Thông tin này được đưa ra bởi báo cáo tình hình thanh niên năm 2012 của Viện Nghiên cứu Thanh niên. Theo đó có tới hơn 50% số người được hỏi mong muốn được làm việc ở các cơ quan nhà nước, hơn 18% muốn làm việc ở các cơ sở kinh tế nhà nước…
Muốn ra đi vì lương, đãi ngộ thấp
Theo báo cáo cũng chỉ rõ bốn lý do ảnh hưởng tới sự lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay là: lương (hơn 79%); môi trường làm việc (hơn 70%); điều kiện làm việc (hơn 59%) và cơ hội phát triển, thăng tiến (gần 40%).
Tuy nhiên, với những đối tượng khi đã trở thành công chức, có tới trên 80% thanh niên được hỏi cho rằng chế độ tiền lương, đãi ngộ vật chất còn thấp và khoảng 50% thanh niên cho rằng môi trường làm việc không phù hợp, thiếu điều kiện tạo động lực phát triển khiến thanh niên lo lắng và muốn chuyển từ cơ quan nhà nước sang khu vực ngoài.
TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính) cũng thừa nhận đây là thực trạng đã có từ lâu.
Ông cho biết, sức chịu đựng của công chức trẻ ở các tỉnh phía Bắc cao hơn rất nhiều so với đồng nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nơi có nền kinh tế phát triển năng động.
Các báo cáo nhân lực của chính quyền các tỉnh khu vực phía Nam cho thấy, số người trẻ ra đi là không ít với lý do chế độ đãi ngộ không cao, họ không sống được với nghề.
Báo cáo tổng hợp từ các phường, xã, huyện thuộc TP.HCM cho thấy, trong 5 năm gần đây, so với số lượng người xin vào thì số người xin ra là quá nửa, trong đó đa phần là công chức trẻ.
Lý giải thực trạng “trong chán ngoài thèm” của thanh niên với nghiệp công chức, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho rằng nguyên nhân xuất phát từ 2 phía: công chức trẻ và chế độ quản lý nhà nước.
Trong đó, theo ông Minh, vấn đề chính vẫn nằm ở thái độ, nhận thức của công chức trẻ. “Các em dù đã trúng tuyển công chức nhưng vẫn chưa hiểu về chế độ công vụ, chưa ý thức được chức trách, thẩm quyền của mình khi đảm nhận vai trò nhân danh nhà nước thực hiện bổn phận phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội.
Do tìm hiểu chưa kỹ nên nhiều bạn vào tới nơi mới thấy không đúng như mình nghĩ kiểu công chức là phải oai phong lắm lắm”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, chính vì công chức trẻ chưa hiểu được thấu đáo bản chất công vụ của mình nên khi đi làm cảm thấy gò bó khó khăn.
“Cũng giống như kỷ luật quân đội, nếu hiểu được thì lại cảm thấy tự do, nhưng một khi không nắm hết dẫn đến vi phạm, sẽ giống như chiếc thòng lọng càng vi phạm càng bị thít vào chặt hơn.
Một khi mình hiểu rằng mình có quyền năng nhất định trong quản lý nhà nước, nhất định sẽ cảm thấy thoải mái tự tin, mở ra rất nhiều cơ hội, ý tưởng để đóng góp.
Khi đó, chỉ sợ các bạn không có năng lực, tri thức đóng góp cho xã hội, người dân mà thôi…”, ông Minh phân tích.
Chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn
Ngược với thực tế công chức trẻ không muốn tiếp tục cống hiến khi đã ‘yên vị’, tại phiên thảo luận HĐND Hà Nội ngày 7/12/2012, ông Trần Trọng Dực Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội thẳng thắn:
"Chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn. Có thông tin rằng để đỗ được công chức phải chạy mất không dưới 100 triệu đồng. Cái này tập trung ở những đầu mối tiếp nhận hồ sơ…".
Đại biểu Trần Trọng Dực đưa dẫn chứng cụ thể ở quận Long Biên có 203 biên chế thì khối phòng ban là 128, nhưng riêng lĩnh vực thanh tra xây dựng chiếm tới 75 vị trí. Sóc Sơn có 274 biên chế nhưng dành cho thanh tra xây dựng cũng lên đến 124 người.
Thực tế này cho thấy từ khâu tuyển đầu vào đến việc công chức trẻ đã được trúng tuyển đều đang có vấn đề về việc thực hiện quy chế làm việc.
Câu chuyện tại Quảng Bình chỉ trong 1 giờ đồng hồ bí thư Tỉnh ủy đi ‘vi hành’ tại các quán cà phê đã phát hiện khoảng 15 cán bộ, công chức đang uống cà phê; trong đó có cán bộ của Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty điện lực Quảng Bình…