Một thế hệ chờ đợi
Trên đôi giày được thiết kế riêng mà tiền vệ Bastian Schweinsteiger đi trong trận chung kết, có in dòng chữ “The Chosen One” (Người được lựa chọn) - một cụm từ chỉ những anh hùng được trao gửi niềm tin của đám đông.
Anh đã thi đấu đúng như một “The Chosen One”, với vết rách chảy máu ròng ròng trên mặt, liên tục bị đốn ngã bởi những tình huống đá rắn của các tuyển thủ Argentina, nhưng vẫn trụ lại trên sân cho đến phút cuối cùng, để òa khóc nức nở khi đội tuyển Đức chiến thắng.
Suốt 14 năm, kể từ sau thất bại tại EURO 2000, Đức đã tạo một chiến dịch “quốc gia làm bóng đá”, để tạo ra những con người như Schweinsteiger hay Lahm. Năm nay, Bastian đã 30 tuổi và đây có thể là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp.
Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu cất lên, người ta có thể thấy ở Đức các cầu thủ 2 tâm trạng: Những cầu thủ trẻ như Goetze, Boateng thì hớn hở. Những lão thần như Klose, Podolski, Schweinsteiger thì òa khóc. Họ đã phải trải qua quá nhiều cú ngã, để hưởng vinh quang hôm nay. Có lẽ hiếm khi sau trận chung kết, kẻ thắng và người thua cùng khóc nhiều như thế.
Lần đầu tiên cho nước Đức
Đây là chức vô địch thế giới thứ 4 của Đức - xét về mặt “giấy tờ” - vì đội tuyển Đức ngày nay được kế thừa thành tích của đội tuyển Tây Đức trước kia. Nhưng là lần đầu tiên người Đức vô địch thế giới sau khi thống nhất. Năm 1990, khi Lothar Matthaeus và đồng đội nâng cao cúp vàng, bức tường Berlin vẫn còn đó. Nhiều nhà phân tích tin rằng chiếc cúp vàng này là một viên ngọc mới trên mũ miện thành tựu mà nước Đức đã có trong cuộc phát triển khoa học, kinh tế, chính trị.
Lần đầu tiên, một đội bóng châu Âu đăng quang trên đất Nam Mỹ. Và họ còn đăng quang bằng cách đánh bại 2 nền bóng đá hùng mạnh nhất của châu lục này trên đường chinh phục. Trên quãng đường ấy, người Đức “nhặt” thêm một kỷ lục lớn là Miroslav Klose trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử World Cup với 16 bàn. Nếu có ai phá được kỷ lục này, thì nhiều khả năng đó sẽ là một... người Đức khác - Thomas Mueller, 24 tuổi và đã có 10 bàn tại World Cup.
Ở phía bên kia, người Argentina cũng khóc. Tại Buenos Aires, chỉ ít giờ sau khi trận chung kết khép lại, sự đau đớn của những người bại trận đã biến thành sự giận dữ. Những cuộc bạo loạn đã diễn ra trên đường phố thủ đô, cảnh sát cơ động phải vào cuộc và hàng chục người bị bắt. Song, những người Argentina này phải hiểu rằng thất bại không phải là cơ hội để tức giận. Không có ai thua trong một trận chung kết World Cup mà không thấy đau. Khi Lionel Messi và đồng đội bước lên khán đài để nhận huy chương bạc, rất nhiều cánh tay đã chìa ra, ngay cả từ phía những CĐV Brazil, để mong chạm vào người họ, vỗ về an ủi. Nhưng với họ, dù là đội yếu hơn vẫn có quyền được hy vọng và phải biết đứng lên từ thất bại, như người Đức đã làm.