Bóng đá Argentina đầy tiểu xảo, nhưng bản sắc vẫn là thứ bóng đá tấn công, nó cũng quyến rũ như điệu Tango đã làm nên thương hiệu của quốc gia này. Sabella chấp nhận từ bỏ bản sắc để chơi thứ bóng đá xù xì, thô ráp và vào đến chung kết. Nhưng cũng giống như cách Hà Lan của World Cup 2010 chấp nhận đá thô bạo để đạt mục đích, họ không thể chạm tay vào Cúp vàng thế giới.
Kể từ World Cup 2002 trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc, lịch sử đã chứng minh tất cả những đội bóng kiên định với cách làm bóng đá của mình đều lên ngôi vô địch. Brazil năm ấy lên ngôi bằng thứ bóng đá tấn công truyền thống, dĩ nhiên kèm theo đó là sự kết hợp hài hòa của yếu tố kỷ luật.
Italia đăng quang năm 2006 vẫn dựa trên nền tảng là thứ bóng đá phòng ngự bê tông truyền thống. Còn Tây Ban Nha của World Cup 2010, thầy trò Del Bosque thống trị bóng đá thế giới từ năm 2008 với lối chơi tiqui-taca trứ danh.
Đức viết lại lịch sử trên đất Brazil cũng theo cách ấy. Cuộc cách mạng của bóng đá Đức đã được tiến hành trong hơn một thập kỷ qua. Những thất bại cay đắng ở World Cup 2006, Euro 2008 và World Cup 2010 không làm DFB chùn bước. Loew vẫn kiên định với thứ bóng đá tấn công, pressing để hái quả ngọt ở World Cup 2014.
Vấn đề với Argentina không phải nằm ở giải đấu cụ thể là World Cup 2014, mà lẽ ra Albiceleste cần phải kiên định với bản sắc chơi tấn công trong cả một quá trình. Nhưng tiếc thay những nhà làm bóng đá của quốc gia này không nhận ra điều đó với những lần thay tướng liên tục và mỗi lần thay tướng là một lần lối chơi của Argentina bị biến đổi theo các tính của người cầm quân.
Việc Messi không phục HLV Seballe không dưới 1 lần ở World Cup 2014 cũng chính là phản ứng của La Pulga vì cách chơi đầy nhút nhát và cầu toàn của Argentina. NHM Albiceleste có lý do để tiếc nuối, bởi họ kỳ vọng nhiều hơn ở một dàn tấn công gồm toàn những siêu sao đẳng cấp như Messi, Arguero, Di Maria hay Lavezzi.
Nếu những ngôi sao ấy được rèn kỹ những miếng tấn công đúng như bản sắc thì sao nhỉ? Liệu Higuain có ném đi cơ hội mười mươi đầu trận chung kết? Liệu Palacio có dứt điểm tồi tệ như thế trong tình huống đối mặt với Neuer?
Chính sự thực dụng chỉ muốn kéo trận đấu đến loạt penalty đã bóp chết sự sáng tạo và khiến những đôi chân của những siêu sao như Higuain mất đi bản năng sát thủ, khi thực tế những cơ hội ăn bàn sáng nhất đều thuộc về những cầu thủ mang sắc áo trắng xanh.
Người Đức kiên định với lối chơi tấn công trong kỷ nguyên mới, đã phải mất tới trên 10 năm mới làm nên lịch sử. Bóng đá xứ Tango có lẽ cũng cần phải một khoảng thời gian tương tự hoặc nhiều hơn nữa nếu muốn chấm dứt cơn khát vàng. Người Argentina có thừa siêu sao tấn công dù ở bất kỳ thời điểm nào và đó mới là sở trường mà Albiceleste phải lấy làm thứ vũ khí sắc nhọn nhất để chinh phục vinh quang.