WHO vạch ra hai kịch bản COVID-19 ở Châu Á - Thái Bình Dương

Trà My |

Đại dịch COVID-19 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trong “giai đoạn quan trọng” và hai kịch bản có thể xảy ra trong những tháng tới, WHO cho biết.

Hôm qua 25/8, một đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đại dịch COVID-19 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trong "giai đoạn quan trọng" và mọi biện pháp phải được thực hiện để hạn chế sự lây lan của virus, tránh các biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện.

Ông Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho biết số ca mắc COVID-19 và tử vong do COVID-19 các nước Châu Á - Thái Bình Dương "đang tăng mạnh", chủ yếu do biến thể Delta rất dễ lây lan, SCMP đưa tin.

WHO vạch ra hai kịch bản COVID-19 ở Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Nhân viên nghĩa trang chôn cất quan tài của một nạn nhân COVID-19 ở Depok, Indonesia. Ảnh: EPA-EFE

Trong ba tuần đầu tiên của tháng 8, khu vực này chiếm 10% số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu và hơn 8% số ca tử vong toàn cầu, ông Kasai nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

"Ở giai đoạn quan trọng này của đại dịch, chúng ta hãy đi đúng hướng", ông Kasai nói. "Hợp tác với nhau, chúng ta có thể giành quyền kiểm soát. Chúng ta có khả năng giảm thiểu mối đe dọa từ virus bằng cách tận dụng tối đa mọi công cụ mà chúng ta có để chống lại nó lúc này".

Ông Kasai cho biết với sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong ở một số quốc gia trong khu vực, hai kịch bản có thể xảy ra trong những tháng tới.

WHO vạch ra hai kịch bản COVID-19 ở Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Một người đàn ông được tiêm vaccine COVID-19 tại một nhà thờ ở thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines. Ảnh: EPA-EFE

Kịch bản đầu tiên là nguy cơ nhiễm COVID-19 được giảm thiểu và có thể được kiểm soát như bệnh cúm mùa và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tiêm chủng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp nhắm trúng đích ngắn hạn để chống lại các đợt bùng phát, ông Kasai nói.

Kịch bản thứ hai là "các biến thể khác nguy hiểm hơn có thể phát triển, các biến thể mà lây lan dễ hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc kháng vaccine hiện có", ông Kasai nói.

"Kịch bản này và cái giá phải trả liên quan đến sức khỏe, xã hội và kinh tế… là điều mà chúng ta muốn tránh nếu có thể", ông nói thêm.

"Cách tốt nhất là làm mọi cách để hạn chế sự lây lan ngay bây giờ. Giống như các loại virus khác, càng nhiều người bị nhiễm, virus càng có thể phát triển", ông Kasai kêu gọi.

[Đọc thêm: WHO kêu gọi Indonesia hành động khẩn cấp khi người dân di chuyển nườm nượp trở lại]

Nhật Bản, Malaysia, Philippines là ba trong số các quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong 24 giờ qua trong khu vực, bà Tamano Matsui, giám đốc về thông tin khẩn cấp và đánh giá rủi ro tại văn phòng khu vực của WHO, cho biết.

Mặt khác, Trung Quốc, Singapore và Mông Cổ có tỷ lệ nhiễm thấp hơn nhờ các biện pháp y tế công cộng và giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tỷ lệ tiêm chủng cao, bà Matsui nói thêm.

Bà Matsui cho biết các yếu tố đã góp phần vào sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 trong khu vực bao gồm sự lan rộng của biến thể Delta, không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và sức khỏe cộng đồng và khó phát hiện các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ông Kasai nói thêm: "Biến thể Delta hiện là một mối đe dọa thực sự, đang thử năng lực của cả những hệ thống y tế công cộng mạnh nhất trong khu vực của chúng tôi. Mỗi quốc gia cần tiếp tục làm tất cả những gì có thể để kiểm soát virus".

(Nguồn: SCMP)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại