Tỉ lệ cản phá lên tới 31%, nghĩa là cứ 3 cú đá thì sẽ có 1 cú bị những "người gác đền" ngăn chặn. Đó là còn chưa kể đến các trường hợp đá trúng xà ngang cột dọc hay đi ra ngoài khung thành.
Con số này thực sự là ác mộng đối với những cầu thủ thực hiện. Họ có thể trở thành tội đồ bất cứ lúc nào, thậm chí bị đe dọa tính mạng bởi những kẻ quá khích ở quê nhà.
Áp lực quá lớn từ World Cup được coi là nguyên nhân lớn. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ phân tích, các thủ môn cũng sở hữu nhiều lợi thế hơn. Thủ thành Pickford của ĐT Anh tiết lộ 4/5 cầu thủ Colombia đá quả luân lưu giống như dự tính, chỉ trừ Falcao.
Tuy nhiên, chính các trọng tài cũng đang góp phần khiến loạt luân lưu trở nên kém công bằng hơn cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện.
Thủ thành Subasic đẩy được tới 3 quả đá trong loạt luân lưu 11m với Đan Mạch.
Theo quan sát của trọng tài kỳ cựu Graham Poll, rất nhiều trường hợp thủ môn đã vi phạm luật bóng đá.
Luật quy định: "Thủ môn phải giữ vị trí giữa 2 cọc khung thành trên vạch vôi và quay mặt vào trái bóng cho tới khi trái bóng được đá và chỉ có thể di chuyển theo chiều ngang. Nếu thủ môn di chuyển về phía trước trước khi bóng được đá, cú đá sẽ được thực hiện lại nếu bàn thắng chưa được ghi".
Nhưng trong các trận đấu Nga vs Tây Ban Nha và Croatia vs Đan Mạch, 15/19 quả luân lưu các thủ môn đã băng lên nhằm thu hẹp góc sút của đối phương. Trận đấu giữa Anh và Colombia cũng ít nhất có khoảng 5-6 lần Pickford và Ospina phạm luật.
Trọng tài Graham Poll cho rằng nếu cần FIFA hãy sử dụng VAR để ngăn chặn những "người gác đền" cố tình phạm luật.
Ai đó có thể nói rằng vì hầu hết các thủ môn đã lách luật nên trọng tài "du di" cũng được. Nhưng luật đặt ra cần phải được tôn trọng. Nếu không thì đã chẳng cần trọng tài hay VAR tại World Cup 2018.