Cú đúp của Suarez vẫn chưa chính thức “rút ống thở” với ĐT Anh, thày trò HLV Hodgson vẫn có quyền hi vọng đến tận lượt đấu cuối cùng nếu Italia vượt qua Costa Rica. Nhưng rõ ràng, số phận của ĐT Anh đã trở nên vô cùng mong manh. Viễn cảnh đội quân của nữ hoàng lại một lần nữa gây thất vọng đã trở nên hiển hiện hơn bao giờ hết.
Tại sao bóng ma thất bại lại cứ đeo bám, ám ảnh người Anh hết lần này đến lần khác, suốt từ sau World Cup 1966; dù cho trong khoảng gần 2 thập kỷ trở lại đây cùng với sự phát triển của Premier League, về lý thuyết ĐT Anh luôn sở hữu một đội hình chất lượng, đầy sao?
Thật ra, tại Brazil 2014 này cũng vậy. Tuy không còn lực lượng hùng hậu như vài năm trước, song trong tay HLV Hodgson vẫn có không ít hảo thủ từng đăng quang tại Champions League (giải đấu khắc nghiệt nhất cấp CLB) như: Gary Cahill, Lampard, Gerrard hay Rooney. Chỉ có điều, đối với người Anh, từ CLB đến ĐTQG lại có vẻ là một quãng đường quá dài.
Tại sao luôn là người Anh?
Họ rốt cuộc vẫn cứ là những kẻ chiến bại không hơn không kém. Hẳn không ít CĐV của ĐT Anh bị ám ảnh bởi sự khác biệt này. Vấn đề nằm ở chỗ các CLB Anh tuy mạnh, nhưng nó không phải thực sự là của người Anh. Hầu hết các đội bóng mạnh đều được gây dựng bởi túi tiền của những ông chủ nước ngoài - những người dĩ nhiên chẳng mấy bận tâm đến bóng đá Anh phát triển ra sao. Trong khi đó, những cầu thủ người Anh cũng chỉ trở nên mạnh mẽ khi họ được hỗ trợ bởi những ngôi sao nước ngoài.
Ngược lại, khi tụ lại với nhau họ chỉ là một tập thể yếu đuối về bản lĩnh. Nhất là khi phải sống dưới áp lực cực lớn từ cỗ máy truyền thông lá cải khổng lồ ở quê nhà, cũng như sự kì vọng thái quá của số đông người hâm mộ có tư tưởng huyễn hoặc, phi thực tế.
Trong quá khứ, người Anh từng vỗ ngực họ là nơi khai sinh ra môn thể thao Vua, vì vậy đội tuyển của họ dĩ nhiên là mạnh nhất thế giới. Bởi vậy, ĐT Anh từng từ chối không thèm tham dự 3 VCK World Cup đầu tiên, với tư tưởng không cần phải tranh Cúp với những kẻ yếu hơn. Chuyện khôi hài tiếp tục diễn ra ở World Cup 1950 – giải đấu đầu tiên mà người Anh góp mặt. Khi ấy, các phương tiện thông tin liên lạc chưa phát triển như bây giờ, World Cup cũng chưa xuất hiện trên truyền hình. Ở trận đấu giữa ĐT Anh và Mỹ, Anh đã để phơi áo với tỉ số 0-1. Khi thông tin này xuất hiện trên báo, rất nhiều người đã cho rằng đây là lỗi in ấn, chắc tỉ số thật của trận đấu là 10-1 nghiêng về ĐT Anh (in thiếu số 1). Sở dĩ như thế là cho đến tận lúc đó người Anh vẫn cho rằng đội tuyển của mình cực mạnh, nếu không muốn nói là vô đối và không thể thua một đối thủ như Mỹ.
Rooney chính là hình ảnh tiêu biểu của ĐT Anh
Sau hơn nửa thế kỷ dường như người Anh vẫn chưa thể thay đổi cái nhìn viển vông ấy. Theo một thống kê mới đây thì có tới 50% người Anh quan tâm tới việc ĐT nhà vô địch World Cup hơn là chuyện Scotland muốn tách ra khởi Vương quốc Anh. Rõ ràng, chỉ có những kẻ ảo tưởng mới dám mơ mộng về giấc mơ Cúp vàng với lực lượng hạn chế, đang trong quá trình chuyển giao của ĐT Anh hiện nay.
Chính thứ sức ép không đáng có ấy đã khiến các cầu thủ Anh vốn chẳng mạnh mẽ gì về tâm lý càng trở nên run rầy, yếu bóng vía. Chẳng phải vô cớ mà Rooney phải đợi đến kì World Cup thứ 3, sau đúng 10 trận đấu mới vừa có được bàn thắng đầu tiên ở sân chơi này. Cũng chẳng phải tự nhiên mà trung vệ Jagielka (Everton) sau khi để Suarez ghi bàn trong cả 2 lượt trận ở Premier League, lại tiếp tục bất lực trong việc bắt chết tiền đạo này. Rồi nữa, Gerrard lại một lần nữa là tội đồ khi anh để mất bóng, rồi đánh đầu “kiến tạo” ở cả 2 tình huống mà Suarez ghi bàn. Nó cũng giống như cú sảy chân thế kỷ của anh trong trận đấu với Chelsea ở giải Ngoại hạng, khiến Liverpool đánh mất cơ hội vô địch lần đầu tiên từ năm 1990.
Nói tóm lại, khi mà các cầu thủ còn chưa thể chiến thắng được bản thân, nhưng lại còn phải chống chọi búa rùi bủa vây từ mọi phía, thì cũng dễ hiểu với việc ĐT Anh luôn là kẻ thất trận đáng thương. Ở khía cạnh nào đó, Tam sư thực sự luôn rơi vào tấn bi kịch do chính người Anh tạo ra,. Chẳng hiểu có bao giờ, tiền đạo lừng danh một thời của ĐT Anh, Gary Lineker muốn sửa câu nói nổi tiếng của mình: “Bóng đá là trò chơi của 22 người với 1 quả bóng nhưng cuối cùng người chiến thắng luôn là người Đức” thành “Bóng đá là trò chơi của 22 người với 1 quả bóng nhưng cuối cùng người chiến bại luôn là người Anh” không?