Giết chết 300.000 người, khiến hàng trăm nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư, và gây thiệt hại gần 90 triệu USD (năm 1970), "Siêu cuồng phong Bhola" được WMO đánh giá là cơn bão nhiệt đới giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại...
►Theo thông lệ, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc lưu giữ hồ sơ về biến động nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt trên Trái Đất.
Tuy nhiên, mức độ tàn phá và gây thiệt hại khủng khiếp của các loại hình thời tiết cực đoan đã khiến WMO phá lệ.
Ngày 18/5/2017, WMO lần đầu tiên công bố hồ sơ về số người chết nhiều nhất trong lịch sử liên quan đến các thảm họa tự nhiên như vòi rồng, bão nhiệt đới, sấm sét và mưa đá.
"Thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến thất thường và gây ra hàng loạt sự tàn phá nghiêm trọng cũng như cướp đi hàng nghìn sinh mệnh.", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas phát biểu trong một thông cáo báo chí vừa qua.
Định nghĩa của WMO về thời tiết cực đoan
- Là hiện tượng khí tượng nguy hiểm, gây chết người; làm thiệt hại và bất ổn xã hội.
- Bao gồm: Lốc xoáy, bão nhiệt đới, sấm sét, bão bụi, mưa đá...
Thông qua hồ sơ này, WMO truyền tải thông điệp cảnh báo đến người dân khắp thế giới nhằm nâng cao cảnh giác đối với hiện tượng khí tượng nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh dân số toàn cầu ngày càng tăng và biến đổi khí hậu đi kèm thời tiết cực đoan đang ngày càng diễn biến khó lường và đáng sợ hơn.
Dưới đây là danh sách những dạng thảm kịch thời tiết cực đoan đẫm máu nhất được lưu trữ trong hồ sơ của WMO (Chỉ tính từ năm 1888 đến nay).
5 dạng thảm họa tự nhiên đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại
HỒ SƠ SỐ 1
Ghi chép trong hồ sơ của WMO: Nhân chứng còn sống trong trận mưa đá "tử thần" cách đây 129 năm tại thành phố Moradabad, bang Uttar Pradesh khiến 246 người thiệt mạng cho biết, kích cỡ của hạt mưa đá to bằng quả trứng ngỗng, có màu vàng.
Trận mưa "tấn công" ồ ạt, khủng khiếp tới mức nó khiến toàn bộ mái nhà, cửa sổ của thành phố bị thiệt hại nghiêm trọng. Những người đang ở ngoài đường hoặc chưa kịp tìm chỗ trú ẩn an toàn chết ngay lập tức.
Ngoài ra, 1.600 loài gia súc bao gồm cừu và dê cũng bị chết vì thảm họa thời tiết nguy hiểm này.
HỒ SƠ SỐ 2
Ghi chép trong hồ sơ của WMO: Có đến 90% ngôi nhà ở khu vực châu Phi hạ Sahara (các quốc gia ở phía nam Sahara) không an toàn trước những cơn sét khổng lồ (có cấu trúc mái vòm bằng kim loại).
Đó là lý do, trận sét năm 1975 tại Zimbabwe đã khiến 21 người chết ngay lập tức vì sét đánh.
HỒ SƠ SỐ 3
Ghi chép trong hồ sơ của WMO: Ngày 2/11/1994, trận mưa bão kèm sấm sét xảy ra tại ngôi làng Dronka, Ai Cập.
Một tia sét khổng lồ đánh trúng vào 3 thùng dầu lớn (mỗi thùng chưa 5.000 tấn nhiên liệu diesel dùng cho máy bay) để gần nhau, gây nên vụ nổ kinh hoàng khiến 229 người chết ngay lập tức. Quan chức địa phương cho biết, 240 người khác thiệt mạng khi được đưa vào bệnh viện.
Hơn 200 ngôi nhà ở Dronka đã bị phá hủy. Trận mưa lớn kéo dài 5 ngày khiến ít nhất 20.000 dân làng chạy trốn về phía Assiut, thủ phủ của tỉnh để lánh nạn.
Như vậy, một tia sét đã gián tiếp giết chết gần 500 người tại Ai Cập cách đây 23 năm.
HỒ SƠ SỐ 4
Ghi chép trong hồ sơ của WMO: Đây được xem là một trong những trận vòi rồng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại: Giết chết 1.300 người, làm bị thương 12.000 người và khiến 80.000 người mất nhà cửa.
Thảm họa thời tiết khủng khiếp xảy ra cách đây 28 năm đã càn quét và phá hủy 2 thị trấn tại quận Manikganj, trung tâm Bangladesh.
HỒ SƠ SỐ 5
Ghi chép trong hồ sơ của WMO: Được giới chuyên gia gọi với cái tên "Siêu cuồng phòng Bhola", đây là cơn bão nhiệt đới giết nhiều người nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là một trong những thảm họa tự nhiên gây chết người nhiều nhất thời hiện đại: 300.000 người chết.
Với sức gió khủng khiếp lên đến 185 km/h, "Siêu bão Bhola" không khác gì một "hung thần" càn quét nhà cửa, cây cối, làm hư hỏng nặng đường xá với mức thiệt hại lên tới 86,4 triệu USD (năm 1970).
Đọc các bài viết khác về Thảm họa tự nhiên, tại đây.
Dịch từ: Businessinsider.com, Chicagotribune.com