Khởi nguồn của một “vĩ nhân”
Chính HLV đội trẻ của Argentinos Juniors, Francis Cornejo là người đã phát hiện ra tài năng của Maradona. Ông không nghi ngờ gì về tài năng của cầu thủ nhỏ con này. Nhưng khi đó, Maradona còn quá trẻ và ông không đồng ý để cậu bé chưa đầy 11 tuổi đá cho đội trẻ của ông. Chỉ khi đủ 11 tuổi, Maradona mới được tham gia vào những trận đấu của Los Cebollitas (đội trẻ của Argentinos Juniors).
Maradona trong màu áo Boca
Ngay lập tức Maradona đã gây chú ý với việc giúp cho đội bóng này lập một kỷ lục 136 trận bất bại liên tiếp. Và đến ngày 20 tháng 10 năm 1976, Maradona có trận đấu đầu tiên cho đội một, khi họ đối đầu với Talleres de Córdoba. Một thiên tài đã chính thức ra đời và ông bắt đầu cuộc chinh phục cả thế giới với một pha “xỏ lỗ kim” qua khe giữa hai chân của đối thủ đầu tiên đối mặt và cứ thế say sưa trổ tài làm ảo thuật với quả bóng. Maradona đã bước những bước đầu tiên trên con đường trở thành huyền thoại bằng một trận đấu hoàn hảo như thế.
Vị anh hùng của cả dân tộc
Ngày 22 tháng 7 năm 1977 chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng của lịch sử bóng đá Argentina bởi đó là lần đầu tiên Maradona chính thức khoác trên mình chiếc áo sọc xanh trắng. Đó là một trận giao hữu với đội tuyển Hungary và với chiếc chân trái “ma thuật”, Maradona đã nhanh chóng chinh phục khán giả hâm mộ bằng màn trình diễn chói sáng.
Tuy nhiên khi đó ông còn quá trẻ và đó là lí do HLV trưởng đội tuyển quốc gia không gọi ông tập trung đội tuyển để tham dự World Cup 1978. Nhưng Maradona cũng chẳng phải buồn lâu bởi một thời gian sau ông đã có cơ hội để chứng minh khả năng siêu phàm của mình khi là đầu tàu trong chức vô địch thế giới của đội trẻ Argentina.
Đỉnh cao thế giới vẫy gọi
Mặc dù tài năng sớm được công nhận, nhưng cho đến năm 1982, khi World Cup được tổ chức ở Tây Ban Nha, Diego Maradona mới được tham gia đấu trường số một hành tinh. Nhưng đây cũng chưa phải là dấu mốc lịch sử mà người ta nghĩ đến mỗi khi nói về ông. Hai bàn thắng trong trận đấu với Hungary chưa đủ để "cậu bé vàng" giúp cho Argentina thành công ở giải đấu năm đó. Chính người Ý và những cầu thủ láng giềng Brazil đã ngăn đội bóng xứ Tango tại vòng hai của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Chia tay World Cup 1982 một cách buồn bã, Maradona và các đồng đội hướng đến kỳ đại hội sau đó 4 năm ở Mexico. Với 5 bàn thắng trong cả giải đấu (một vào lưới Italia, hai bàn vào lưới ĐT Anh và hai bàn khác vào lưới Bỉ), Maradona đã dẫn dắt đội nhà đến với trận chung kết lịch sử với người Đức. Ở đó, cũng chính sự xuất sắc của thiên tài này đã giúp các đồng đội đánh bại ĐT Tây Đức với tỷ số 3-2 và lên ngôi một cách đầy thuyết phục. Maradona với chiến công tuyệt vời đó đã chính thức trở thành “vị anh hùng dân tộc” và là thần tượng trong từng ngõ ngách nhỏ trên đất nước Argentina.
