Cuộc họp kín qua WebEx
Chỉ huy không quân Đức đã tập hợp các quan chức hàng đầu và tiến hành một cuộc họp kín vào tháng trước để bàn thảo về khả năng chuyển giao các tên lửa dẫn đường mạnh mẽ nhất của Đức cho Ukraine. Những vũ khí tầm xa này có thể được sử dụng để tấn công cầu Kerch, cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.
Điều mà họ không ngờ tới là cuộc hội thoại này, cùng những thông tin mật về mức độ can dự của phương Tây vào Ukraine sẽ bị lộ. Đoạn ghi âm dài 38 phút được Tổng biên tập RT Margarita Simonyan công bố hôm 1/3.
Các quan chức cấp cao của Đức đã xác nhận tính chân thực của đoạn ghi âm với WSJ và cho hay, cuộc họp được thực hiện trên nền tảng không mã hóa WebEx, một công cụ họp trực tuyến. Trong đó, một quan chức tham gia họp qua điện thoại di động từ một phòng khách sạn ở Singapore.
Cuộc họp tập trung vào phương thức mà Đức có thể áp dụng để tổ chức chuyển giao và vận hành các tên lửa tầm xa Taurus trong trường hợp các tên lửa này được đưa tới Ukraine.
Đức bàn cách chuyển giao mà không can dự vào xung đột
Trong đoạn ghi âm, Tham mưu trưởng Không quân Đức, Tướng Ingo Gerhartz đã yêu cầu các cố vấn hàng đầu chuẩn bị thuyết trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Đức về phương án chuyển giao Taurus tới Ukraine - cũng như cách mà Kiev có thể sử dụng nó để phá hủy các mục tiêu, bao gồm kho đạn và cầu Kerch.
Tính đến thời điểm này, Ukraine đang vận hành các tên lửa tương tự của phương Tây - gồm tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp. Kiev đã sử dụng chúng để tấn công cầu Kerch nhưng không gây được nhiều tổn thất. Các chuyên gia cho rằng, Taurus - tên lửa có tầm bắn xa hơn và mạnh mẽ hơn - sẽ có thể hạ được cây cầu.
Các quan chức Đức trong đoạn ghi âm khẳng định họ đã phân tích chi tiết cụ thể về cách tấn công công trình hạ tầng trọng điểm ấy và cho rằng, sẽ cần 10 - 20 tên lửa Taurus để tránh hệ thống phòng không của Nga và phá hủy cây cầu.
"Không có lý do thực sự nào nói rằng ta không thể làm được việc này; tất cả chỉ phụ thuộc vào lằn ranh đỏ", Tướng Gerhartz nói trong đoạn ghi âm. Ông cũng nói thêm rằng, Anh và Pháp đang gây sức ép buộc Đức chuyển giao tên lửa hành trình bởi kho của họ đã cạn kiệt.
Đức hiện có trong tay khoảng 600 tên lửa Taurus, trong đó khoảng 500 tên lửa được cho là có khả năng hoạt động. Theo đoạn ghi âm, Tướng Gerhartz cho biết, Đức có thể cung cấp cho Ukraine 100 tên lửa, chia làm hai đợt.
Tuy nhiên, ông cho rằng chuyển giao hơn 100 tên lửa cho Ukraine cũng không có ý nghĩa gì bởi số vũ khí này không có khả năng tác động đặc biệt tới chiến trường, khi mà Ukraine thiếu binh lính để chiếm giữ các vùng lãnh thổ.
Phá hủy cây cầu nối Nga và Crimea có thể là vấn đề quan trọng mang tính chính trị và chiến lược nhưng Ukraine có khả năng không thể theo kịp với hoạt động tấn công trên đất liền. "Điều này sẽ không làm thay đổi được tiến trình chiến tranh, chúng ta phải hiểu rõ như vậy", Tướng Gerhartz nói.
Vì sao Đức khó chuyển giao Taurus?
