 9, thôn 10 của xã Nga Thủy, hai là thôn 1, 2, 3, 4, chúng tôi cũng đã có quyết định di dân từ 9h sáng hôm nay. Các xã cũng đã chỉ đạo kiên quyết, dự kiến từ 14h - 18h sẽ di dân hết. Mỗi hộ chỉ để lại một lao động chính để phòng chống bão.
Công tác trực phòng chống lụt bão thì đều 24/24. Ngoài ra, hệ thống thông tin liên lạc, thuốc men, hậu cần cũng chuẩn bị khá tốt. Loa truyền thanh của huyện cứ một tiếng là phát một lần về thông tin bão và công tác phòng chống lụt bão”.
Trong khi đó, tại các huyện miền núi, công tác phòng tránh bão, đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng được chú trọng.
Tại huyện Lang Chánh, địa phương đã tổ chức cho hơn 2000 dân di dời khỏi các vị trí nguy hiểm có thể xảy ra lũ ống và sạt lở đất khi mưa bão. Các vị trí này chủ yếu tập trung ở dọc bờ sông Âm và các xã Quang Hiến, Tam Văn, khu vực ven thị trấn.
Tại huyện Mường Lát, tính đến 17h, mọi công tác di dời yếudđược các vùng có thể xảy ra lũ và sạt lở đất đã hoàn tất. Trao đổi với PV, ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết “Thực hiện công tác phòng chống bão số 14, huyện đã có Công điện 05 với nội dung chỉ đạo nghiêm túc, thành lập 9 tổ công tác trực 24/24 tại 9 vị trí trọng đắp kè cho là nguy hiểm, có thể có sạt lở đất.
Hiện tại, huyện cũng đã tổ chức di dời cho 20 hộ gia đình sinh sống ở các nơi có vị trí nguy hiểm để đề phòng sạt lở đất. Các hộ này chủ yếu tập trung ở các xã Quang Chiểu, Tén Tằn, Trung Lý, Mường Lý”.