Việc Nhật Bản có dân số ngày một già cùng với các chính sách siết chặt của cảnh sát đang khiến giới xã hội đen (Yakuza) nước này khốn đốn. Do không tuyển được nhiều tầng lớp thanh niên trai tráng nên giờ đây ngay cả những đàn anh, đàn chị trung tuổi cũng phải tự thân làm các công việc "bẩn thỉu" vốn thường do các đàn em tay chân thực hiện.
Báo cáo của cảnh sát Nhật Bản cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2006, khoảng 51,2% số thành viên yakuza tại Nhật quá 50 tuổi.
Vào năm 2006, nhóm xã hội đen lớn nhất nước này có 30,6% thành viên ngoài 30 tuổi thì nay con số này chỉ vào khoảng 14%. Chưa đến 5% số thành viên của nhóm trong độ tuổi 20 còn những người trên 70 tuổi chiếm đến hơn 10%.
Bị xã hội từ bỏ
Trong hơn 10 năm thực hiện các chính sách siết chặt quản lý và chống tội phạm đối với các băng nhóm lớn, đi cùng với đó là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đã khiến các yakuza ngày nay khó thu hút người trẻ gia nhập với lời hứa kiếm được nhiều tiền. Thay vào đó, cánh đàn em mới gia nhập băng đảng phải đối mặt với rủi ro nhận tội thay cho các ông trùm cùng mức án dài hơn trong tù. Ngay cả khi được ra tù, họ cũng chẳng có tiền hưu trí hay được băng đảng hỗ trợ.
"Tất nhiên là việc dân số già hóa là một yếu tố ảnh hưởng, nhưng nguyên nhân chính là viễn cảnh yakuza ngày nay không còn sức hút với giới trẻ nữa. Lớp trẻ sẽ phải hy sinh quá nhiều thứ khi làm xã hội đen nhưng kết quả hồi báo lại chẳng xứng đáng", Chuyên gia Tomohiko Suzuki nói với tờ The Guardian.
Nhật Bản đã ban hành nhiều điều khoản nhắm đến các công ty có mối liên kết với xã hội đen, qua đó siết chặt và hạn chế những tội phạm này hoạt động. Các thành viên của Yakuza không được phép mở tài khoản ngân hàng, không được mở thẻ tín dụng, bị loại khỏi các chính sách bảo hiểm y tế công cộng hoặc thậm chí là bị từ chối hợp đồng mở số điện thoại mới với nhà mạng.
Một cựu yakuza nghỉ hưu khi đã ngoài 70 nói với tờ Asahi Shimbun rằng ông đã chứng kiến rất nhiều thanh niên trẻ thất vọng và rời bỏ băng đảng chỉ chưa đầy 1 năm sau ngày tuyển dụng.
"Vào thời của tôi, mọi người đều mơ trở thành ông trùm để thu hút phụ nữ, có nhiều tiền cũng như được lái những chiếc xe sang. Thế nhưng thời đại đã thay đổi, lớp trẻ ngày nay không còn hứng thú với ý tưởng gia nhập băng nhóm nữa", cựu yakuza trên ngậm ngùi.
Cùng với sự suy giảm thành viên, độ tuổi bình quân của các nhóm yakuza tại Nhật cũng tăng lên. Vào thập niên 1960, các băng đảng xã hội đen Nhật Bản đạt đỉnh với hơn 180.000 thành viên. Năm 2006, yakuza Nhật Bản có khoảng 87.000 người và bắt dầu thoái trào.
Hiện nay Nhật Bản chỉ còn khoảng 14.400 xã hội đen chính thức có vai vế trong băng đảng cùng khoảng 13.800 đàn em tay chân. Băng nhóm yakuza lớn nhất hiện nay là Yamaguchi Gumi cũng chỉ còn khoảng 8.900 thành viên.
Dấu chấm hết cho yakuza
Trước đây cánh đàn em thường nhận những phi vụ phạm tội "bẩn thỉu" nhằm gây ấn tượng với các ông trùm thì nay công việc này thuộc về những người trung tuổi. Tháng 10/2019, một thành viên của băng đảng đối thủ nhóm Yamaguchi Gumi bị bắn chất trên phố và cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm 68 tuổi, một điều hiếm thấy trong các cuộc thanh trừng xã hội đen.
Trong quá khứ, những đàn em trẻ thường thực hiện các vụ phạm tội theo yêu cầu của ông trùm, sau đó tự nguyện nhận tội vào tù và ra tù khi ở độ tuổi ngoài 40. Khi đó, họ ra tù với sự kính nể của đàn em cùng với sự hỗ trợ tài chính của tổ chức và chức vị cao trong băng đảng. Thế nhưng khi Nhật Bản nâng khung hình phạt lên, thậm chí là chung thân cho một số mức án thì phần thưởng tài chính và tiếng tăm không còn đủ hấp dẫn nữa.
"Nếu bạn vào tù bây giờ thì đây là dấu chấm hết", Chuyên gia Suzuki nhận định.
Theo Suzuki, rất nhiều xã hội đen cao tuổi khi vào tù chỉ nằm chờ chết với thân thể mục ruỗng vì rượu và chất kích thích.
Kể từ giữa thập niên 2000, người dân Nhật Bản đã tạo áp lực cho chính quyền xóa bỏ các băng nhóm tội phạm sau hàng loạt những vụ bạo lực đẫm máu. Thêm vào đó, sự bất ổn về kinh tế khiến nguồn thu của các yakuza cũng đi xuống. Ảnh hưởng của các băng đảng với giới chính trị cũng như trong mắt người dân ngày càng kém khiến yakuza đang mất dần chỗ đứng trong xã hội.
"Mặc dù cảnh sát không thừa nhận sẽ bớt áp lực hơn nhưng ai cũng hiểu rằng Nhật Bản đang bước vào giai đoạn mà xã hội đen không còn chỗ đứng trong cộng đồng", Chuyên gia Suzuki nói.
Quay trở lại trường hợp yakuza nghỉ hưu ở trên, hiện nay người đàn ông cao tuổi này sống một mình trong một căn hộ rẻ tiền ở Osaka.
"Dù tôi đã may mắn sống sót đến tận bây giờ nhưng nếu được làm lại thì tôi sẽ không gia nhập băng đảng. Tôi đã phải vào tù 3 lần và hiện chẳng có gia đình, không tiền tiết kiệm cũng như việc làm", người đàn ông này than thở.