Ukraine sẽ cần 6 giờ đồng hồ để phóng một quả tên lửa sau khi nhận được tin tình báo về mục tiêu mới nếu binh lính được huấn luyện đầy đủ và truy cập được toàn bộ dữ liệu cần thiết.
Không quân Đức đã mô phỏng địa thế quanh chiến trường cho Taurus và có thể dễ dàng giúp đỡ binh lính Ukraine tránh các hệ thống phòng thủ trên không quanh các mục tiêu trọng điểm, bao gồm cả cầu Kerch.
Tuy nhiên, dữ liệu định vị này được mô tả là "chỉ dành cho người Đức" và việc chia sẻ dữ liệu có thể vi phạm các giới hạn mà chính phủ Đức đặt ra về mức độ can dự vào xung đột, một quan chức khác nói trong đoạn ghi âm.
Để huấn luyện người Ukraine vận hành Taurus sẽ mất từ 2 tuần tới 4 tháng, tùy thuộc vào mức độ chính xác và phức tạp của nhiệm vụ mà họ phải đối mặt.
Theo Tướng Gerhartz, Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng bất cứ tên lửa nào được chuyển giao cũng phải vận hành mà không có sự tham gia của lực lượng vũ trang Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối chuyển giao Taurus, bất chấp lời khẩn cầu từ Kiev và áp lực trong chính phủ Đức. Tuần trước, ông Scholz tuyên bố, không thể chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev bởi các tên lửa này cần có sự hỗ trợ vận hành từ các binh lính Đức.
Lâu nay ông Scholz vẫn phải chịu sức ép từ cả trong và ngoài nước về vấn đề chuyển giao vũ khí. Thậm chí, Anh còn từng đưa ra đề nghị tiếp quản và chuyển giao hệ thống để giúp nhà lãnh đạo Đức giữ vững chính sách không can dự trực tiếp vào hoạt động quân sự.
Một quan chức tham gia họp cho biết, có thể dễ dàng được trang bị các tên lửa này trên máy bay chiến đấu Su-24 của Ukraine hoặc F-16 mà Kiev dự kiến sẽ nhận được từ NATO trong năm nay.
Tướng Gerhartz cho rằng, binh lính Mỹ có thể hỗ trợ quân đội Ukraine vận hành Taurus. Trong đoạn băng, các quan chức nói rằng, Anh, Pháp và Mỹ có đưa quân tới Ukraine để hỗ trợ vận hành các hệ thống vũ khí phức tạp của phương Tây. Đây là điều mà các quốc gia này từng phủ nhận.
Điểm yếu trước tình báo Nga
Theo WSJ, việc rò rỉ đoạn ghi âm là một thắng lợi đối với Điện Kremlin, châm ngòi cho làn sóng bất mãn tại Đức và có thể khiến quan hệ giữa Đức và các đồng minh NATO căng thẳng.
Tờ báo Mỹ cũng cho rằng, đây là vụ mới nhất trong loạt sự cố cho thấy điểm yếu của Đức trước tình báo Nga. Một quan chức cấp cao thuộc cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) mới đây đã bị bắt giữ với cáo buộc do thám cho Moscow.
Nguồn tin quan chức Đức của WSJ tiết lộ, WebEx được quân đội và các cơ quan nhạy cảm khác trong chính phủ Đức sử dụng rộng rãi. "Sự việc này nên là hồi chuông cảnh tỉnh", một quan chức cấp cao của Đức bình luận.
WSJ dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Vụ rò rỉ thông tin sẽ khiến khả năng Đức chuyển giao vũ khí thấp đi.
Sau vụ rò rỉ, quan chức Nga đã công kích Đức vì bàn thảo về hoạt động tấn công chi tiết nhằm vào các mục tiêu Nga và đe dọa sẽ trả đũa nếu Berlin tham gia vào nỗ lực chiến tranh tại Ukraine.