Người Trung Quốc cho rằng chính họ mới là quốc gia khai sinh ra bóng đá. Sau khi vô địch World Cup 1930, Uruguay cũng tuyên bố như vậy. Song cho đến thời điểm hiện tại, Anh vẫn được xem là cái nôi của môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh.
Luật bóng đá ra đời ở Anh và kích thước sân bóng cũng được quy định theo hệ đo lường của Anh và sau này mới được đổi sang hệ đo lường quốc tế SI cho phù hợp với sự phổ biến của bóng đá trên toàn thế giới. Luôn coi mình là mẫu quốc, Anh không thèm tham dự World Cup 1930, 1934 và 1938.
Trong khi các quốc gia khác mới chỉ biết đến bóng đá, thì người Anh đã chơi môn thể thao này từ thế kỷ thứ 19. Nên ĐT Anh nghĩ rằng họ “bị” tham dự World Cup 1950 hơn là “được” vinh dự góp mặt ở kỳ Mondial này. Đến Brazil để vô địch! Tất cả các cầu thủ Anh đều có chung ý nghĩ như thế.
Đạo quân do HLV Walter Winterbottom hành quân sang xứ Samba với toàn những chiến binh thiện chiến như Billy Wright, Stan Mortensen, Tom Finney, Stanley Matthews, người giành Quả bóng vàng châu Âu đầu tiên khi ở tuổi 42, hay Alf Ramsey, nhà cầm quân huyền thoại của bóng đá Anh sau này.
Khi ấy, bóng đá đã phát triển ở Anh gần 100 năm và Tam sư đã khởi đầu World Cup 1950 suôn sẻ bằng chiến thắng 2-0 trước Chile trong ngày ra quân. Song đến lượt trận thứ hai, họ đã gây ra thất bại đáng được xem là tủi hổ nhất trong lịch sử. Hoặc cũng có thể nói một cách khác, Mỹ đã làm nên một trong những bất ngờ động trời nhất ở các kỳ World Cup.
Trong khi Anh là tập hợp của những danh thủ khét tiếng, ĐT Mỹ chỉ có đúng 1 ngày tập luyện với nhau và thành viên chỉ là những cầu thủ không chuyên được tập hợp từ giáo viên, sinh viên, tài xế, thậm chí cả một thanh niên người Bỉ lưu vong đến xứ cờ hoa.
Song không những không thua với tỷ số của một trận cricket như lời HLV Bill Jeffrey, Mỹ đã bất ngờ đánh bại Anh với tỷ số 1-0 với bàn thắng duy nhất của anh hầu bàn chuyên rửa chén đĩa Joe Gaetjens. Khi kết quả được gửi về Anh, một nhân viên điện toán nghĩ rằng người ta truyền nhầm kết quả nên đã tự ý thêm số 1 vào trước số 0 và sửa thành Anh thắng 10-1.
Nhằm giữ mối quan hệ hữu hảo với Anh quốc, báo chí Mỹ hoặc không dám đăng tải hoặc chỉ đưa vắn tắt thông tin về trận đấu này. Sau thất bại 0-1 trước Mỹ, Tam sư thua tiếp Tây Ban Nha cũng với tỷ số tương tự và phải khăn gói về nước trong cay đắng.
Phải đến World Cup 1966, ĐT Anh mới vô địch thế giới trong một giải đấu được cho là họ được “cơ cấu” sẵn để đăng quang. Còn với ĐT Mỹ, họ đã mất tích cho đến tận năm 1990 mới trở lại góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới.