Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, dẫn lời các quan chức Mỹ và Ả Rập Saudi cho biết, Ả Rập Saudi đã nói với Nhà Trắng rằng, họ sẵn sàng tăng sản lượng dầu vào đầu năm tới nếu giá dầu thô cao. Đây là một động thái nhằm có được thiện chí ở Quốc hội Mỹ về một thỏa thuận trong đó nước này sẽ công nhận Israel và đổi lại có được một hiệp ước phòng thủ với Mỹ.
Nỗ lực 3 bên
Đây là một phần trong nỗ lực đạt được thỏa thuận 3 bên có khả năng bao gồm hỗ trợ hạt nhân của Mỹ và thể hiện sự thay đổi đáng chú ý của Riyadh - quốc gia nhiều năm trước đã từ chối yêu cầu của chính quyền tổng thống Joe Biden nhằm giúp giảm giá dầu và chống lạm phát, khiến quan hệ 2 bên căng thẳng.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán của Ả Rập Saudi nhấn mạnh rằng các điều kiện thị trường sẽ ảnh hưởng tới bất kỳ hành động nào đối với vấn đề sản xuất năng lượng và các quan chức quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, những cuộc thảo luận không thể hiện một thỏa thuận lâu dài về việc giảm giá dầu.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và chính phủ Ả Rập Saudi đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Công nhận Israel để đổi lấy hiệp ước với Mỹ
Ảnh: AFP
Chính quyền ông Biden hy vọng sẽ làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi - Israel trong 6 tháng tới. 3 bên đã nhất trí rộng rãi về nội dung của thỏa thuận và đang bắt đầu thảo luận các chi tiết.
Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đã tập trung vào việc Ả Rập Saudi công nhận Israel - một động thái có thể cải thiện địa chính trị của Trung Đông - để đổi lấy việc Mỹ bán vũ khí, đảm bảo an ninh và giúp xây dựng chương trình hạt nhân dân sự cho Riyadh.
Ả Rập Saudi đã không công nhận Isarel kể từ khi thành lập vào năm 1948 và một thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở rộng mối quan hệ của Israel với nước này.
2 quan chức hàng đầu của Nhà Trắng Brett McGurk và Amos Hochstein, đã bay tới Ả Rập Saudi vào cuối tháng trước. Tại đây họ nhấn mạnh rằng giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến việc giành được sự ủng hộ ở Washington trở nên khó khăn hơn. Nhà Trắng có thể cần tới sự hỗ trợ của quốc hội để đạt được thỏa thuận.
McGurk, quan chức hàng đầu về Trung Đông của Nhà Trắng và Hochstein, cố vấn cấp cao về năng lượng và cơ sở hạ tầng của ông Biden đã nhiều lần thúc ép Ả Rập Saudi có những động thái nhằm khôi phục hình ảnh của mình ở Washington.
Chuyến đi của ông McGurk và Hochstein diễn ra trong bối cảnh giá dầu tăng cao, với giá chuẩn toàn cầu, dầu thô Brent, tăng 25% trong quý này và giao dịch ở mức 95 USD/thùng.
Ả Rập giảm sản lượng dầu khiến giá năng lượng tăng
Ả Rập Saudi đã ép giá cao hơn khi họ đổ hàng chục tỷ USD vào các dự án lớn nhằm chuyển đổi nền kinh tế của vương quốc. Là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Saudi có khả năng quan trọng trong việc tác động tới giá dầu thô, với khả năng hạn chế hoặc làm đầy nguồn cung dầu của thế giới.
Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu một nhóm sản xuất dầu được gọi là OPEC+, dự kiến nhóm họp vào cuối tháng 11 để quyết định mức sản lượng. Nhóm gồm 23 thành viên, đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày trong năm trước. Động thái này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden tức giận.
Ảnh: AFP
Quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi gần đây
Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu, chính quyền ông Biden đã tập trung chú ý nhiều hơn vào các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông.
Cũng kể từ khi ông Biden nhậm chức, Ả Rập Saudi đã tìm cách thoát khỏi cuộc chiến kéo dài ở Yemen. Ả Rập Saudi đã tạm dừng các cuộc không kích và đồng ý ngừng bắn. Mỹ và Liên Hợp Quốc đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình nhàm kết thúc xung đột.
Các cuộc đàm phán về dầu mỏ diễn ra trong bối cảnh nguồn cung cầu thế giới đang bắt đầu thiếu hụt. Các nhà dự báo của OPEC + dự đoán mức thâm hụt toàn cầu là 3,3 triệu thùng/ngày trong quý 4 và nhiều nhà phân tích dầu mỏ hiện kỳ vọng giá dầu Brent cuối cùng sẽ lên tới 100 USD/thùng.