Bóng đá thời toàn cầu hóa

Đức Phan |

(Soha.vn) - Đêm nay, Đức và Ghana sẽ trán nhau ở World Cup. Và giống như cuộc chạm trán 4 năm trước, anh em nhà Boateng vẫn là tâm điểm của sự chú ý, khi đứng ở 2 đầu chiến tuyến.

Jerome Boateng và Kevin Prince Boateng là anh em cùng cha khác mẹ. Bố của họ là người Ghana và mẹ đều là người Đức. Như vậy, họ có quyền lựa chọn khoác áo 1 trong 2 đội tuyển là Đức hoặc Ghana. Điều chéo ngoe là ở chỗ: trong khi người em Jerome chọn Đức – quê hương mẹ và là nơi mình sinh ra lớn lên để phát triển sự nghiệp thi đấu quốc tế, thì người anh Kevin Prince Boeateng lại quyết định tìm về nguồn cội Ghana. Chính vì thế mới có chuyện huynh đệ máu mủ ruột già tại VCK World Cup.

Jerome Boateng và Kevin Prince Boateng

Jerome Boateng và Kevin Prince Boateng

Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện của anh em nhà Boateng chính là một ví dụ điển hình về tác động của toàn cầu hóa lên môn thể thao vua. Trong thế giới phẳng hiện nay thì những yếu tố như biên giới hay chủng tộc ở khía cạnh nào đó không còn quá rõ ràng như trong quá khứ. Vì thế, một đội tuyển không chỉ đại diện cho một quốc gia, dân tộc mà nó giống như một hợp chủng quốc.

Chẳng hạn như ĐT Đức hiện nay, họ có một loạt cầu thủ là người nhập cư, không phải là người gốc Đức hoàn toàn. Ngoài Jerome Boateng đã đề cập ở trên thì Mesut Ozil là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Klose và Podolski có gia đình đến từ Ba Lan, còn Sami Khedira có gốc Tunisia. Đức cũng không phải là đội tuyển duy nhất có “ngoại binh”, một loạt đội bóng khác từ nhỏ đến lớn cũng đang sử dụng nhân tố ngoại như vậy. Croatia có Eduardo, Tây Ban Nha thì là Diego Costa (đây đều là 2 tiền đạo người Brazil), John Brooks - người vừa ghi bàn thắng vàng giúp ĐT Mỹ đánh bại Ghana 2-1 ở lượt đấu đầu tiên thực ra là được sinh ra và lớn lên ở Đức, và vẫn còn rất rất nhiều những trường hợp tương tự thế.

ĐT Đức bây giờ đã mất chất nhưng có thêm nhiều chất mới

ĐT Đức bây giờ đã "mất chất" nhưng có thêm nhiều "chất" mới

Nói tóm lại, trong thời đại toàn cầu hóa, World Cup không chỉ là chuyện riêng của 32 đội tuyển giành vé dự giải, mà thật ra bất kì quốc gia nào cũng có thể tham dự vào ngày hội lớn của bóng đá thế giới theo cách của riêng mình. Đơn giản nhất là những có cầu thủ mang gốc gác góp mặt vào giải đấu như đã đề cập ở trên. Thậm chí, ngay cả khi không có gà nhà, thì người ta vẫn có thể góp tay vào giải đấu này theo cách khác. Người Trung Quốc vỗ ngực rằng bóng thi đấu cũng như phần lớn giày của các cầu thủ đều được sản xuất ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Mặt trái của quá trình toàn cầu hóa lại là làm nhạt nhòa bản sắc riêng của từng đội tuyển. Bây giờ thì không chỉ người Italy mới biết catenaccio, rồi cũng chẳng phải mỗi Brazil mới có thể chơi thứ bóng đá cống hiến kỹ thuật (ĐT Đức cũng có thể chơi đẹp không kém)…Và dĩ nhiên, bây giờ chẳng ai có thể đòi hỏi thày trò HLV Joachim Loew thể hiện thứ bản lĩnh và chất Đức truyền thống, khi mà đội hình của họ đến từ tứ xứ, chứ đâu chỉ có người Đức.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại toàn cầu hóa thực sự cũng đã khiến World Cup trở nên đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Nó khiến bất kì quốc gia nào, kể cả những nền bóng đá gần như không mơ cơ hội góp mặt ở World Cup như Việt Nam cũng có thể mơ “dính máu ăn phần”. Biết đâu đấy trong tương lai gần chúng ta sẽ được cổ vũ cho cầu thủ Việt Nam tại sân chơi này, chỉ có điều là trong màu áo khác. Chẳng phải suýt nữa Lee Nguyễn cũng đã có mặt tại Brazil 2014 đó sao (đấy là còn không tính đến Cabaye bởi anh chỉ có bà ngoại là người Việt Nam)!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại