Ngày 13/6, tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.
Phát biểu của ông Dũng đã thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua. Theo kết quả điều tra xã hội học chúng tôi tiến hành trên 100 người (trong đó có 57 nữ, 43 nam) với thành phần là sinh viên, cán bộ công chức Nhà nước, những người đang công tác và làm việc tại các bộ phận chủ chốt của các doanh nghiệp… ở các tỉnh, thành trên cả nước có độ tuổi từ 22 trở lên thì: 100% số người được hỏi đều khẳng định, ở Việt Nam nói chung; Đồ Sơn (Hải Phòng), Quất Lâm ( Nam Định) nói riêng, nạn mại dâm vẫn còn tồn tại và hoạt động ngày càng tinh vi hơn dưới nhiều hình thức trá hình. Và hầu hết những người được điều tra xã hội học đều không đồng tình với phát biểu của ông Dũng.
Theo kết quả điều tra xã hội học thì 100% số người được hỏi đều khẳng định, tại Đồ Sơn, Quất Lâm nạn mại dâm hoạt động dưới nhiều hình thức trá hình tinh vi. (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Đưa ra đánh giá về tình hình mại dâm hiện nay, bạn Hoàng Văn Công (sinh năm 1991) hiện đang công tác tại một Trung tâm xã hội ở Hà Nội và thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày tại Đồ Sơn chia sẻ: "Hoạt động mại dâm ở Quất Lâm và Đồ Sơn đã được biết đến từ rất lâu... Hiện nay, trong một xã hội đông đúc, kinh tế đang suy thoái, cuộc sống của rất nhiều vùng đang gặp khó khăn, không có việc làm dễ dẫn đến sa ngã hoặc dụ dỗ do nhu cầu mưu sinh chính đáng. Ở Việt Nam nói chung, hoạt động mại dâm hiện nay đang diễn ra một cách tràn lan dưới nhiều hình thức trá hình và vô cùng phức tạp...
Theo tôi nghĩ thì khi xã hội đã coi mại dâm là một tệ nạn thì bắt buộc phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Để làm được điều này thì cần phải có sự chung tay của toàn xã hội trong đó đi đầu là các cơ quan chức năng. Làm được điều này, chúng ta có thể kiểm soát được tốt hơn về các vấn đề phức tạp liên quan như bệnh dịch, HIV và rất nhiều hình thức phức tạp như bảo kê, xã hội đen…”.
Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng giúp những người phụ nữ đi bán dâm có con đường trở về với xã hội. (Ảnh: Nguyễn Nguyên).
Đưa ra thực trạng để đánh giá một vấn đề, bạn Nguyễn Minh Hải (sinh năm 1986), kĩ sư điện tại Công ty TNHH Hoàng Sơn (Vĩnh Phúc) cho biết: Mại dâm, đây là vấn đề rất nhức nhối ở các khu du lịch hiện nay. Nhất là ở Đồ Sơn. Gái mại dâm có nhiều hình thức hoạt động, nên nhiều khi khó phát hiện. Trước đây, thường là các cô gái mắt xanh, môi đỏ, áo hai dây thì giờ có thể là bất cứ ai: cô gái bán nước, khách nữ tắm biển, sinh viên đi chơi… họ đến tiếp cận khách và ngã giá. Đó là những kiểu trá hình rất tinh vi. Bên cạnh đó, mại dâm nam cũng đang phát triển và có những biến tướng xấu.
Theo phản ánh của báo chí, các hình thức mại dâm diễn ra từ trá hình đến công khai với diễn biến phức tạp đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt của người dân và du khách quốc tế.
Khẳng định nạn mại dâm hiện nay dường như là một quốc nạn, bạn Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1986) hiện đang làm kế toán tại một công ty tư nhân tại Hải Phòng nêu bật: Trên thực tế có cả những con đường dành riêng cho người hành nghề này. Làm xôn xao dư luận thời gian gần đây phải nói đến vụ Hoa hậu Mỹ Xuân là Tú bà của cả một đường dây bán dâm cao cấp. Dường như giá trị, nhân cách của con người trong thời đại hiện nay không còn được người ta tôn trọng nữa. Có lẽ cái đáng được tôn vinh hiện nay là đồng tiền".
Đối với khu du lịch Đồ Sơn, về nạn mại dâm, bạn Vân “chứng kiến cũng có nghe kể cũng có. Các đối tượng mại dâm và môi giới mại dâm luôn có những cách thức lách luật hết sức tinh quái. Để dẹp được tệ nạn này chính quyền và các cơ quan chức năng còn có một con đường rất dài.
Sự vào cuộc ấy có thể là có các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng thất nghiệp vì hầu hết những người đi theo con đường này họ đều không tìm được việc làm ổn định, không có thu nhập".
Về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trả lời PV, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho biết: trong việc này các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng chính quyền các địa phương và các đoàn thể phải phối hợp để xử lý sao cho khéo léo, có tình, có lý hướng tới việc giảm dần hiện tượng này, giúp những người phụ nữ đã từng đi bán dâm được bảo vệ, tránh bị lợi dụng và tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Việc này không dễ và không riêng một cơ quan nào có thể xử lý được.