Scandal nối tiếp scandal
Trong khi người đẹp và ngôi sao giải trí khắp các quốc gia đang cởi đồ, chụp ảnh, hát các bài ca chúc chiến thắng với đội tuyển nước mình, thì Utada Hikaru - một trong những nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất châu Á - viết trên mạng: “Tôi hy vọng người Croatia sẽ không có ác cảm với dân Nhật Bản sau quyết định của trọng tài Nishimura”. Chính CĐV Nhật cũng đang thấy xấu hổ vì trọng tài nước mình tại VCK World Cup.
Trong trận đấu khai mạc, ông Yuichi Nishimura đã thổi một quả penalty tưởng tượng cho Brazil, khi Fred tự ngã trong vòng cấm, dẫn đến bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 cho đội chủ nhà. Bàn thắng xoay chuyển cục diện trận đấu và chính thức đem 3 điểm cho Brazil. Người Croatia vô cùng tức giận. “Bắt thế này thì đừng chơi bóng đá nữa” - HLV Niko Kovac của đội tuyển đến từ Nam Âu bức bối. “FIFA cần cấm ông trọng tài này cầm còi” - hậu vệ Darjen Lovren, người bị thổi phạt oan trong tình huống dẫn đến phạt đền, kêu gọi.
Hiếm có một kỳ World Cup nào mà các trọng tài phạm sai lầm với tần suất dày đặc như tại Brazil năm nay. Trong trận Hà Lan - Tây Ban Nha, trọng tài nổi tiếng nước Ý, ông Nicola Rizzoli, cũng đã thổi một quả penalty không tồn tại cho Tây Ban Nha, trong một tình huống mà tiền đạo Diego Costa tự giẫm lên chân của De Vrji bên phía Hà Lan và ngã trong vòng cấm. Quả phạt đền đó dẫn đến bàn thắng mở tỉ số. Ông Rizzoli may mắn hơn Nishimura, bởi Hà Lan đã lội ngược dòng và có chiến thắng đậm đà. Nếu không, hẳn vị trọng tài này cũng đã chìm trong những lời sỉ vả của cầu thủ và CĐV áo da cam.
Trận Mexico - Cameroon rạng sáng thứ bảy, trọng tài cũng trở thành nhân vật chính, khi ông từ chối 2 bàn thắng mà người Mexico cho là hoàn toàn hợp lệ. HLV Miguel Herrera của đội bóng đến từ Trung Mỹ đã gần như phát điên trên đường pitch. Rất may là sau đó, Mexico vẫn thắng. Tuy nhiên, ông trọng tài Wilmar Roldan người Colombia cũng không thể thoát khỏi búa rìu dư luận.
Chỉ sau 3 ngày thi đấu đầu tiên, số các bài báo tiếng Anh viết về trọng tài tại World Cup đã lên tới con số 111.000. Họ đang được quan tâm hơn bất kỳ một ngôi sao nào tại giải đấu.
FIFA chỉ biết cãi cùn
Đáng thất vọng hơn, là phản ứng từ phía các nhà tổ chức giải đấu. Trước những chất vấn của báo giới về quyết định đầy tai tiếng của trọng tài Yuichi Nishimura, người đứng đầu bộ phận trọng tài của World Cup, ông Massimo Busacca, chỉ biết... cãi cùn: “Tôi nghĩ thổi penalty trong tình huống đó là chấp nhận được. Hậu vệ Lovren đã chạm vào người Fred, không chỉ bằng một tay mà cả hai tay. Khi anh đã chạm vào người đối phương, trọng tài chỉ có một hướng xử lý”.
Các pha tác động của Lovren không hề đủ sức làm Fred ngã. Tuyên bố như vậy chẳng khác nào cổ xúy cho lối ăn vạ, chạm là ngã, mà thế giới bóng đá đang ra sức bài xích.
Khi được một phóng viên hỏi rằng quyết định của trọng tài người Nhật có phải là một sai lầm, ông Busacca trả lời đầy thách thức: “Đó là suy nghĩ của anh và tôi sẽ mặc anh thích nghĩ gì thì nghĩ”.
Đang có nhiều ý kiến cho rằng FIFA đang “làm màu” tại giải đấu này. Đây là giải đấu đầu tiên trong lịch sử ứng dụng công nghệ goal-line, một hệ thống nhận diện tốn kém nhằm xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa. Họ cũng giới thiệu một công nghệ rất mới, trong đó trọng tài kẻ vạch đá phạt bằng một loại bọt màu sẽ tự biến mất trên sân. Giới thiệu nhiều công nghệ như vậy, nhưng thứ cần chính xác nhất, là các quyết định thổi phạt, thì trọng tài lại liên tiếp phạm sai lầm.