World Cup 1990: Cả thế giới phải hổ thẹn với Roger Milla

Bảo Nam |

(Soha.vn) - Italia 1990 chính là kỳ World Cup có chất lượng kém nhất trong lịch sử. May thay, kỳ World Cup của penalty và thẻ đỏ vẫn còn một điều lãng mạn mang tên Roger Milla.

Kỳ World Cup của penalty và thẻ đỏ

Sau Chile 1962, Italia 1990 xác lập một cột mốc mới về tỷ lệ bàn thắng thấp thê thảm: Trung bình 2,21 bàn/trận. Nếu kỳ World Cup tại Chile nhận được sự cảm thông vì trước đó 2 năm, đất nước này chịu trận động đất lớn nhất lịch sử loài người tính đến thời điểm đó, thì tại Italia 90, số lượng bàn thắng thấp khủng khiếp là hệ quả của những tư duy chơi bóng vô cùng tiêu cực.

Kể từ vòng knock-out, hầu hết các đội tuyển tham dự đều chọn lối chơi đặt an toàn lên trên tất cả. Họ làm tất cả chỉ để trận đấu kết thúc theo cái cách nhàm chán nhất có thể và thắng thua sẽ được phân định trên loạt luân lưu định mệnh. Hệ quả là World Cup 1990 có tới 16 thẻ đỏ được rút ra – con số cao kỷ lục của một kỳ World Cup.

Bắt đầu từ giai đoạn knock-out cho tới trận chung kết, có tới 4 lần các đội tuyển phải phân định thắng thua trên chấm 11m, trong đó có 2 trận kết thúc với tỷ số 0-0 và tới 7 trận không có quá 2 bàn thắng được ghi/cả trận. Argentina, đội tuyển lọt vào trận chung kết chỉ với vỏn vẹn 5 bàn thắng được ghi, dù vẫn có siêu sao Diego Maradona trong đội hình, trở thành ĐT lọt vào chung kết ghi ít bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup (kỷ lục này tồn tại tới tận năm 2010). Argentina cũng trở thành đội tuyển duy nhất trong lịch sử tính cả đến thời điểm hiện tại vào chung kết qua tới 2 loạt sút luân lưu 11m. Vì lối chơi thô bạo của các đội tuyển, World Cup 1990 đồng thời xác lập luôn kỷ lục về số thời gian bù giờ, cũng tồn tại tới ngày hôm nay chưa bị phá vỡ.

Mãi về sau này, nhắc tới Italia 90, NHM thật sự không có nhiều ấn tượng về mặt chuyên môn. Đây là giải đấu mà lối chơi tấn công bị tiêu diệt một cách triệt để và gần như không có kỷ niệm đẹp nào để lại.

Ngoại trừ…

Roger Milla, chú sư tử bất khuất

ĐT Cameroon năm đó chỉ dừng bước ở tứ kết. Nhưng dấu ấn mà họ, hay nói đúng hơn, là linh hồn của họ: Huyền thoại Roger Milla để lại sẽ mãi mãi không bao giờ nhạt phai.

Milla vốn đã tuyên bố từ giã ĐTQG trước đó 3 năm. Anh chơi bóng trong màu áo CLB để duy trì một chút niềm đam mê còn sót lại. Milla gần như ở ẩn vào thời điểm đó. Thế rồi một ngày đẹp trời, điện thoại nhà Milla reo vang. Ở đầu dây bên kia là một nhân vật vô cùng đặc biệt, đặc biệt nhất trong cuộc đời Milla: Tổng thống Cameroon, ông Paul Biya.

Ông Biya gần như van nài Roger Milla suy nghĩ lại quyết định từ giã ĐTQG, trở lại để cùng Những chú sư tử bất khuất Cameroon chinh chiến tại Italia 1990. Không thể có một lời mời nào đặc biệt hơn thế. Milla đồng ý. Lửa nhiệt huyết trong ông bỗng dưng sôi sục trở lại.

Tuy nhiên, ở tuổi 38, Roger Milla gần như không đủ sức để đá chính. Ông ngồi dự bị và được tung vào sân như một quân bài chiến lược. Nhưng Milla không khiến cho Tổng thống Paul Biya thất vọng. Ông là chủ nhân của 2 bàn thắng vào lưới Romania và quan trọng nhất là cú đúp vào lưới Colombia tại vòng 1/8, đưa Cameroon lọt vào tứ kết. Sau khi ghi bàn thứ 2 vào lưới Colombia, Milla chạy tới cột cờ chấm phạt góc và nhảy điệu nghệ xung quanh lá cờ đó.

Điệu nhảy của Milla trở thành hình ảnh kinh điển không chỉ tại World Cup 1990, mà còn trong suốt những kỳ World Cup sau đó. Năm 2010, hãng Cocacola lồng điệu nhảy này vào trong một chiến dịch quảng cáo quy mô lớn.

Điệu nhảy thể hiện sự nghệ sỹ, chất cống hiến của Milla chính là hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với một kỳ World Cup thừa bạo lực, thiếu cống hiến. Ở tuổi 38, Milla đã cháy hết ngọn lửa đam mê cho ĐTQG. Hình ảnh của ông chính là lời chỉ trích có sức nặng nhất gửi tới những đội tuyển chỉ nhăm nhăm ra sân với mục đích thủ hòa. Cả World Cup 1990 phải hổ thẹn với Milla.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại