Tại Umm Salal, đập vào mắt tôi là 2 hồ nước xanh chừng gần 20.000 mét vuông và những mảng xanh, với hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây dáng thấp đã mọc lên. Theo hãng thông tấn Qatar (QNA), tại đây có khoảng 60 loại cây được trồng dọc bên hồ và trên cát. Ở chính cái ốc đảo ấy, có một khu khổng lồ, nơi cỏ của 8 sân vận động World Cup và hơn 40 sân tập của các đội tuyển được trồng trong các nhà kính và dưỡng trong suốt thời gian diễn ra giải. Đó là câu trả lời cho việc Qatar đã lấy đâu ra cỏ khi họ không thể trồng cỏ ở ngoài trời, còn các trận đấu tại World Cup thì không thể thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo. Tổng diện tích của cả khu vực ốc đảo này lên tới gần 1 triệu mét vuông. Sau World Cup, nơi đây sẽ trở thành một công viên cây xanh lớn bậc nhất ở quốc gia rất ít màu xanh này.
Có tới 12 loại cỏ khác nhau đã được trồng ở đây trong nhiều năm trước, dưới sự chăm sóc rất kỹ càng của các chuyên gia cũng như sự theo dõi của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), để rồi cuối cùng người ta tìm ra loại cỏ thích hợp nhất cho World Cup này. Đó là cả một quá trình chi tiết và lâu dài, cho thấy để trái bóng có thể lăn được cho World Cup ở Qatar, thì không chỉ có các sân vận động phải mọc lên trên sa mạc, không chỉ các tuyến đường cao tốc được xây và các tuyến tàu điện ngầm phải được tạo ra, mà những thứ nhỏ nhất, nhưng không kém phần quan trọng, là cỏ thi đấu, cũng phải được trồng và chăm sóc với sự tỉ mỉ và quan tâm tối đa. Ở cái World Cup của những điều đặc biệt này, việc trồng cỏ trên sa mạc và lắp điều hòa cho các sân đấu của giải được coi là những chi tiết khó tin nhất. Nhưng Qatar làm được.
Người ta hy vọng rằng khu dưỡng cỏ và cây xanh bắt đầu hoạt động từ năm 2018 này, cùng với hệ thống tưới tiêu cây trồng Doha được xây dựng bên cạnh, sẽ giúp phủ xanh phần nào đó Qatar. Đây không chỉ là một nơi trồng, chăm và dưỡng cỏ cho một giải đấu bóng đá vốn chỉ kéo dài một tháng, mà còn nhằm hướng đến một mục tiêu lâu dài hơn đã được nhắm đến năm 2030 mà Qatar đã lên kế hoạch từ lâu. Đó là tạo ra một môi trường phát triển bền vững cho những thế hệ người dân Qatar của tương lai. Tham vọng ấy thật lớn và đơn giản là không dễ thực hiện trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt của vùng Vịnh, nhất là trong những mùa Hè khi cái nóng ngoài trời lên tới hơn 40 độ C và rất khó có loài cây nào có thể chịu đựng được để tồn tại lâu dài.
Những sân bóng World Cup sẽ trở thành trung tâm của dự án ấy, khi các loài cây trong khu vực Umm Salal sẽ được chuyển tới trồng xung quanh các sân bóng sau giải, cung cấp bóng râm và đóng vai trò điều hòa khí hậu. Phủ xanh cả một quốc gia trên sa mạc là điều không thể, nếu không nói là điên rồ, nhưng phủ xanh từng phần nhỏ thì hoàn toàn khả thi, theo cách Qatar đã lấy dự án World Cup để làm nền tảng thúc đẩy quá trình trồng cây xanh kết hợp với các công trình đô thị ở nước mình.
Hơn 1 triệu cây xanh đã được trồng trước World Cup, một số lượng lớn tương tự như thế nữa sẽ được trông sau khi trái bóng ở đây ngừng lăn sau một tháng. Đây không phải là câu chuyện mà FIFA và nhà chức trách Qatar dựng lên để làm hình ảnh, mà trên thực tế, nó có thật và là một sự kết hợp hoàn hảo của việc một giải đấu bóng đá cấp thế giới trở thành một dự án dài hạn có lợi thế nào cho không chỉ kinh tế mà còn cả môi sinh.
Trước đó, từ năm 2015, ở vùng đất cát này, người ta cũng tạo ra một khu rừng nhân tạo lớn nhất vùng Vịnh, với diện tích 8,3km2, có hơn 100.000 cây thuộc 28 loài khác nhau, cùng 4 hồ nước nhân tạo.
Đương nhiên, có những lo ngại về vấn đề này, chẳng hạn để đảm bảo tưới cỏ cho một sân bóng, cần 10.000 lít nước mỗi ngày vào mùa Đông và gấp 5 lần như thế vào mùa Hè. Việc đảm bảo có ngần ấy nước sạch đòi hỏi một nỗ lực kinh khủng nhằm khử mặn nước biển vùng Vịnh để lấy nước tưới và có thể để lại những tác hại không nhỏ đến môi trường về lâu về dài.
Theo tính toán của tạp chí "Science" vào năm 2019, trung bình cứ mỗi lít nước sạch được chiết xuất từ nước biển sẽ tạo ra 1,5 lít bùn mặn thải ra biển hoặc trên mặt đất. Lượng muối thừa ấy sẽ làm tăng nhiệt độ ở các vùng biển và làm giảm oxy, từ đó có thể tạo ra những vùng đất chết. Chất muối biển được thải ra này trở nên độc hại hơn nữa do các hóa chất được dùng trong quá trình khử mặn.
Điều đó có nghĩa là World Cup và những dự án đầy tham vọng liên quan hoặc nảy sinh từ nó, như dự án xanh của Qatar, cũng có những tác hại về môi trường? Câu trả lời không thể có ngay bây giờ mà trong tương lai. Nhưng hiện tại, World Cup 2022 đang là một dự án rất thành công của Qatar.