“Bàn tay của Chúa” và bàn thắng đẹp nhất thế kỷ 20
World Cup 1986 chứng kiến sự thăng hoa của “cậu bé vàng” Maradona. Một mình ông dẫn dắt đội tuyển xứ sở Tango lên đỉnh thế giới bằng những bàn thắng đã đi vào huyền thoại. 2 trong số đó được thực hiện trong trận đấu với đội tuyển Anh và với những cách thức hoàn toàn đối lập nhau. Bàn đầu tiên là một bàn thắng xấu xí thể hiện sự “ranh ma” của huyền thoại số 10 sau khi ông dùng tay đẩy bóng vào khung thành của Shilton.
"Bàn tay của Chúa"
Còn bàn thứ 2 là bàn thắng của “thiên thần”. Một bàn thắng tiêu biểu cho cá nhân Maradona và cũng là đại diện cho vẻ đẹp thăng hoa của một “vĩ nhân” trên sân cỏ thế giới. 5 cầu thủ của đội tuyển Anh năm đó (Glenn Hoddle, Peter Reid, Kenny Sansom, Terry Butcher và Terry Fenwick) cũng như thủ môn Peter Shilton đã bị Maradona biến thành những chàng hề nhưng cũng là “vinh dự” cho họ được là “chứng nhân” của một trong những khoảnh khắc thần kỳ nhất của thể thao thế giới.
Bàn thắng này đã được bầu là Bàn thắng đẹp nhất thế kỷ 20 trong một cuộc bầu chọn qua Internet năm 2002 do FIFA tổ chức.
Pha solo đã đi vào huyền thoại
“Đấng cứu thế” của Napoli
Sau vinh quang cùng Argentina, Maradona tiếp tục sứ mệnh mà “Chúa” đã gửi gắm nơi ông để truyền bá vẻ đẹp bóng đá ở bất cứ nơi đâu ông đến. Lần này “cậu bé vàng” đã chọn Napoli - CLB chưa từng biết đến vinh quang trước khi có sự xuất hiện của ông trong đội hình. Một mình Maradona đã thổi hồn vào lối chơi của đội bóng và cùng các đồng đội đem về cho CLB tí hon này hai chiếc cúp vô địch Italia và một chiếc cúp UEFA (lúc đó gọi là cúp C2 châu Âu).
"Đấng cứu thế của" Napoli
Ở Napoli, Maradona là "thần thánh", là một vĩ nhân, và luôn là người được chào đón nhiệt tình nhất. Bởi đơn giản Maradona đã gây dựng nên thời kỳ vinh quang nhất của CLB này, ngày ông rời CLB để chuyển sang nơi khác thi đấu cũng là thời điểm đi xuống của Napoli.
Góc khuất của một thiên tài
Ở trên sân cỏ, Maradona là “thiên thần” với chiếc chân trái ảo thuật còn ở ngoài đời ông lại là một “con quỷ” với những scandal tai tiếng. World Cup 1994 là một dấu mốc buồn trong sự nghiệp lẫy lừng của Maradona. Đội tuyển Argentina của ông không thể bảo vệ thành công chức vô địch thế giới còn với riêng bản thân Maradona, đó cũng là thời điểm đánh dấu sự thoái trào của một tượng đài bóng đá. Ông đã bị đuổi khỏi World Cup năm đó do bị phát hiện sử dụng doping.
Chán nản vì thất bại, ông liên tục sử dụng ma tuý như một công cụ để làm tiêu tan muộn phiền. Cánh báo chí thường xuyên bắt gặp hình ảnh một Maradona bệ rạc vì chất kích thích, đi kèm với đó là những cuộc ăn chơi trác táng đã huỷ hoại sự nghiệp của một cầu thủ vĩ đại.
Bỏ qua tất cả những tai tiếng đó mỗi khi nhắc đến Maradona, NHM lại nhắc đến một hình ảnh cầu thủ tung hoành trên sân cỏ với cái chân trái diệu kỳ, với niềm đam mê cháy bỏng và sự khát khao chiến thắng tột độ. Tất cả những điều đó đã tạo nên một Maradona huyền thoại, một "cậu bé vàng" không bao giờ phai nhạt trong mắt những tín đồ của "túc cầu giáo".