Graham Poll (Australia- Croatia, World Cup 2006)
31 năm cầm còi, trọng tài Graham Poll vướng vào khá nhiều tình huống gây tranh cãi. Đỉnh điểm là sai lầm ngớ ngẩn ở World Cup 2006 trận Australia-Croatia khi rút tới 3 thẻ vàng với Josip Simunic trước khi đuổi hậu vệ này ra sân ở phút cuối cùng. Chưa kể, ông còn từ chối 2 quả phạt đền mười mươi mà lẽ ra Australia phải được hưởng.
Maradona (Argentina-Anh, World Cup 1986)
Một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong lịch sử các VCK World Cup chính là “bàn tay của Chúa) được Maradona ghi vào lưới ĐT Anh ở tứ kết, bước ngoặt quan trọng giúp Argentina vô địch Mexico 1986. Maradona sau đó đã thốt ra một câu nói rất nổi tiếng: “Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa”.
Andres Escobar (Colombia-Mỹ, World Cup 1994)
Chỉ 2 tuần sau khi đá phản lưới nhà khiến Colombia nhận thất bại 1-2 trước chủ nhà Mỹ, hậu vệ Andres Escobar đã trở thành nạn nhân của một vụ giết người trong một quán bar ở quê nhà. Có tin cho rằng Escobar đã bị Humberto Muñoz Castro, vốn là một vệ sỹ, bắn chết bởi bàn phản lưới của anh khiến một số ông trùm ma túy tham gia cá độ thiệt hại nặng nề.
Zinedine Zidane (Pháp-Italia, World Cup 2006)
Zidane, ngôi sao xuất sắc nhất châu Âu trong 50 năm qua đã để lại khoảnh khắc có lẽ là vết đen duy nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của mình. Huyền thoại bóng đá Pháp đã húc vào ngực Materrazzi, cú "thiết đầu công" khiến Zidane bị đuổi khỏi sân phút 110 trận chung kết World Cup 2006 và sau đó Les Bleus gục ngã trước Italia ở loạt sút luân lưu. Hành động gây tranh cãi ấy đã trở thành cảm hứng cho bộ phim hoạt hình sitcom có tên Family Guy.
Roy Keane (World Cup 2002)
Tính cách bốc lửa luôn đi liền với Roy Keane cả khi còn là cầu thủ lẫn khi theo nghiệp cầm quân. Kỷ niệm cay đắng nhất với cựu thủ quân Man United đến ngay trước khi VCK World Cup 2002 khởi tranh. Keane đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với HLV Mick McCarthy. “Tôi không xem ông là cầu thủ, HLV và một con người”, Keane đã bị tống về Ireland ngay lập tức sau câu nói ấy.
Willie Johnson (Scotland-Peru, World Cup 1978)
Willie Johnson, huyền thoại của Rangers và West Brom, từng trải qua tới 10 CLB với đầy rẫy tranh cãi trong sự nghiệp. Thật nghiệt ngã, đúng vào thời điểm cựu tiền vệ từng uống bia trong can của một CĐV khi thực hiện quả phạt góc muốn lấy lại hình ảnh, Willie Johson đã bị đuổi khỏi World Cup 1978 trong tức tưởi. Sau thất bại 1-3 của ĐT Scotland, Johnson bị đưa đi thử doping và dương tính với chất cấm Reactivan. Thật trớ trêu, chất cấm ấy nằm trong thuốc hạ sốt mà ông mua ở một cửa hàng để trị bệnh.
Sheikh Fahad Al Ahmed (Kuwait-Pháp, World Cup 1982)
World Cup 1982 là lần duy nhất Kuwait góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới và họ sẽ vẫn luôn được nhớ tới vì tình huống gây tranh cãi hi hữu. Khi Pháp đang dẫn 3-1 thì bóng lại lăn vào lưới Kuwait một lần nữa. Cầu thủ Kuwait phản đối và nói với trọng tài là đã nghe thấy tiếng còi nên mới dừng cuộc chơi. Tình hình căng thẳng đến mức Chủ tịch LĐBĐ Kuwait Sheikh Fahad al-Sabah lúc đó đang theo dõi trận đấu từ trên khán đài cũng phải nhảy bổ vào sân để can thiệp. Trọng tài cuối cùng đã phải đổi ý không công nhận bàn thắng, song rốt cuộc Kuwait vẫn nhận thất bại 1-4.
Maradona (World Cup 1994)
World Cup 1994, lần cuối cùng Maradona góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới đã khép lại trong tủi hổ. Cậu bé vàng bị tống cổ về nước sau khi dương tính với chất cấm Ephedrine. Cậu bé vàng đã ghi 1 bàn trong chiến thắng 4-0 trước Hy Lạp. Sau đó, Maradona bị phát hiện dương tính với doping sau chiến thắng 2-1 trước Nigeria. Maradona chia tay giải đấu và không bao giờ còn được góp mặt trong màu áo ĐT Argentina nữa.
Tây Đức-Áo (World Cup 1982)
25/6/1982, cả thế giới khóc cho Algeria. Một trận đấu xấu xa nhất trong lịch sử khi Tây Đức và Áo đã dàn xếp tỷ số để loại Algeria, đội lần đầu tiên được dự World Cup. Ở lượt đấu cuối, Tây Đức cần thắng còn Áp tránh thua 2 bàn. Tây Đức thắng Áo 1-0, tỷ số vừa đủ để cả 2 đội đi tiếp. Có vẻ như “đòn bẩn” của Tây Đức đã phải trả giá bởi sau đó họ thua Italia 1-3 trong trận chung kết.
Anh-Tây Đức (World Cup 1966)
World Cup 1966 được tổ chức tại Anh, vốn được xem là nơi khai sinh ra môn túc cầu. NHM có quyền đặt dấu hỏi rằng ĐT Anh được “cơ cấu” để lên ngôi vô địch, nếu biết rằng trận chung kết với ĐT Tây Đức gây ra rất nhiều tranh cãi. Đỉnh điểm chính là tình huống nâng tỷ số lên 3-2 của Hurst ở phút 101 trong hiệp phụ khi trọng tại Dienst người Thụy Sỹ công nhận bàn thắng này. Sau này khi khoa học tiến bộ, người ta đã xác định được rằng bóng đập xà ngang và chưa đi qua vạch vôi.