World Cup 2018: Chiến binh chưa bao giờ nặng quá 70kg và sứ mệnh gồng gánh "Bò tót"

Nam Khánh |

David Silva chưa bao giờ nặng hơn 70kg - con số ngang với một võ sĩ quyền Anh bán trung. Tuy nhiên, anh sẽ gánh trên vai sứ mệnh cùng TBN chinh phục World Cup 2018.

1. Silva không phải là mẫu cầu thủ đặc biệt mạnh mẽ hay sở hữu tốc độ ấn tượng. Anh cũng không chơi như một số 9 hoặc số 10 truyền thống, nhưng anh đã ghi đến 11 bàn chỉ trong 15 trận cho La Roja kể từ tháng 9 năm 2016, khi vòng loại World Cup 2018 chính thức bắt đầu.

"David Silva chính là Lionel Messi của chúng tôi," Đó là lời nhận xét của Vicente del Bosque, vị huấn luyện viên đã cùng đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

Tuy nhiên, ông đã từng rất phân vân về việc nên sắp xếp Silva thi đấu ở đâu để có thể tạo nên một đội hình cân bằng hoàn hảo nhất – Del Bosque có một quan niệm khá lỗi thời, ông cho rằng những cầu thủ không sỡ hữu tố chất của một vận động viên hoàn hảo (tốc độ, thể hình và sức mạnh) sẽ không thể hỗ trợ phòng ngự tốt.

Dưới thời Luis Aragonés, Silva đã nổi lên như một cầu thủ đẳng cấp thế giới. Tại Euro 2008, Aragonés đã tạo ra một đội hình mang tính cách mạng: Marco Senna chơi trong vai trò tiền vệ phòng ngự, Xavi thi đấu như một số 10, Andrés Iniesta và David Silva cùng đảm nhiệm vai trò số 8, tăng gấp đôi quân số thi đấu ở những vị trí đòi hỏi nhiều khả năng sáng tạo nhất.

World Cup 2018: Chiến binh chưa bao giờ nặng quá 70kg và sứ mệnh gồng gánh Bò tót  - Ảnh 1.

David Silva chơi thanh thoát ở Euro 2008.

Trên hàng công là hai cái tên đình đám Fernando Torres và David Villa, hai tiền đạo này mặc dù thi đấu với hai phong cách khác nhau, nhưng có thể kết hợp với nhau một cách tuyệt vời. Sự sắp xếp của Aragonés đã mang lại thành công. Silva, khi đó chỉ mới 22 tuổi, đã tỏa sáng rực rỡ và Tây Ban Nha đã giành được chiếc cúp bạc đầu tiên kể từ tận năm 1964.

Chiếc cúp bạc đoạt được ở Vienna đã chấm dứt cơn khát danh hiệu dài nhất và kỳ lạ nhất lịch sử bóng đá cấp đội tuyển quốc gia và báo hiệu sự khởi đầu của một thời đại mà Tây Ban Nha chính là kẻ thống trị.

2. Aragones rời đi, và Vicente del Bosque là người kế nhiệm chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của La Roja. Ngay khi vừa đến, nhà cầm quân này đã đưa ra những sự thay đổi về chiến thuật.

Một trong số những thay đổi mà ông thực hiện chính là việc rút ra khỏi sân một số 8, và ông đã chọn hi sinh người kém nổi tiếng hơn trong hai người, đây là một động thái được xem là mang nặng tính chính trị. Tại World Cup 2010, David Silva – khi đó đang thi đấu cho Valencia – đã bị đẩy lên băng ghế dự bị, và người được Del Bosque chọn chính là Andrés Iniesta của Barcelona.

Mục đích của sự thay đổi này là nhằm tăng cường cho mặt trận phòng ngự, với việc sử dụng Sergio Busquets và Xabi Alonso thi đấu như những tiền vệ đánh chặn. Và một lần nữa, những thay đổi chiến thuật này lại đem đến vinh quang cho Tây Ban Nha, qua việc giúp họ đánh bại đội tuyển Hà Lan trong một trận chung kết đầy căng thẳng.

Silva trở lại với đội hình xuất phát của La Roja tại Euro 2012 và tiếp tục tỏa sáng rực rỡ để góp công vào chức vô địch lần thứ hai liên tiếp của đội bóng này, mặc dù vậy, điều đó vẫn không thể hàn gắn những vết nứt trong mối quan hệ giữa Vicente Del Bosque và tiền vệ của Manchester City.

World Cup 2018: Chiến binh chưa bao giờ nặng quá 70kg và sứ mệnh gồng gánh Bò tót  - Ảnh 2.

Silva nhảy múa trước những người Italia.

Sự xuất hiện của Pep Guardiola ở Manchester City vào mùa hè năm 2016 đã gây ra một cơn chấn động đối với các nhà phân tích chiến thuật và trinh sát cầu thủ. "Pep Guardiola đã bố trí Silva thi đấu ở hàng tiền vệ của đội hình 4-3-3," một chuyên gia về chiến thuật đang làm việc tại Chelsea cho biết (người này yêu cầu được giấu tên).

"Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên trước những gì mà Silva đã cho thấy về mặt thể chất. Không giống như khi đảm nhiện vị trí tiền vệ tấn công, chơi trong vai trò tiền vệ của 4-3-3 đòi hỏi phải thi đấu bao quát sân và một tần suất hoạt động rất cao.

Cậu ấy đã hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc. Silva đã chứng minh rằng cậu ấy sỡ hữu sức bền của một vận động viên chạy đường dài. Sau khi chạy một cách miệt mài suốt 90 phút, cậu ấy vẫn có thể giữ được một tinh thần sáng suốt để có thể đưa ra những quyết định chính xác."

Sự thay đổi về vai trò chiến thuật của Silva xuất hiện đúng vào thời điểm mà Julen Lopetegui tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên của Tây Ban Nha, cũng như việc vòng loại World Cup được khởi tranh.

Lopetegui đã sử dụng anh như một cầu thủ chạy cánh, hoạt động từ đường biên vào đến vòng cấm, được cho phép tự do di chuyển trong một hệ thống chiến thuật được thiết kế để sử dụng những đường chuyền ngắn.

"Trước đây, tôi cầm bóng dâng cao và thực hiện rất nhiều pha qua người," Silva cho biết. "Nhưng giờ đây, tôi chủ yếu thực hiện những đường chuyền ngắn phối hợp với đồng đội.".

Với khả năng quan sát để tung ra những đường chuyền cực kì chuẩn xác, Silva chính là một mảnh ghép vô cùng quan trọng ở hàng công đội tuyển Tây Ban Nha, điều này được chứng minh rõ nét qua việc anh chính là cây săn bàn hàng đầu của La Roja ở vòng loại World Cup.

Hãy nhìn vào danh sách những cái tên có nhiều bàn thắng nhất trong cuộc hành trình giành vé đến Nga: Cristiano Ronaldo (15 bàn), Romelu Lukaku (11), Edinson Cavani (10), Gabriel Jesus (7), Thomas Müller (5), Harry Kane (5) và Olivier Giroud (4).

Silva và Lionel Messi là hai trường hợp vô cùng đặc biệt nếu so sánh với những cái tên trong danh sách trên.

Gã "quái vật tí hon" của Argentina - người đã ghi 7 bàn tại vòng loại – và David Silva là hai trường hợp duy nhất trong danh sách những cây ghi bàn hàng đầu, mà tài năng không đi đôi với thể chất. Silva, cũng giống như Messi, đã vượt qua những giới hạn bằng tài năng của bản thân bằng một công thức chung: Đầu tiên là ma thuật, sau đó là bàn thắng.

5 bàn thắng đẹp nhất của TBN tại vòng loại World Cup 2018


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại