Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được World Bank công bố sáng nay 12/4 nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ổn định và bền vững. Tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5%.
Mức tăng này được xem là rất thận trọng nếu so sánh với dự báo được ADB đưa ra trước đó 1 ngày hay IMF hồi cuối tháng 3 (dự báo 6,6%). Khoảng cách giữa chênh lệch của các tổ chức quốc tế đang là từ 0,1 – 0,6 điểm phần trăm.
Không bình luận về quan điểm khác nhau giữa World Bank và ADB, ông Sudhir Shetty, chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank chỉ lý giải nông nghiệp Việt Nam năm 2017 đã phục hồi mạnh nên năm 2018 dù có tăng trưởng nhưng khó lòng đạt sự bứt phá như trước đó.
Ông Đinh Tuấn Việt, chuyên gia kinh tế cấp cao của World Bank tại Việt Nam nói thêm rằng báo cáo hôm nay chỉ là vắn tắt, phục vụ cho Hội nghị mùa xuân của World Bank và IMF diễn ra vào tuần sau.
Do vậy, các dự báo được đưa ra khi chưa có số liệu sơ bộ của Việt Nam vào quý I. Việc này, theo ông Việt, cũng là để đồng bộ với các quốc gia khác trong khu vực, bởi đại bộ phận các nước đến nay mới có dự báo kinh tế của quý III hoặc IV, khác Trung Quốc, Việt Nam.
Về kinh tế quý I/2018, ông Việt cho rằng bước đầu, con số 7,48% có điểm kỳ lạ nhưng khi nhìn nhận lại, nó là hợp lý vì dựa trên nền tăng rất thấp của quý I/2017 vốn chỉ đạt 5,15%.
"World Bank thận trọng là bởi muốn tiếp tục thu thập số liệu và phân tích tình hình kinh tế nhằm có câu trả lời chính xác: Tăng trưởng quý I/2018 là phần ‘gia tốc’ của của nửa cuối năm ngoái hay Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng cao, bền vững", ông Việt nhấn mạnh vấn đề bằng cách lặp lại 2 lần câu nói này.
Bên cạnh đánh giá cao Việt Nam tăng trưởng ổn định, bền vững, lạm phát được kiểm soát tốt..., World Bank cũng đưa ra một số rủi ro, thách thức cần lưu ý.
Nhìn vào trong nước, World Bank cho rằng cải cách cơ cấu chậm lại có thể làm quá trình phục hồi hiện nay bị suy yếu, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn. Bên cạnh đó, rủi ro về tiến độ của ngân sách sẽ làm suy giảm chi tiêu cho giảm nghèo cũng như đầu tư tài sản vật chất con người.
Nhìn từ bên ngoài, độ mở của thương mại và mức độ đầu tư nước ngoài khá cao khiến cho nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ, có khả năng tăng lên.
Những rủi ro đó đòi hỏi phải có những bước tiếp theo nhằm nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô, bao gồm tiếp tục cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng cường dự trữ ngoại tệ, áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và các cân đối vĩ mô thích hợp với mục tiêu tăng trưởng tiền tệ...
Trong lĩnh vực tài khoá, những cải cách thu – chi cần tiếp tục đi vào chiều sâu, bao gồm mở rộng cơ sở tính thuế, hợp lý hoá bộ máy hành chính công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, cần phải tiến hành song song việc cải cách khu vực DNNN, cải thiện môi trường pháp quy, củng cố thị trường các yếu tố sản xuất, bao gồm thị trường vốn và đất đai.
"Việt Nam đã tăng trưởng cao trong bối cảnh quy mô nền kinh tế lớn hơn, do vậy 1% tăng trưởng của bây giờ và 1% tăng trưởng của 5 năm trước là những nỗ lực khác nhau", ông Đinh Tuấn Việt nói về thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt.