1. Đầu nghiêng sang một bên, nét mặt thể hiện sự nhẫn nại, im lặng trong vài giây trước khi đưa ra câu trả lời: Đó là phong cách mà người ta thường thấy ở Óscar Tabárez trong các cuộc họp báo. Những câu trả lời mà ông đưa ra luôn đầy sự tinh tế và thông minh.
Ông vẫn luôn đóng vai của một "sếp lớn" hoàn hảo, một một cựu giáo viên tiểu học, và là một ông sếp từng ngăn cản cậu học trò Gabriel Batistuta đang nổi điên bằng cách véo đầu ti của anh ta, trong cuộc bạo loạn ở Santiago Bernabeu, khi máu đang chảy ròng ròng trên đầu.
Nhưng giờ đây, Tabárez đã già hơn. Mái tóc đã trở nên lưa thưa và bạc trắng chứ không còn rậm và đen như trước đây. Hiện tại, nhà cầm quân này đang mắc phải một căn bệnh mang tên "hội chứng Guillain-Barre", một hội chứng gây rối loạn hệ thống miễn dịch cơ thể, tác động đến cả các dây thần kinh.
Hình ảnh HLV Óscar Tabárez với chiếc nạng đã trở nên quen thuộc.
Nó khiến ông không thể đi đứng bình thường mà phải sử dụng một cây gậy, đôi khi là nạng, hoặc thậm chí là một chiếc xe điện giống như ở Copa America Centenario vào 2 năm trước. Nhưng ông đã từ chối nói về bệnh tình của mình một cách chi tiết và khẳng định rằng nó không hề ảnh hưởng gì đến công việc của ông.
Chúng ta có thể mô tả công việc của ông bằng hai chữ "phi thường".
Khi Tabárez lần đầu tiên được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV của Uruguay vào năm 1988, nhiệm vụ của ông là khôi phục lại hình ảnh của đội tuyển quốc gia sau nỗi ô nhục ở World Cup 1986, giải đấu mà họ đã áp dụng một lối chơi đầy thực dụng và xấu xí, đỉnh điểm chính chiếc thẻ đỏ của José Batista trong cuộc đối đầu với Scotland, khi trận đấu chỉ vừa bắt đầu được 56 giây.
Sau khi giúp đội tuyển tiến vào vòng 16 đội tại World Cup 1990, danh tiếng của Tabarez ngày càng tăng cao, ông chuyển đến Boca Junior và giúp đội bóng này lọt vào trận bán kết Copa Libertadores năm 1991, đối đầu với nhà đương kim vô địch đến từ Chile, Colo Colo. Và đây được xem là một trong những trận cầu nổi tiếng nhất của lịch sử giải đấu này.
Sau 17 phút, trận đấu đã biến thành một bãi chiến trường, với thành phần tham gia bao gồm các cầu thủ, các huấn luyện viên, cổ động viên, các nhà báo và lực lượng cảnh sát.
Tabárez đã dính hai vết cắt vì bị ống kính của một chiếc máy ảnh va vào mặt, tình trạng bạo lực chỉ kết thúc sau khi một chú chó cảnh sát tên là Ron nhảy tới cắn vào chân thủ môn Navarro Montoya của Boca và bỏ mặc anh ta với cái bắp đùi đầy máu.
Ron đã trở thành "anh hùng dân tộc", trong khi Boca, sau thất bại với tổng tỷ số 3-2, đã trở về quê nhà trong sự tủi nhục và bị phạt 98 triệu peso.
Tabárez mang một vai trò rất đặc trưng. Nhà cầm quân này là mẫu người mà cho dù bị chỉ trích, sỉ nhục, thì ông sẽ vẫn chọn bảo vệ các học trò của mình khi cần thiết – tại World Cup 2014, khi Luis Suarez đang bị công kích bởi dư luận sau khi cắn vào vai Giorgio Chiellini, ông đã quyết tâm bảo vệ tiền đạo này khỏi những búa rìu của truyền thông.
2. Tabárez có một ý thức rất mạnh mẽ về sự chính trực, nhưng đôi khi, nó lại trở nên mâu thuẫn dữ dội với lòng trung thành và sự tận tâm của ông với đội bóng.
HLV người Uruguay đã giành được một danh hiệu vô địch quốc gia cùng Boca, thêm vào đó là chiếc cúp Libertadores đoạt được cùng Peñarol vào năm 1987, nhưng phần lớn những năm 90 là một giai đoạn khá bất ổn định.
Tabárez dẫn dắt Cagliari hai mùa giải, sau đó là một khoảng thời gian ngắn làm việc ở Milan, một mùa giải nắm quyền tại Oviedo, tiếp theo là trở lại Argentina để đến Vélez Sarsfield và tái nhiệm tại Boca một lần nữa. Trong suốt 4 năm sau đó, ông đã tạm ngưng sự nghiệp huấn luyện.
Có lẽ ông sẽ vẫn im hơi lặng tiếng nếu không có thất bại của La Celeste trước Úc trong trận play-off vòng loại World Cup 2006, bởi vì điều đó đã nói lên rằng: Uruguay cần ông.
HLV Óscar Tabárez là người giúp ĐT Uruguay "hồi sinh".
Và khi quay trở lại, ông đã phải gánh trên vai một nhiệm vụ tối thượng: Không chỉ là giúp đội bóng đạt đủ điều kiện tham dự một giải đấu nào đó, hay chiến đấu vì danh dự, mà còn là thay đổi cả nền bóng đá của quốc gia này.
Trong suốt 12 năm dẫn dắt đội bóng này, Óscar Tabárez đã giám sát tất cả mọi thứ: Từ việc đào tạo, phát triển các cầu thủ trẻ đến các công việc ở đội hình chính.
Ông đã đưa Uruguay lọt đến vòng bán kết của World Cup 2010 và giành chức vô địch Copa America diễn ra 1 năm sau đó. La Celeste chưa hề bỏ lỡ bất kì một giải đấu lớn nào trong suốt triều đại của Óscar Tabárez. Và dần dần, ông đã thay đổi nền bóng đá Uruguay.
Cặp tiền vệ trung tâm Vecino-Bentancur mà đội bóng này sử dụng trong trận đấu đầu tiên của họ tại World Cup 2018, đối đầu với Ai Cập, là một điều mà không ai có thể tưởng tượng được vào 1 thập kỷ trước.
Cả hai đều là mẫu cầu thủ hiện đại, lắt léo và tân tiến; đó chính là kết quả từ các hệ thống mà Tabárez đã áp dụng . Cặp đôi này được dự kiến sẽ tiếp tục ra sân trong cuộc chạm trán với Saudi Arabia vào thứ Tư.
Tuy nhiên, Uruguay vẫn là một đội bóng đầy cứng rắn – đúng theo cái tinh thần "la garra charrua" (được hiểu là tinh thần chiến binh bất khuất của những người dân Uruguay) huyền thoại của họ. Trong một bài xã luận gần đây của tờ El Pais, thuộc Montevideo, đã viết rằng:
"Người Uruguay luôn bám víu vào cái lý tưởng về một vị anh hùng, những người mang tinh thần chiến binh hơn là sự kỹ thuật; gan góc, dũng cảm hơn là sự thanh lịch"
Trên bức tường ngôi nhà của Tabárez ở Montevideo có sơn câu châm ngôn nổi tiếng của nhà cách mạng Che Guevara: "Bạn phải rèn luyện bản thân thành một người cứng rắn, nhưng đồng thời không được đánh mất đi sự dịu dàng, mềm mỏng."
Suarez luôn biết ơn HLV Óscar Tabárez.
Cuộc cách mạng của Tabarez vẫn tin vào chiến thắng,vẫn tin vào sự can trường, lòng quyết tâm và luôn tận dụng mọi thứ có thể; nhưng ông cũng tin rằng mọi thứ sẽ hữu hiệu hơn khi bạn chơi bóng ban bật hơn là chỉ phá lối chơi. Tuy vậy, La Celeste vẫn có cái chất cứng cỏi của Godin, của Gimenez và Caceres trong nó.
Nhưng giờ đây, nó còn nhiều hơn thế.
Trong cuốn sách của Gerardo Caetano và Ricardo Piñeyrúa về Uruguay tại các kì World Cup, đã cho rằng, câu chuyện huyền thoại về Maracanazo, khi Uruguay đánh bại Brazil ở World Cup 1950 tại Rio de Janeiro, đã bị hiểu nhầm khi được người ta miêu tả như một chiến thắng của lòng quả cảm, chứ không phải tài năng, trong khi thực sự là nó được tạo nên từ cả hai yếu tố đó.
Cuốn sách của họ còn có đính kèm một đoạn trả lời phỏng vấn của Óscar Tabárez, trong đó, ông cho biết mình đã có một buổi nói chuyện với các thành viên trong đội hình đã lập nên chiến công huyền thoại trên đất Brazil vào cuối những năm 80 và hoàn toàn bị thuyết phục bởi quan điểm "cần phải có một sự cân bằng giữa phong cách – tinh thần chiến binh và tính kỹ thuật".
Để làm được điều đó, họ cần phải có thời gian và niềm tin, đồng thời, phải đạt được nó mà không đánh mất đi những đặc trưng, bản sắc đã tạo nên nền bóng đá Uruguay.
Bất cứ điều gì xảy ra tại World Cup 2018 cũng sẽ chỉ là một phần nhỏ trong một quá trình mang tính vĩ mô và rộng lớn hơn rất nhiều của đội bóng này.
Nhưng nếu Tabárez có thể đạt được thành công trên đất Nga, điều đó có nghĩa là ông đã đi đúng theo câu châm ngôn của Che Guevara, làm cho những trận đấu của Uruguay trở nên kỹ thuật, tinh tế hơn, nhưng đồng thời cũng không đánh mất đi sự cứng rắn, quyết liệt của nó.