Với hơn 17 triệu ca nhiễm và hơn 650 nghìn người tử vong trên toàn thế giới, Covid-19 đã trở thành cú số y tế lớn nhất trong vài thập kỷ qua, thậm chí cả thế kỷ qua. Kéo theo đó là dấu hiệu suy thoái kinh tế đã bắt đầu nhen nhóm ở nhiều quốc gia.
Các chính phủ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc giãn cách xã hội để cứu sống nhân mạng hay mở cửa để cứu nền kinh tế.
Chia sẻ tại sự kiện công bố báo cáo Điểm lại vào chiều 30/7/2020, bà Stefanie Stallmeister - Quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng trong khi các quốc gia còn chưa biết đi theo hướng nào thì Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn, có biện pháp ứng phó sớm và minh bạch thông tin, truyền thông sáng tạo, qua đó giúp chống dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, bà cũng nhận định rằng Việt Nam sẽ vẫn phải chịu những ảnh hưởng do Covid gây ra, khi vắc-xin chưa được thương mại hóa. Đồng thời, sự bùng phát của làn sóng Covid thứ hai tại Đà Nẵng cũng nhắc nhở và cho thấy sự mong manh của nền kinh tế.
Báo cáo của World Bank Việt Nam cho biết, mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu của năm nhưng nền kinh tế Việt nam cũng chỉ tăng trưởng 1,8%, hay tương đương mức giảm xấp xỉ 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó.
Đồng thời, có khoảng 30 triệu người lao động, tức một nửa lực lượng lao động đã có lúc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong số đó, khoảng 8 triệu người đã mất việc làm.
Các chính sách nới lỏng kinh tế xã hội cũng đã giúp sức cho các ngành phục hồi nhưng các ngành như du lịch, chế biến xuất khẩu vẫn gặp nhiều rủi ro.
Với góc nhìn lạc quan, Ngân hàng Thế giới tin tưởng rằng Việt nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động trên thế giới, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% trong năm 2020, hồi lại mức 6,7% trong năm 2021. Đồng thời, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
Tuy nhiên, World Bank cũng cho rằng Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường cũ mà thay vào đó, tìm hiểu trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách con người sống và làm việc.
Đồng thời, cần chuẩn bị tình thần rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phải vận động trong tình trạng bất định, cả ở trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Các nhà hoạch định chính sách cần tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói tài khóa quy mô và hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xã hội.
World Bank tin tưởng Việt Nam có cơ hội đặc biệt để nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu, cả về thương mại và đầu tư. "Chưa biết ngày mai ra sao nhưng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thế giới", bà Stefanie nhận định.